Để chuẩn bị cho Hội chợ nông nghiệp quốc tế Agromat 1998, Công ty Tiếp thị - đầu tư nông nghiệp và phát triển nông thôn đề xuất lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho mua lại khách sạn Planet 120 Quán Thánh, Hà Nội, mục đích làm văn phòng đại diện và giao dịch cho các đơn vị tham gia hội chợ. Ngay ngày được Bộ trưởng phê duyệt dự án khả thi (5/12/1997), bà Lã Thị Kim Oanh đã có công văn số 191 thông báo với Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải rằng: Dự án này sẽ thực hiện bằng nguồn vốn tín dụng đầu tư được bố trí trong năm 1996-1997. Nhưng do hợp đồng chuyển nhượng đang được thẩm định (để Bộ phê duyệt cho thực hiện) nên khoản tín dụng chưa thể triển khai kịp. Vì vậy, công ty đề nghị ngân hàng cho vay trước 9,7 tỷ đồng để đặt cọc cho chủ Planet. Phía dưới công văn là ý kiến của thứ trưởng Nguyễn Quang Hà: “Xác nhận nhu cầu nêu trên của Công ty Tiếp thị - đầu tư NN&PTNT. Đề nghị Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải và các cơ quan liên quan giúp đỡ”.
Thứ trưởng Nguyễn Thiện Luân hồi đó cũng đã 4 lần ký các công văn gửi Cục Đầu tư phát triển Hà Nội đề nghị cấp vốn cho dự án. Lần thứ nhất, trong công văn 4689 của Bộ NN&PTNT, ông Luân thông báo việc Công ty Tiếp thị - đầu tư NN&PTNT được giao thực hiện dự án mua, cải tạo Planet, và đề nghị Cục phân bổ khoản tín dụng ưu đãi 34,3 tỷ đồng (số tiền được vay trong dự án) theo 3 phần: 9,7 tỷ đồng chuyển trả vào tài khoản của công ty tại Ngân hàng Hàng hải; 13 tỷ đồng chuyển vào tài khoản của chủ Planet là Công ty TNHH Thiên Hải tại Ngân hàng Á Châu; 11,6 tỷ đồng cũng chuyển cho Thiên Hải nhưng vào tài khoản tại Ngân hàng ngoại thương Việt Nam.
Hai lần giúp sau cùng vào năm 1998, ông Luân xác nhận vào 2 công văn của Công ty Tiếp thị - đầu tư NN&PTNT gửi Cục Đầu tư phát triển Hà Nội xin rút 5,77 tỷ đồng. Lần thứ tư, ông Luân ký công văn 1875 ngày 25/4/1999 của Bộ NN&PTNT, đề nghị Cục cho công ty của bà Oanh được gia hạn nợ gốc và treo lãi số tiền vay hơn 2,2 tỷ đồng. Công văn này nêu: Trong thời gian cải tạo, Planet không hoạt động được nên Công ty “không có khả năng tiếp tục việc hoàn trả gốc và lãi vay cho Cục đúng hạn. Bộ thấy lý do này là có cơ sở hợp lý và có thể chấp nhận được”.
Giải trình với Cơ quan điều tra hồi tháng 10 vừa qua, ông Luân thừa nhận hai phần tiền do Cục Đầu tư phát triển cấp (tổng cộng 24,6 tỷ đồng) đã “không đi theo đúng đề nghị trong công văn”. Đối chiếu với biên bản công nợ, cơ quan chức năng phát hiện trong số tiền mà Cục Đầu tư phát triển Hà Nội cấp, Thiên Hải và bà Oanh đã cùng nhau lập chứng từ khống, báo cáo sai sự thật với Bộ NN&PTNT, chuyển 17 tỷ đồng vào tài khoản Công ty Tiếp thị- đầu tư NN&PTNT, từ đó rút ra tham ô, chi dùng sai nguyên tắc. Tuy nhiên, ông Luân khẳng định, đến nay mới biết nội dung các văn bản ông ký chưa chính xác, bởi “lúc đó tôi quá tin vào doanh nghiệp và người trình”. Cụ thể, ngày 19/12/1997, ông được Công ty của bà Oanh báo cáo số tiền xin vay đã thanh toán đủ cho Thiên Hải. Vụ Kế hoạch của Bộ cũng trình ông văn bản cho phép khách sạn Planet ngừng hoạt động để sửa chữa, kèm theo công văn gửi Cục Đầu tư xin gia hạn nợ cho công ty này. Ông Luân nói rằng, lúc đó ký văn bản mà “không biết thực chất khách sạn chưa được bàn giao”, và cũng không hề nghi ngờ rằng đây là “động tác giả để rút tiền nhà nước” của Lã Thị Kim Oanh.
Theo vị thứ trưởng đã nghỉ hưu này, lãnh đạo Bộ NN&PTNT thời gian đó đã có thiếu sót không kiểm tra thực tế, cộng thêm sơ suất của các vụ, cục chức năng trong quá trình thẩm định, kiểm tra nên đã để lại hậu quả như bây giờ. Chính Bộ sau này đã nhận định: Công ty Tiếp thị - đầu tư NN&PTNT kể từ khi thành lập (1995) đã có “bộ máy không hoàn thiện, năng lực và trình độ quản lý, am hiểu pháp luật non kém, nghiệm vụ vượt quá khả năng nên dẫn tới thực hiện nhiệm vụ nào cũng vi phạm chế độ quản lý”. Kết quả, chỉ trong 3 năm 1995-1998, doanh nghiệp đã tiêu của Nhà nước ít nhất 47 tỷ đồng, bằng 6,5 lần số vốn đơn vị được cấp.
(Theo Tuổi Trẻ)