8 hành vi vi phạm được quy định cụ thể gồm: Lợi dụng danh nghĩa xuất khẩu lao động để lừa đảo; tổ chức đưa người trốn ra nước ngoài; tuyển chọn lao động, đào tạo, thu tiền và đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trái quy định của pháp luật; người Việt Nam trong thời gian làm việc ở nước ngoài tự ý bỏ hợp đồng; lao động Việt Nam ở nước ngoài có hành vi lôi kéo, dụ dỗ người khác bỏ trốn; giả mạo giấy tờ hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn chứng nhận sai giấy tờ để đi làm việc ở nước ngoài; lao động Việt Nam vi phạm pháp luật của nước sở tại làm ảnh hưởng đến quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước; hoạt động của một số cá nhân, tổ chức Việt Nam ở nước ngoài chống đối chính sách xuất khẩu lao động của Nhà nước Việt Nam.
Thông tư quy định trách nhiệm của Bộ Công an trong việc tổ chức điều tra, xử lý vi phạm pháp luật về xuất khẩu lao động. Đồng thời cũng quy định Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có trách nhiệm cung cấp cho Bộ Công an danh sách doanh nghiệp được cấp giấy phép đưa người đi làm việc ở nước ngoài; doanh nghiệp bị tạm đình chỉ, rút giấy phép; đơn thư tố giác hành vi lừa đảo và các dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến xuất khẩu lao động.
Theo Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Thanh Hòa, quy định này sẽ giúp các cơ quan chức năng tổ chức phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong xuất khẩu lao động hiệu quả hơn. "Thông tư 01 cùng nghị định quy định chế tài xử lý lao động bỏ trốn sắp ban hành sẽ tạo ra khung pháp lý đủ mạnh để giải quyết vấn đề lao động bỏ trốn", ông Hoà hy vọng.
Như Trang