Kể từ 23/3, người dân Anh chỉ được rời nhà để mua nhu yếu phẩm, tập thể dục một lần mỗi ngày, khám sức khỏe hoặc đi làm nếu đảm nhiệm những công việc đặc biệt quan trọng. Mọi cửa hàng, trừ bán thực phẩm và dược phẩm, trạm xăng, bưu điện và sạp báo sẽ bị đóng. Khách sạn, tiệm làm nail hay thư viện đều phải dừng hoạt động. Cảnh sát có quyền phạt tiền người cố tình vi phạm lệnh cấm và giải tán những nơi tụ họp đông người.
Thay đổi mạnh mẽ này diễn ra sau nhiều tuần Thủ tướng Boris Johnson bị chỉ trích là đã coi nhẹ Covid-19, trong khi các nước khác ở châu Âu đã có những động thái nhanh và mạnh mẽ hơn để kiềm chế nó.
Một trong những yếu tố khiến Anh chậm hành động là tư vấn của các chuyên gia nước này. 10 ngày trước, trong khi nhiều chính phủ châu Âu cấm các sự kiện thể thao hoặc đóng cửa trường học, Anh không đưa ra các biện pháp tương tự mà chỉ kêu gọi người dân chú ý rửa tay và ở nhà trong một tuần nếu bị ho và sốt.
Các chuyên gia Anh ủng hộ phương hướng "thả dịch lên đỉnh" để đạt được "miễn dịch cộng đồng". Patrick Vallance, cố vấn khoa học của chính phủ, cho rằng không thể ngăn chặn hoàn toàn dịch lây lan và làm vậy cũng không phải là cách hay vì "bạn muốn một phần dân số có miễn dịch". Đạt được "miễn dịch cộng đồng là rất quan trọng vì chưa có vaccine", ông nói thêm.
Lý do cho chiến lược bất thường này là một nhóm nhà khoa học hành vi lập luận rằng nếu chính phủ ban hành các biện pháp quyết liệt và bắt buộc mọi người ở nhà thì người dân sẽ "cuồng chân", cố tình không tuân lệnh và ra ngoài khi dịch lên đến đỉnh điểm. Điều đó sẽ dẫn đến gia tăng đột biến số ca nhiễm, khiến dịch vụ y tế bị đẩy đến giới hạn.
Các nhà khoa học hành vi ở các nước châu Âu khác đặt câu hỏi về cách lập luận này. "Tôi rất muốn biết họ lấy bằng chứng ở đâu ra", Pete Lunn, người đứng đầu mảng nghiên cứu hành vi tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Ireland, nói. "Người dân chưa bao giờ ở trong tình huống như thế này".
Anh bắt đầu thay đổi cách tiếp cận sau khi Đại học Hoàng gia London ngày 16/3 công bố báo cáo, cảnh báo rằng nếu không bị kiềm chế, Covid-19 có thể khiến 510.000 người chết ở Anh. Báo cáo bác bỏ chiến lược "miễn dịch cộng đồng", nói rằng nó sẽ khiến bệnh viện quá tải trong khi nhiều người lâm vào tình trạng nguy kịch và khuyến cáo Anh thực hiện các biện pháp để khiến virus chậm lây lan.
Tuy nhiên, ngay cả sau khi đã "thức tỉnh" trước Covid-19, Anh cũng không thực hiện các biện pháp quyết liệt ngay mà dần dần thắt chặt các hạn chế. Chính phủ ban đầu kêu gọi mọi người không đến nơi công cộng như quán rượu, nhà hàng, nhà hát hoặc bảo tàng nhưng không yêu cầu đóng cửa các cơ sở này.
Vài ngày sau, họ đóng cửa trường học, khuyến cáo người trên 70 tuổi, người có bệnh lý nền và phụ nữ có thai ở nhà trong 12 tuần. Dịch vụ Y tế Công (NHS) liên hệ 1,5 triệu người có nguy cơ cao như bệnh nhân ung thư, bệnh hô hấp nặng và người đã cấy tạng để yêu cầu họ ở trong nhà 12 tuần. Cuối tuần trước, Anh đóng cửa tất cả quán bar, quán rượu và cơ sở giải trí.
Nhưng đến ngày 23/3, Johnson mới ra quyết định phong tỏa toàn quốc. Luke McGee, nhà bình luận của CNN, cho rằng lý do Johnson mất nhiều thời gian như vậy có thể vì ông thấy không thoải mái với việc loại bỏ quyền tự do cá nhân của bất kỳ ai.
Trong suốt sự nghiệp của mình, Johnson chê bai ý tưởng về "nhà nước bảo mẫu" và coi thường bản năng chính trị của những người sử dụng quyền lực của nhà nước để yêu cầu công chúng phải làm gì. Trong một bài xã luận năm 2004, Johnson viết về đề xuất cấm hút thuốc: "Chúng ta nên suy nghĩ hợp tình hợp lý, lắng nghe ý kiến của người khác trước khi tự cho rằng chúng ta hành động vì lợi ích của họ".
Ông mỉa mai những người ủng hộ lệnh cấm: "Rồi các bạn sẽ muốn cấm uống rượu để tránh say xỉn, hay cấm ôtô để tránh lái xe quá tốc độ". Johnson còn đề cập đến cuộc chiến ở Iraq và chỉ trích chính phủ thời đó "quyết định với sự thiếu hiểu biết rằng cách tốt nhất để giúp Iraq là giết nhiều người dân của họ".
Johnson đã dành nhiều thập kỷ để mài giũa hình ảnh thành viên đảng Bảo thủ với quan điểm tự do, tin rằng mọi người nên được tự do sống như họ mong muốn. Đó là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp của ông: từ biên tập tạp chí cho đến thúc đẩy Brexit.
Việc Johnson trong nhiều năm xác định tự do cá nhân là yếu tố thúc đẩy quan điểm chính trị có thể giải thích vì sao kể cả lệnh hạn chế mới nhất của Anh cũng ít nghiêm ngặt hơn so với các nước khác như Italy hay Tây Ban Nha. Johnson nói rằng cảnh sát có thể giải tán các cuộc tụ tập và phạt tiền nhưng không đề cập đến việc bắt bớ. Các cố vấn của Johnson nhấn mạnh rằng lệnh phong tỏa sẽ được xem xét lại sau ba tuần.
Câu hỏi được đặt ra là liệu Anh có hành động quá muộn. Anh ghi nhận hơn 8.000 ca nhiễm và hơn 400 người tử vong, là vùng dịch lớn thứ sáu ở châu Âu. David Spiegelhalter, từ Đại học Cambridge, cho biết dữ liệu trong 14 ngày qua cho thấy số ca tử vong ở Anh tăng 30% một ngày, trong khi ở Italy, vùng dịch lớn nhất châu Âu và thứ hai thế giới, là 37%.
Spiegelhalter cho rằng đỉnh dịch của Anh có thể không quá nghiêm trọng nếu biện pháp đối phó của họ có hiệu quả, nhưng câu trả lời cho điều đó vẫn chưa rõ ràng.
Dù Anh giờ đây đã có hành động đúng đắn để dập dịch, "chúng ta đã mất đi thời gian quý báu", Richard Horton, tổng biên tập tạp chí y khoa Lancet, nói. "Sẽ có những cái chết không thể tránh được. Hệ thống đã hoạt động kém hiệu quả".
Phương Vũ (Theo CNN/WSJ/Guardian)