![]() |
Người Mỹ trầm lặng - phim có sự tham gia của diễn viên VN. |
Ông Nguyễn Hồ, Giám đốc Hãng TFS, cho biết: "Phía Hàn Quốc yêu cầu được hưởng quyền lợi bằng những phút quảng cáo trong phim. Như vậy, TFS phải bỏ nhiều thời gian bù đắp vốn, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu, mà trước mắt cũng chưa biết Tối lửa tắt đèn liệu có lãi hay không". Một lý do khác khiến Hãng phim Truyền hình TP HCM thiếu tự tin là "công nghệ làm phim truyền hình dài tập của VN hiện chưa có, đội ngũ làm phim vẫn theo kiểu nghiệp dư. Diễn viên vừa thiếu vừa không thông thạo ngoại ngữ", ông Hồ thừa nhận. Vì thế, không chỉ Tối lửa tắt đèn, cả dự án hợp tác sản xuất Những câu chuyện Sài Gòn của Hãng với đài truyền hình Singapore vẫn chưa có dấu hiệu bắt đầu.
Gần nửa thế kỷ điện ảnh VN, số phim hợp tác với thế giới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không kể các phim mỳ ăn liền, những phim nghệ thuật được tài trợ như Toạ độ chết (hợp tác với điện ảnh Liên Xô cũ), Hương bánh khảo (hợp tác với Trung Quốc), Những mảnh đời rừng (hợp tác với CHDC Đức)... cũng không gây tiếng vang. Bởi lẽ, theo đạo diễn, NSND Hải Ninh, "trình độ đạo diễn, diễn viên mình cỡ nào thì hợp tác với đạo diễn, diễn viên cỡ ấy chứ khó có thể đòi hỏi các nền điện ảnh lớn". Cũng vì thế mà khi được mời làm trợ lý cho các phim Đông Dương, Điện Biên Phủ, Người tình, Cạm bẫy của những đạo diễn tên tuổi..., đạo diễn - NSND Bạch Diệp chỉ có một ước mong khiêm tốn là "học hỏi kinh nghiệm làm phim và diễn xuất của đạo diễn, diễn viên nước ngoài chứ không thể sánh ngang với họ".
Theo NSND Hải Ninh, tiềm lực kinh tế là điều kiện quan trọng để các đoàn phim VN có cơ hội hợp tác nước ngoài. Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh cũng khẳng định: "Hợp tác tức là hai bên cùng bỏ tiền. Bởi thế, việc đầu tiên của các đạo diễn VN là phải biết trong túi có bao nhiêu tiền. Chưa đủ lực kinh tế để hợp tác nên cả đạo diễn lẫn diễn viên VN vẫn chỉ 'đi làm thuê' cho các đạo diễn nước ngoài khi phim của họ lấy bối cảnh và quay tại VN". Trường hợp Người Mỹ trầm lặng là ví dụ. Chẳng ai có ấn tượng rằng đây là phim Mỹ hợp tác với VN dù nó đã tạo được hiện tượng “lần đầu tiên” (lần đầu tiên công ty trong nước mua độc quyền phát hành phim Hollywood, lần đầu tiên một diễn viên VN đóng vai chính, lần đầu tiên một bộ phim nước ngoài được làm phụ đề tiếng Việt và lần đầu tiên có một bộ phim Hollywood về đề tài VN với kinh phí 30 triệu USD, được phát hành ở VN trước cả Hollywood...).
NSND Hải Ninh nhận xét, hợp tác đúng nghĩa giữa hai nền điện ảnh, ngoài sự bình đẳng về tiền bạc còn phải tương xứng về tài năng và kỹ thuật. Vì vậy, chừng nào diễn xuất của các diễn viên VN vẫn bị đánh giá là "lép" so với ngôi sao gạo cội Michael Caine (trong Người Mỹ trầm lặng), chừng nào diễn viên VN vẫn bị chi phối bởi ý tưởng của đạo diễn nước ngoài và còn hổ thẹn vì "kỹ năng làm việc cùng điều kiện kỹ thuật và trang thiết bị của phía đối tác cao hơn mình" (lời diễn viên Trần Lực khi quay Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong) thì khó có thể nói đến sự hợp tác thực sự.
Hiền Hoà