Các nhân chứng tại khu vực phố Cửa Đông, Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết vào 14h chiều 11/2, một quả bóng bay bất ngờ phát nổ trong xe ôtô 4 chỗ khiến một cháu nhỏ bị bỏng vùng mặt và ba người khác cháy sém tóc. Đây không phải lần đầu tiên bóng bay phát nổ gây thương tích ở Việt Nam và trên thế giới.
Tháng 11/2013, hai quả bóng bay chứa đầy khí hydro phát nổ như bom bên trong một chiếc xe ôtô trên đường Begumpur Road ở Buddh Vihar, Delhi, Ấn Độ, theo India TV. Vụ nổ thổi tung nóc xe, làm hỏng cửa xe và vỡ khung cửa sổ, vô-lăng và hộp số trên xe cũng bị hư hỏng nặng. Chủ xe cùng hai người bạn được đưa đến bệnh viện để sơ cứu với vết thương nhẹ.
Khí được bơm vào bóng bay thường là heli, nhưng những người bán bóng cũng có thể bơm các loại khí rẻ tiền hơn như hydro, metan hoặc khí đất đèn. Đây đều là những khí dễ phát nổ khi gặp nguồn nhiệt, đặc biệt là khí hydro. Loại khí này khi nổ sẽ sinh ra áp lực rất mạnh, có thể gây bỏng nặng.
Khí hydro nhẹ và có cấu trúc phân tử bé, có thể nổ mà không cần nguồn lửa. Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng bóng bay, nguồn khí bên trong bóng dễ thẩm thấu ra ngoài và thoát ra nhiều ở cuống bóng hay chỗ buộc dây. Bóng bay không nên mang vào trong không gian kín như nhà hoặc xe ôtô bởi nó có thể phát nổ khi gặp không khí nóng. Nếu người bán thiếu hiểu biết mà trộn tỷ lệ khí không phù hợp, bóng bay có thể nổ tung ở điều kiện va đập bình thường mà không cần tiếp xúc với nguồn nhiệt.
Theo Nitin Chauhan, một chuyên gia về khí gas, do xe ôtô đóng kín từ bên trong, khí hydro bên trong những quả bóng bay có thể đạt độ đặc tối đa. Chỉ cần một tia lửa lóe lên cũng đủ gây ra vụ nổ. Ngoài ra, khi đóng kín cửa xe, thể tích bên trong xe là hữu hạn nên sức ép rất lớn, kéo theo lực sát thương càng mạnh.
Phương Hoa