Trong một bài viết về mối quan hệ gia đình, nhà văn Hạ Thiên (Trung Quốc) kể những câu chuyện cho thấy, nhiều vị phụ huynh cứ nghĩ rằng mình cho con rất nhiều thứ nhưng thực tế những đứa con cũng "cho lại" cha mẹ không ít mà mọi người không nhận ra.
Hạ Thiên kể, một lần cô có tâm trạng khó chịu, nhìn thấy con trai bày đồ chơi khắp nhà nên rất giận dữ. Bà mẹ yêu cầu con dọn dẹp nhưng cậu bé vẫn tiếp tục chơi. Nữ nhà văn tuyên bố nếu con không dọn dẹp, cô sẽ vứt tất cả đồ chơi đi. Cậu bé vừa khóc vừa ngồi xổm nhặt đồ chơi. Nhặt xong, cậu bước đến nắm lấy tay mẹ và nói: "Mẹ đừng giận, con yêu mẹ".
Giây phút đó, Hạ Thiên bỗng nhiên nhận ra cô vừa trút áp lực và sự khó chịu của công việc lên con. Tình yêu và sự bao dung vô điều kiện của cậu bé đã an ủi cô.
Oksana Chusovitina là nữ vận động viên thể dục dụng cụ 46 tuổi của Uzbekistan, từng bảy lần góp mặt tại các kỳ Thế vận hội từ năm 1992 tới năm 2016.
Oksana giành chức vô địch đồng đội thể dục dụng cụ nữ Olympic năm 17 tuổi, từ giã thể thao năm 21 tuổi, lấy chồng và sinh con. Năm 27 tuổi, con trai 3 tuổi của cô được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu. Dù đã bán hết tài sản nhưng vẫn không đủ kinh phí điều trị. Để cứu đứa trẻ, người mẹ quyết định quay trở lại thể thao với mục đích kiếm tiền. Một huy chương vàng tại Olympic tương đương với 3.000 euro tiền thưởng nên Oksana Chusovitina sau đó đã tham gia Thế vận hội tới 6 lần nữa.
Để kiếm được nhiều tiền hơn, cô tham gia tất cả các nội dung dành cho nữ giới ở Uzbekistan, giành được huy chương vàng cá nhân và đồng đội ở môn nhảy cầu. "Con trai là tất cả cuộc sống của tôi. Con còn bệnh, tôi còn bám trụ với thể thao", Oksana nói.
Ở tuổi 41, người mẹ này tham dự Olympic lần thứ 7. Tuy không giành được huy chương vàng nhưng cô đã nhận được những tràng pháo tay nồng nhiệt của khán giả. Một bình luận viên nhận xét sau màn trình diễn cuối cùng của Oksana Chusovitina tại Olympic rằng: "Cô ấy là một người mẹ tuyệt vời. Oksana không chỉ cho chúng ta thấy một người mẹ có thể chiến đấu đến đâu. Nó cũng cho phép mọi người nhìn thấy sức mạnh kỳ diệu mà một đứa trẻ mang đến cho mẹ mình".
Trong bộ phim về gia đình "Tìm thấy tôi" của Trung Quốc có câu nói: "Cha mẹ nên cảm ơn những đứa con của mình. Chúng đã mang lại cho họ sự trưởng thành. Trẻ cũng giúp bố mẹ được trải nghiệm loại tình yêu vị tha, khiến họ vững tâm, trở nên dũng cảm và mạnh mẽ hơn".
Nhiều khi người lớn nghĩ rằng trẻ nhỏ yếu đuối và cần bố mẹ che chở. Nhưng không phải ai cũng nhận ra, họ cũng trở nên dũng cảm, mạnh mẽ hơn vì con cái mình. Bố mẹ yêu con cái và dành mọi thứ cho chúng, còn trẻ em lại khiến bố mẹ nỗ lực để bản thân trở nên tốt đẹp hơn.
Gần đây có một video gây xúc động mạnh. Một bé gái 5 tuổi vừa bị mẹ mắng, chưa kịp khô nước mắt đã lấy khăn giấy lau đôi giày ướt của mẹ. Người mẹ thấy vậy, hỏi con: "Nếu ngày nào cũng có người tức giận với con, con có yêu người đó không?". Cô bé ngẩng mặt lên trả lời: "Nếu người đó là mẹ, con vẫn yêu mẹ".
