Kem chống nắng là một trong những mỹ phẩm không thể thiếu vào ngày hè oi bức, khi nhiệt độ tăng cao và chỉ số tia cực tím (UV) lên mức cực đại. Sản phẩm làm giảm nguy cơ cháy nắng, ngăn ngừa ung thư da, giảm tác hại của tia mặt trời, ngăn ngừa sạm nám.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp càng dùng kem chống nắng da càng sạm đen. Một số người gặp tình trạng lão hóa sớm như da nhăn nheo, lỗ chân lông to hơn, mụn, thậm chí nguy cơ ung thư da. Tiến sĩ Howard Murad, cha đẻ của nguyên lý chăm sóc da hiện đại, đã giải thích lý do.
Nguyên nhân đầu tiên là thời gian bôi kem không hợp lý. Thông thường, kem chống nắng mất khoảng 30 phút để thẩm thấu hoàn toàn, tạo thành lớp lá chắn bảo vệ da. Nếu bạn ra ngoài trước thời điểm này, da không được bảo vệ đầy đủ, dẫn đến đen sạm. Việc mặc quần áo ngay sau khi bôi kem chống nắng cũng khiến kem lem ra lớp vải, gây hao hụt lượng kem trên da.
Một số người không sử dụng loại kem có đủ chỉ số SPF chống nắng. SPF là chỉ số thể hiện khả năng bảo vệ làn da khỏi tia UVB. Để tính toán được chỉ số SPF, các nhà sản xuất phải thử nghiệm làn da khi có kem chống nắng và không có kem chống nắng, xem bao lâu thì da bị đỏ lên.
Chỉ số SPF và khả năng bảo vệ của kem chống nắng không tăng tuyến tính với nhau. Ví dụ, SPF 30 không có khả năng bảo vệ gấp đôi SPF 15. Điểm khác nhau là SPF 15 bảo vệ da khỏi 93% UVB còn SPF 30 bảo vệ da khỏi 97% bức xạ.
Về lý thuyết, độ SPF càng cao, thời gian bảo vệ càng lâu. Tuy nhiên, đây chỉ là ước tính cơ bản nhất. Thời gian bảo vệ của kem chống nắng phụ thuộc vào loại da, cường độ ánh sáng mặt trời, lượng kem sử dụng.
Tiến sĩ Murad lưu ý khi ở ngoài trời, tiếp xúc với nhiều ánh nắng, mọi người nên chọn loại kem có chỉ số SPF khoảng 50+. Ông cũng khuyến nghị thoa khoảng 30 ml kem chống nắng cho toàn bộ cơ thể, cần thoa kem lại liên tục khi ở ngoài trời trong thời gian dài.
Việc không bôi lại kem chống nắng sau khi ra mồ hôi cũng khiến bạn cháy nắng. "Dù chạy bộ trong công viên hay đơn giản là đổ mồ hôi trên bãi biển, bạn luôn cần theo dõi lượng kem chống nắng và bôi lại nếu cần", tiến sĩ Murad nói. Ông thêm rằng nếu đi bơi hoặc tham gia các hoạt động đổ nhiều mồ hôi, hãy sử dụng loại kem chống thấm nước và thoa lại sau mỗi 40 hoặc 80 phút.
Nhiều loại kem chống nắng hóa học có thể phản tác dụng và gây bỏng rát khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Một số thành phần chống nắng, gọi chung là avobenzone, có thể gây phản ứng dị ứng ánh sáng. Sự thay đổi trên da xảy ra sau vài ngày, khiến làn da đỏ lên, nóng rát như bị cháy nắng.
Các chuyên gia khuyến khích kiểm tra thành phần kem trước khi sử dụng, ưu tiên các loại kem chống nắng khoáng chất có chứa oxit kẽm hoặc titan dioxide, nhẹ nhàng hơn trên da nhạy cảm.
Dùng kem chống nắng khi đang sử dụng một số loại thuốc kháng sinh cũng làm giảm tác dụng cản tia UV. Thuốc kháng sinh có thể khiến làn da dễ bị viêm và nhiễm độc ánh sáng. Tình trạng này phát triển trong vòng vài giờ sau khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Đây là lý do các chuyên gia khuyến nghị người dùng kháng sinh nên che chắn da cẩn thận, luôn ở trong bóng râm nếu có thể.
Một số sản phẩm trị mụn trứng cá và thuốc tránh thai cũng khiến làn da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời, làm giảm tác dụng kem chống nắng.
Thục Linh (Theo Womens Health Magazine, Cosmopolitan)