Thất bại nặng nề ở Euro 2000, bị loại ngay từ vòng bảng, khiến Đức buộc phải thay đổi hệ thống đào tạo bóng đá trẻ. Cuối năm 2000, một chương trình hành động được mô tả là chính xác, nghiêm túc, chặt chẽ và bài bản đã được Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) áp dụng trên quy mô cả nước.
Gần tám năm sau, người Đức hưởng trái ngọt đầu tiên: chức vô địch giải U19 châu Âu (2008). Tuy nhiên, đỉnh cao của họ đến vào năm 2009 khi đội U17 và U21 cùng đăng quang tại lục địa già. Rất nhiều gương mặt của đội U21 năm 2009 như Mesut Ozil, Sami Khedira, Mats Hummels, Jerome Boateng, Benedikt Howedes, Manuel Neuer trở thành trụ cột giúp đội tuyển Đức vô địch World Cup 2014.
Đây không phải thế hệ vàng duy nhất bóng đá Đức sản sinh trong khoảng 10 năm trở lại đây. Hàng năm các CLB Đức vẫn đều đặn cho ra lò là các gương mặt trẻ triển vọng. Nhiều người, chẳng hạn như Julian Draxler (PSG), Emre Can (Liverpool) và Antonio Rudiger (Roma), đều nhanh chóng có vị trí chính thức tại các đội hàng đầu châu Âu.
"Chúng tôi có rất nhiều cầu thủ tài năng trong các CLB tại Bundesliga", Joachim Low phấn khởi nói hồi đầu tháng này, khi công bố danh sách đội hình dự Confederations Cup 2017. "Các cầu thủ trẻ của chúng tôi không chỉ hướng đến Bundesliga, mà còn đặt mục tiêu vươn lên đẳng cấp thế giới, sánh ngang với Lionel Messi và Cristiano Ronaldo".
Yêu cầu của Low với các cầu thủ trẻ người Đức không chỉ diễn ra trong mơ, mà nó còn được hiện thực hóa bằng một dự án. Draxler, 23 tuổi, là người có kinh nghiệm nhất của đội tuyển Đức dự Confederations Cup 2017. Sát cánh cùng ngôi sao PSG là những người như Joshua Kimmich (Bayern), Leon Goretzka (Schalke) và Timo Werner (RB Leipzig), tất cả đều mới hơn 20 tuổi.
Việc mang những cầu thủ trẻ tốt nhất đến Nga không gây ảnh hưởng lớn tới sức mạnh của U21 Đức, đội đã lọt vào chung kết giải U21 châu Âu năm 2017 đang diễn ra tại Ba Lan (sau khi đánh bại U21 Anh ở bán kết tối qua 27/6).
Đức đánh bại Anh để vào chung kết U21 châu Âu
Sáu thành viên đáng chú ý nhất của U21 Đức hiện tại gồm Mahmoud Dahoud, Serge Gnabry, Max Meyer, Davie Selke, đội trưởng Maximilian Arnold và Yannick Gerhardt. Trong số này, Dahoud được Borussia Dortmund mua với giá 13,5 triệu đôla từ Monchengladbach gần đây, Gnabry đã ký hợp đồng với Bayern Munich từ Bremen với giá 9 triệu đôla, Meyer có trận ra mắt tại Champions League cùng Schalke cách đây bốn năm khi mới 17 tuổi, Selke giành ngôi á quân Bundesliga trong màu áo Leipzig mùa trước, còn hai nhân vật cuối cùng đều đã khoác áo đội tuyển Đức, đồng thời là trụ cột của Wolfsburg.
Việc sản sinh tài năng một cách không ngừng nghỉ như hiện nay, phần lớn đến từ những cải cách mà DFB thực hiện vào cuối năm 2000. Lãnh đạo bóng đá Đức yêu cầu mọi CLB đang thi đấu ở giải hạng Nhất và hạng Nhì đều phải có học viện bóng đá trẻ, phân chia theo các lứa tuổi từ 6 đến 17.
Khác với Học viện Clarefontaine của Pháp hay St. George's Park của Anh, chương trình phát triển bóng đá trẻ tại Đức không đào tạo kiểu tập trung, hay dựa vào một lò cụ thể nào. Ý tưởng của các nhà lãnh đạo là bất kỳ đứa trẻ nào trên nước Đức đều có thể đi bộ tới một học viện bóng đá ngay gần nhà.
