Thủ tướng Boris Johnson gần đây khẳng định Anh đang ứng phó với Covid-19 theo khuyến nghị của các chuyên gia, khi nước này ghi nhận hơn 2.600 ca nhiễm nCoV, hơn 100 người tử vong và hơn 60 người bình phục. Vấn đề là những chuyên gia cố vấn cho Johnson thường bất đồng ý kiến hoặc thay đổi quan điểm.
Điều đó được thể hiện rõ ràng vào tuần này, khi Đại học Hoàng gia London công bố một báo cáo gây sửng sốt, cảnh báo rằng nếu không bị kiềm chế, Covid-19 có thể khiến 510.000 người chết ở Anh và 2,2 triệu người chết ở Mỹ. Báo cáo khiến chính phủ Anh đột ngột thay đổi cách đối phó. Các quan chức Mỹ cho biết nó cũng khiến Nhà Trắng tăng cường biện pháp "cách biệt cộng đồng".
Đại học Hoàng gia London đã tư vấn cho chính phủ về cách phản ứng những dịch bệnh trước đây, bao gồm SARS, cúm gia cầm và cúm lợn. Họ là một nhóm gồm 50 nhà khoa học có quan hệ với WHO, do nhà dịch tễ học nổi tiếng Neil Ferguson đứng đầu. Đại học Hoàng gia được coi là "tiêu chuẩn vàng", các mô hình họ đưa ra được chính phủ cân nhắc khi quyết định các chính sách.
Báo cáo đưa ra kết luận đáng báo rộng rằng virus sẽ khiến hệ thống bệnh viện quá tải và chính quyền các nước không có lựa chọn nào ngoài việc áp dụng chính sách phong tỏa khắc nghiệt. Nhưng một số chuyên gia khác chỉ ra rằng đã có nhiều báo cáo hoặc các trang mạng xã hội đưa ra lời cảnh tỉnh trước Đại học Hoàng gia, nhưng không được London quan tâm.
"Vấn đề không phải là họ nói gì mà là ai nói", Devi Sridhar, giám đốc chương trình quản trị y tế toàn cầu tại Đại học Edinburgh nói. "Neil Ferguson có tầm ảnh hưởng rất lớn".
Đại học Hoàng gia từng thuộc nhóm cố vấn đưa ra chiến lược không áp đặt các biện pháp cách biệt cộng đồng mà chấp nhận để nCoV lây lan, với lập luận rằng nếu thả Covid-19 đạt đỉnh, họ sẽ đạt được "miễn dịch cộng đồng", khiến công chúng có sức đề kháng cao hơn nếu đối mặt đợt bùng phát thứ hai vào mùa đông tới.
Giờ đây, Đại học Hoàng gia không còn ủng hộ chiến lược đó, nói rằng nó sẽ khiến bệnh viện quá tải trong khi nhiều người lâm vào tình trạng nguy kịch. Họ nói rằng Anh cần thực hiện các biện pháp kiềm chế như đóng cửa trường học, cách ly người nhiễm và gia đình họ. Các biện pháp sẽ giúp giảm số ca nhiễm mới và khiến virus chậm lây lan, giúp các bệnh viện không phải tiếp nhận lượng lớn bệnh nhân cùng một lúc.
Ferguson trình bày thẳng thắn rằng nhóm của ông bác bỏ chiến lược cũ và đưa ra kết luận mới sau khi xem xét dữ liệu mới nhất từ Italy, nơi tình trạng lây lan quá nhanh khiến bệnh viện quá tải, các bác sĩ không thể điều trị được cho tất cả bệnh nhân.
"Theo ước tính của chúng tôi và các nhóm khác, thực sự không có lựa chọn nào khác ngoài việc học theo Trung Quốc và đưa ra các biện pháp khống chế dịch", Ferguson nói trong cuộc phỏng vấn ngày 16/3, ngay sau khi báo cáo được công bố.
Nhóm của Ferguson viết rằng họ "mới đi đến kết luận trong vài ngày qua", sau khi hoàn tất ước tính về số bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt, dựa trên tình hình ở Italy và Anh.
Nhưng các chuyên gia khác nói rằng việc bệnh viện chịu áp lực quá lớn là vấn đề đã rõ ràng từ khi dịch bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc tháng 12/2019. Tạp chí y khoa Anh Lancet đã đăng một bài viết vào tháng một, dựa trên nghiên cứu một nhóm nhỏ bệnh nhân, chỉ ra rằng 1/3 số người nhiễm nCoV phải được đưa vào khu chăm sóc đặc biệt.
"Tôi không thể không tức giận khi phải mất gần hai tháng các chính trị gia và thậm chí là 'chuyên gia' mới hiểu được mức độ nguy hiểm của nCoV", Richard Horton, tổng biên tập của Lancet viết trên Twitter. "Những mối nguy hiểm đó đã rõ ràng ngay từ đầu".
Một số người cho rằng chính phủ các nước cũng nên nhìn nhận các dự báo về chính sách dập dịch với mức độ thận trọng tương đương. Nhóm của Ferguson nói rằng các biện pháp cách biệt cộng đồng có thể phải được áp dụng 18 tháng trở lên, cho đến khi vaccine được phát triển và thử nghiệm. Nhưng họ thừa nhận không chắc chắn về đánh giá này.
Và chính Ferguson cũng có khả năng đã nhiễm nCoV. Ngày 18/3, ông thông báo bị sốt cao và ho khan. Mặc dù chưa làm xét nghiệm, Ferguson cho rằng ông có nguy cơ bị lây sau khi tham dự một cuộc họp báo ở số 10 phố Downing và đang tự cách ly.
Chính phủ Anh khẳng định họ đã bỏ chiến lược cũ và chuyển sang chính sách kêu gọi mọi người không đến nơi công cộng như quán rượu, nhà hàng, nhà hát hoặc bảo tàng.
Ngày 17/3, cố vấn khoa học của chính phủ Patrick Vallance cho biết những hạn chế mới này có thể kéo dài vài tháng. Tất cả cuộc phẫu thuật không khẩn cấp sẽ bị hoãn lại ít nhất ba tháng, bắt đầu từ ngày 15/4, để giải phóng 30.000 giường bệnh nhằm đối phó Covid-19. Anh tụt hậu so với các quốc gia châu Âu khác trong nguồn cung máy thở. Họ đang triển khai kế hoạch để tăng số máy thở từ 8.000 lên 12.000 nhưng chưa chắc đã đủ đáp ứng nhu cầu.
Thủ tướng Johnson đã hứng chỉ trích vì chính sách thiếu rõ ràng. Ông thúc giục mọi người tránh đến các quán rượu và nhà hàng nhưng không ra lệnh đóng cửa chúng. Thực tế, chính phủ có ý định nới lỏng luật để cho phép các quán rượu tiếp tục mở cửa và cung cấp dịch vụ giao đồ tận nhà.
Ngay sau khi Thủ tướng Johnson phát lời kêu gọi, cha ông, cựu chính trị gia Stanley Johnson, tuyên bố sẽ tiếp tục đến quán rượu.
Phương Vũ (Theo NYTimes)