Tháng 4/2021, dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ, thuộc Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam, đăng tải thông tin Nissan Motors (Nhật Bản) đăng ký bảo hộ sở hữu kiểu dáng công nghiệp với các sản phẩm như Juke, Almera (Sunny). Đây là các mẫu xe (thế hệ mới nhất) chưa được bán tại Việt Nam.
Danh sách đăng ký sở hữu kiểu dáng của Nissan thậm chí còn có những mẫu xe xa lạ, khó có tiềm năng bán tại Việt Nam như SUV chạy điện Ariya và dòng thể thao 400Z, mẫu xe thậm chí còn chưa bán ra thị trường quốc tế. Dù chưa được cơ quan chức năng cấp bằng bảo hộ kiểu dáng, động thái này của Nissan Nhật Bản cũng dấy lên những đồn đoán cho rằng hãng rục rịch đem các mẫu xe này về bán tại thị trường Việt.
Tuy nhiên đại diện VAD, hãng phân phối độc quyền xe Nissan tại Việt Nam cho biết, việc đăng ký sở hữu kiểu dáng công nghiệp cho những xe như Ariya, Almera, Juke, 400Z do một phân nhánh ở Hà Nội và thuộc tập đoàn mẹ Nissan Nhật Bản thực hiện. "Công ty này hoạt động độc lập với VAD. Chúng tôi hiện chưa có kế hoạch phân phối những dòng xe này", vị này nói.
Trước Nissan, nhiều mẫu xe mới chưa được bán tại Việt Nam của Toyota như Raize, RAV4, Yaris Cross, Corolla hatchback cũng được đăng ký bảo hộ sở hữu kiểu dáng công nghiệp. Đại diện liên doanh Nhật nói rằng, việc này do tập đoàn Toyota Nhật Bản thực hiện, không liên quan đến liên doanh Toyota Việt Nam.
"Về kế hoạch giới thiệu sản phẩm trong tương lai, chúng tôi sẽ thông báo khi có thông tin chi tiết", đại diện Toyota Việt Nam cho biết. Theo vị này, khó có hãng nào khẳng định, nói không bán những mẫu xe được đăng ký sở hữu kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam, nhưng nếu chỉ dựa vào việc này để nói hãng sắp bán là "vội vàng".
Các hãng như Mitsubishi, Volkswagen, Suzuki, Subaru tại Việt Nam đều cho biết việc đăng ký bản quyền thiết kế do hãng mẹ thực hiện.
Đại diện Suzuki Việt Nam nói, việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp thông thường do phía tập đoàn thực hiện. "Khi có một sản phẩm mới, hãng tiến hành việc này như một biện pháp để ngăn chặn ăn cắp bản quyền thiết kế. Việc đăng ký thường ở các thị trường hãng hiện diện hoặc bán sản phẩm đó. Trường hợp chưa có kế hoạch bán cũng được đăng ký như một hình thức bảo vệ".
"Bằng bảo hộ kiểu dáng sau khi được cơ quan chức năng cấp, là căn cứ pháp lý xác thực quyền sở hữu của doanh nghiệp đối với kiểu dáng sản phẩm", luật sư Huỳnh Phước Hiệp, đoàn Luật sư TP HCM cho biết. "Pháp luật không quy định doanh nghiệp khi đăng ký bảo hộ kiểu dáng sản phẩm thì phải kinh doanh sản phẩm đó".
Theo luật sư Hiệp, một sản phẩm để được kinh doanh hợp pháp trên thị trường không cần đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Tuy nhiên, để tránh các rắc rối pháp lý nếu xảy ra tranh chấp hoặc bị sao chép, đạo, nhái sản phẩm bởi công ty khác, làm ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu, doanh nghiệp thường đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp như một biện pháp để đề phòng.
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam, kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này. Sau khi nhận đơn đăng ký, cơ quan chức năng tiến hành thẩm định và cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp nếu đáp ứng các điều kiện: có tính mới, có tính sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp. Nếu không, đơn đăng ký bảo hộ có thể bị từ chối.
Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực 5 năm kể từ ngày nộp đơn và có thể gia hạn 2 lần liên tiếp, mỗi lần 5 năm. Như vậy, chủ sở hữu được phép sử dụng kiểu dáng đó độc quyền tại Việt Nam trong thời gian tối đa là 15 năm.
Đoàn Dũng - Thành Nhạn