Ở một nước liên bang, có nhiều thể chế chính trị, xã hội khác nhau như Đức, mô hình của DFB được thiết kế để phù hợp với xã hội nói chung, chứ không chỉ đơn thuần là cố gắng tạo ra các tài năng bóng đá. Động lực khám phá những tài năng mới tại địa phương luôn không ngừng diễn ra.
Tại RB Leipzig, họ lên lịch tổ chức những ngày thử việc cho cầu thủ trẻ từ các đội bóng địa phương. Con đường tốt nhất mà mọi đứa trẻ yêu bóng đá hướng đến, đó là tìm một suất trong học viện Leipzig, nơi cầu thủ trẻ có thể tập chung sân với các cầu thủ đội một.
Tất cả học viện tại Đức đều được DFB kiểm tra nghiêm túc và thường xuyên, không chỉ để cấp phép hoạt động, mà còn đánh giá mỗi học viện đang ở cấp độ nào.
Mỗi trung tâm đều có nghĩa vụ đưa những chỉ đạo của DFB vào chương trình tập luyện, chẳng hạn rèn luyện thể chất cầu thủ tới mức ổn định, phát triển các hệ thống phân tích dữ liệu, và xây dựng chiến thuật dựa theo định hướng tương lai.
Dù DFB đã đến thăm mô hình hoạt động của Clarefontaine năm 2008, kế hoạch cho một học viện tập trung tại Frankfurt gặp nhiều vấn đề về pháp lý và tài chính trong những năm gần đây. Nhưng do việc đào tạo ở các CLB diễn ra quá tốt, chương trình sản sinh tài năng trẻ của Đức không vấp phải trục trặc nào.
Một số CLB có nhiều tài năng nổi trội hơn những nơi khác. Ví dụ, bảy trong số các thành viên của U21 Đức tham dự vòng chung kết U21 châu Âu từng được đào tạo ở VfB Stuttgart như Kimmich, Selke và Gnabry. Dù những cầu thủ này mới ngoài 20, họ không phải những viên kim cương thô. Kinh nghiệm thi đấu của các thành viên U21 Đức, đa phần rất phong phú.
Trường hợp của Joshua Kimmich là điển hình. Anh chuyển sang đội bóng lớn nhất nước Đức, Bayern Munich đầu mùa 2015-2016 và lập tức được Pep Guardiola tin dùng ở nhiều vị trí, khi là tiền vệ trung tâm, lúc là trung vệ hoặc hậu vệ biên. Khi Philipp Lahm treo giày, cơ hội dành cho cầu thủ 22 tuổi càng trở nên lớn hơn.
Một thành viên Stuttgart nổi bật khác là Timo Werner. Tại mùa đầu tiên chuyển sang RB Leipzig, tiền đạo này ghi 21 bàn, giúp đội nhà giành ngôi á quân Bundesliga. Cá nhân anh được Joachim Low triệu tập vào đội tuyển Đức dự Confederations Cup.
Một gương mặt trưởng thành trước tuổi nữa là Julian Weigl. Dù mới 21 tuổi, tiền vệ này đã có hai mùa đá chính cho Borussia Dortmund. Chững chạc, điềm tĩnh và cầm nhịp tốt, nếu không dính chấn thương, Weigl chắc chắn đã có tên tới Nga dự Confederations Cup cùng đội tuyển Đức hè này.
Dù vậy, việc phát triển bóng đá trẻ theo diện rộng của Đức cũng gây ra một số vấn đề. Ở một đất nước từng tạo ra những thủ lĩnh đáng sợ như Stefan Effenberg, Oliver Kahn và Lothar Matthaus, nhiều người Đức quan ngại, phương pháp tiếp cận đồng nhất sẽ tạo ra những thế hệ cầu thủ thiếu cứng rắn, kém mạnh mẽ và tâm lý không đủ vững vàng vào những thời khắc quyết định.
Horst Hrubesch, HLV đội U21 Đức năm ngoái nói với tờ Kicker: "Đội hình này đủ tốt để vô địch giải U21 châu Âu. Nhưng họ phải chứng minh điều ấy. Những cầu thủ như Dahoud và Meyer cần phải có trách nhiệm với bản thân, bởi ngay lúc này, chúng tôi có quá ít cá tính lớn".
Thắng Nguyễn