Năm 1940, giữa sự hỗn loạn của Thế chiến II ở Tây Âu, nhà khảo cổ Pháp Pierre Montet khai quật được một kho báu ấn tượng tại Tanis, Ai Cập. Phát hiện này quan trọng tương đương với việc nhà khảo cổ Howard Carter tìm thấy lăng mộ nguyên vẹn của pharaoh Tutankhamun nổi tiếng khoảng hai thập kỷ trước đó. Tuy nhiên, bất chấp tầm quan trọng lớn như vậy, tin tức về phát hiện mới không thể gây chấn động trong xã hội châu Âu vì mọi người đang quan tâm đến Thế chiến II.
Lăng mộ mà Montet phát hiện thuộc về Psusennes I, vị pharaoh thuộc Vương triều 21 của Ai Cập cổ đại mà khá ít người biết đến. Psusennes I là vị vua thứ 3 của Vương triều 21, lên nắm quyền vào đầu Thời kỳ Chuyển tiếp thứ 3 của Ai Cập, một giai đoạn hỗn loạn về chính trị.
Trong thời kỳ này, vương quyền bị chia cắt, đất nước phân chia thành Thượng và Hạ Ai Cập. Các pharaoh của Vương triều 21 cai trị từ thành phố Tanis và sức ảnh hưởng chủ yếu giới hạn ở vùng đồng bằng Hạ Ai Cập. Trong khi đó, thành phố Thebes là thành trì của Đại tư tế Amun, người cai quản Thượng Ai Cập.
Các chuyên gia từng cho rằng các pharaoh của Vương triều 21 không nắm nhiều quyền lực. Tuy nhiên, việc phát hiện lăng mộ Psusennes I làm thay đổi quan niệm này. Phát hiện đáng chú ý nhất trong lăng mộ là quan tài bằng bạc nguyên khối, mang đến cho Psusennes I danh hiệu Pharaoh Bạc.
Trong văn hóa Ai Cập cổ đại, vàng được coi là thịt của các vị thần, còn bạc là xương. Vàng dồi dào hơn ở Ai Cập cổ đại, nhưng bạc thậm chí còn giá trị hơn vì phải nhập khẩu từ Tây Á và Địa Trung Hải.
Do đó, quan tài bạc nguyên khối trong lăng mộ Psusennes I là bằng chứng cho sự giàu có và quyền lực to lớn của ông. Ngoài ra, sự tinh xảo của các đồ vật bằng kim loại trong lăng mộ, bao gồm cả quan tài bạc, cho thấy Psusennes I cũng kiểm soát nguồn nhân lực cần thiết để chế tạo những món đồ xa xỉ như vậy.
Quan tài bạc có hình dạng giống người, đặt trong một quan tài bằng đá hoa cương hồng, sau đó lại đặt trong chiếc quách bằng đá hoa cương (quách là một dạng quan tài). Điều thú vị là chiếc quách bằng đá hoa cương từng thuộc về pharaoh Merenptah của Vương triều 19, người kế vị Ramesses II.
Xác ướp Psusennes I không thể tồn tại qua thời gian. Thay vì cơ thể nguyên vẹn, Montet chỉ tìm thấy những mẩu xương, bụi đen và nhiều đồ dùng trong tang lễ, ví dụ như tấm ván khắc họa xác ướp bằng vàng và một chiếc mặt nạ vàng nguyên khối có thể từng che mặt pharaoh.
Việc xác ướp Psusennes I bị hư hại không có gì bất thường do môi trường chôn cất của pharaoh này. Khác với môi trường khô cằn giống sa mạc của "Thung lũng các vị vua" tại Luxor, phần lớn Hạ Ai Cập là đất ẩm ướt và đầm lầy. Thành phố Tanis cũng không ngoại lệ.
Nước thấm qua lòng đất khiến xác ướp Psusennes I bị hư hại, hầu hết vật dụng gỗ cũng xuống cấp theo thời gian. Tuy nhiên, Montet cũng thu được một số vật khó hỏng như bình canopic, tượng nhỏ shabtis và những đồ vật quý giá trong quan tài. Những kho báu này thậm chí được cho là có thể sánh với kho báu của Tuthankhamun.
Psusennes I giàu có và nắm quyền lực lớn nhờ cai trị trong thời gian dài, 41 hoặc 46 năm (khoảng năm 1047 - 1001 trước Công nguyên). Một số nhà Ai Cập học thậm chí cho rằng Psusennes I trị vì tới 51 năm. Nắm quyền trong thời kỳ bất ổn chính trị như vậy, thời gian trị vì của ông thực sự ấn tượng.
Thu Thảo (Theo Ancient Origins)