Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. |
Lý do là tác giả Diệu Hương đã định cư tại Mỹ. Chiểu theo quy định hiện hành, những bài hát của nhạc sĩ này muốn lưu hành trong nước cần có kết quả thẩm định của cơ quan an ninh văn hoá về thái độ chính trị của tác giả. Còn 2 bài của Trịnh Công Sơn được xếp vào dòng Ca khúc da vàng, ra đời trước 1975 ở miền Nam cho đến giờ vẫn chưa được cho phép sử dụng lại.
Tuy nhiên, trên thực tế, album đầu tiên của Quang Dũng phát hành cuối năm 2001 đã có 4 bài của Diệu Hương. Phải chăng lúc đó Sở VH-TT TP HCM và Cục NTBD chưa kịp biết Diệu Hương là ai, chưa biết chúng được sáng tác trong hay ngoài nước, trước hay sau khi tác giả xuất cảnh. Chỉ khi công ty Bạn yêu nhạc (MFC) gửi công văn xin phép sử dụng 4 bài mới của Diệu Hương cho album 2 của Quang Dũng và một giấy phép phát hành cho video Những ngôi sao mới trong đó cũng có 1 bài của Diệu Hương (Khắc khoải - Quang Dũng hát) thì Phòng băng đĩa nhạc mới ngỡ ngàng.
Theo ông Lê Nam (Cục NTBD), khi phát hiện việc này, ông có hỏi lại Sở VH-TT TP HCM tại sao lần trước chưa thẩm định gì về tác giả đã vội cấp giấy phép thì người có trách nhiệm trả lời: Thôi lỡ rồi, mong thông cảm!. Hiện MFC đã bóc bài Khắc khoải, Quang Dũng sẽ chọn bài khác thay vào. Bà Nguyễn Thanh Thuỷ giám đốc MFC kể, không hiểu từ đâu rộ lên tin đồn buồn cười là Quang Dũng và MFC làm nhạc chống Cộng. Quang Dũng bị săn lùng ráo riết về vụ này.
Tuy nhiên, tác giả Diệu Hương còn xa lạ với người nghe nhạc trong nước và lại đang ở nước ngoài. Đáng nói là 2 bài của Trịnh Công Sơn: Ca dao mẹ và Vết lăn trầm.
Ca dao mẹ đúng là thuộc loạt Ca khúc da vàng sáng tác những năm 60-70, xếp cùng dòng nhạc phản chiến ở miền Nam với tác phẩm của Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập, Trương Quốc Khánh... Sau này nhiều bài trong số ấy vẫn được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là Nối vòng tay lớn. Ca dao mẹ đã được ca sĩ Hồng Hạnh thu âm phát hành 6-7 năm trước. Huế - Sài Gòn - Hà Nội, cũng thuộc dòng này, là chủ đề album của Cẩm Vân, ra cuối năm 2000... Riêng bài Vết lăn trầm không nằm trong dòng ca khúc trên, từng được Nguyễn Chánh Tín chọn làm chủ đề album của anh ra từ 1995, sau đó Trịnh Vĩnh Trinh hát trong album Văn Cao - Trịnh Công Sơn (CD và video) do Phương Nam phim sản xuất. Thế sao lần này lại không được hát?
Phòng băng đĩa nhạc, Cục NTBD, đã dựa vào 5 thông báo của Bộ VH-TT (từ thông báo số 1 ngày 15/10/1989 đến số 5 ngày 28/5/1995) về việc cho phép sử dụng các ca khúc trữ tình lãng mạn trước cách mạng và những sáng tác trước 1975 ở miền Nam, để ngưng cấp phép cho 2 bài hát kể trên. Trong danh sách này có tổng cộng 265 bài hát được phép (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có vẻn vẹn 27 bài). Nhiều nghệ sĩ và nhà sản xuất cho rằng những thông báo này đã lạc hậu, không thực tế. 7 năm qua, khi âm nhạc trong nước phát triển mạnh mẽ nhất thì vẫn không có thêm thông báo nào cả. Và người nghe hẳn cũng nhận thấy trong nhiều năm qua, có tới cả trăm bài của Trịnh Công Sơn viết trước 1975 được sử dụng lại trên sân khấu, băng đĩa cũng như in sách. Có nhiều bài tưởng viết sau này nhưng thực ra là trước 75 như Đoá hoa vô thường, Em hãy ngủ đi... Mới đây, Trung tâm băng nhạc Hoa Sữa thuộc Công ty nghe nhìn Hà Nội cũng gửi công văn xin sử dụng 10 bài trong Ca khúc da vàng, Bộ VH-TT đã yêu cầu Cục NTBD lập hội đồng thẩm định nhưng đến giờ vẫn chưa lập được.
Từ câu chuyện này khơi ra một vấn đề: Đối xử sao đây với những bài hát ra đời trước 1975 ở miền Nam và sau này ở hải ngoại. Có những nhạc sĩ mà âm nhạc của họ tuyệt đối không được phép sử dụng như Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ... nhưng lại có những bài Phạm Duy đặt lời Việt vẫn được hát rộng rãi như Dòng sông xanh (Danube xanh của J. Strauss), Serenade (Schubert), Trở về Suriento... những bài ấy liệu có bị cấm không? Hay Ngô Thuỵ Miên chỉ có 2 bài được chính thức cho phép là Áo lụa Hà Đông, Riêng một góc trời nhưng những bài khác như Niệm khúc cuối, Giọt nước mắt ngà vẫn được hát và thu âm nhiều nơi. Còn Vũ Thành An nổi tiếng với những Bài không tên cho đến giờ cũng chưa được phép hát lại, nhưng hơn 10 năm trước Sài Gòn Audio đã sản xuất chương trình cassette Diễm Xưa dùng tới 4 Bài không tên (số 1, số 2, số 7, cuối cùng). Như vậy trách nhiệm thuộc về ai, nhà quản lý, nhà sản xuất hay nghệ sĩ?
(Theo Tiền Phong)