Nhiều cha mẹ có thói quen, khi muốn con làm việc gì đó thường dò hỏi: "Con có yêu bố/mẹ không?". Khi đứa con trả lời "Có ạ", ngay lập tức yêu cầu dưới danh nghĩa tình yêu: "Nếu yêu bố/mẹ thì phải...." hay "Nếu con không làm... thì không còn yêu bố/mẹ nữa".
Đây có lẽ là tình huống quen thuộc trong mọi gia đình và nhiều bố mẹ cũng thấy nó bình thường, không có gì sai trái. Tuy nhiên đây là cách dạy dỗ sai lầm, ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển nhân cách của con, bởi nó có thể khiến con nghĩ rằng, tình yêu luôn đi kèm với điều kiện.
Trẻ nhỏ nhiều khi yêu bố mẹ hơn họ tưởng. Tình yêu của người lớn dành cho trẻ đôi khi kèm theo điều kiện, bởi vậy chúng ta sẽ nổi giận với trẻ khi chúng không nghe lời. Nhưng tình yêu trẻ dành cho bố mẹ là vô điều kiện. Dù chúng ta có giận con như thế nào đi chăng nữa thì trong lòng trẻ vẫn luôn tâm niệm "Luôn yêu bố mẹ".
Tôi nhớ có lần tìm thấy một quả chuối bị dập nát trong cặp của con trai, khiến chiếc cặp bốc mùi. Tôi quát thì thằng bé khóc, nghẹn ngào nói: "Con mang về cho mẹ, bởi mẹ thích ăn...". Nghe con nói, thực sự tôi rất hối hận. Tôi bỗng nhận ra: Hóa ra chúng ta không phải là người duy nhất đang trao gửi tình yêu mà những đứa trẻ nhỏ bé cũng đang dùng hết sức mình để yêu thương lại chúng ta.
Nhiều cha mẹ cho rằng điều quan trọng nhất trong việc chăm sóc con cái là phải chỉn chu và nghiêm túc. Thực chất, sở dĩ trẻ có thể dung hòa với bố mẹ không phải vì phương pháp giáo dục hiệu quả mà bởi trẻ yêu chúng ta.
Bố mẹ luôn tranh luận khi con cái mắc lỗi, phàn nàn khi chúng tụt hậu. Ai cũng mong mỏi con mình trở nên ngoan hơn, hiểu chuyện hơn nhưng trẻ lại chưa bao giờ đòi hỏi bố mẹ điều gì. Trẻ dễ dàng tha thứ và cố gắng hết sức để làm hài lòng người lớn. Tình yêu trẻ dành cho bố mẹ thuần khiết và ấm áp hơn. Bởi vậy, đừng bao giờ đánh giá thấp tình yêu thương mà một đứa trẻ dành cho bố mẹ mình.
Trên mạng xã hội Zhihu của Trung Quốc, có một người mẹ đã tính toán, khi đứa trẻ 0-3 tuổi, bạn là tất cả những gì chúng có. Ở 4-12 tuổi, bạn là buổi tối của trẻ. Khi 13-18 tuổi, bạn là cuối tuần của trẻ. Đến lúc chúng 19-23 tuổi, cha mẹ là kỳ nghỉ hè của con nhưng khi chúng 23 tuổi trở lên, cha mẹ chỉ còn là ngày Tết. Điều này cho thấy, thời gian cha mẹ dành cho con ngày càng ngắn.
Đứa trẻ từng phụ thuộc vào bạn, sẽ rất nhanh biết nói, biết đi rồi học được mọi điều trên thế giới. Đứa trẻ từng nghe lời bạn, rồi cũng có lúc biết phản kháng và muốn tạo ra ranh giới với bố mẹ. Đứa trẻ từng được bạn chăm sóc, cũng nhanh học được cách tự chăm sóc bản thân mình cũng như tự lo cho cuộc đời chúng.
Vì vậy, hãy trân trọng từng ngày từng giờ bên con, yêu thương trẻ nhất có thể.
Vy Trang (Theo sohu)