Tháo điện kế điện tử để kiểm tra và lắp lại điện kế cơ. |
Từ năm 2001 đến nay, Công ty Điện lực TP HCM đã mua của Công ty Linkton, Singapore, 26.700 điện kế 3 pha trực tiếp, 9.100 điện kế 3 pha gián tiếp. Từ tháng 7/2004 đến nay, Công ty Điện lực TP HCM đã mua 312.000 điện kế điện tử một pha với tổng số tiền khoảng 160 tỷ đồng. Tuy nhiên, gần 350.000 chiếc điện kế điện tử này Công ty Điện lực thành phố vẫn chưa hoàn tất thủ tục đăng ký phê duyệt mẫu ở Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Riêng về 321.000 chiếc điện kế điện tử một pha, Công ty Điện lực TP HCM đã mua của công ty Linkton, thông qua 14 hợp đồng và đấu thầu. Tuy nhiên, qua kiểm tra đã phát hiện chỉ có 1 hợp đồng đầu tiên (hợp đồng số 03) với số lượng 10.000 chiếc là có đấu thầu và có kết quả đấu thầu được phê duyệt. 13 hợp đồng còn lại không hề thực hiện đấu thầu mà dùng hình thức mua sắm trực tiếp từ hợp đồng số 03 đã ký trước đó.
Kiểm tra về thời gian cung cấp đều cho thấy: Hợp đồng trước chưa thực hiện thì đã ký kết hợp đồng tiếp theo và số lượng mua cũng ngày càng nhiều hơn. Số lượng điện kế điện tử mua bổ sung trực tiếp của các hợp đồng sau này lại tăng lên từ 15.000 đến 25.000 chiếc, vượt hơn nhiều con số 10.000 chiếc của hợp đồng ban đầu. Tuy nhiên, 10/14 hợp đồng lại trễ hạn do bên cung cấp là nhà thầu Linkton không đáp ứng đủ yêu cầu nhưng Công ty Điện lực thành phố vẫn cố ý không xem xét năng lực cung ứng trên của nhà thầu mà vẫn ký tiếp các hợp đồng sau này.
Qua công tác kiểm tra đã phát hiện công tác đấu thầu mua sắm 312.000 điện kế điện tử 1 pha này chỉ có hợp đồng kinh tế, không có hồ sơ thầu, vi phạm những quy định trong Quy chế đấu thầu ban hành theo Nghị định 88 của Chính phủ.
2 trong số hàng nghìn điện kế điện tử bị người tiêu dùng khiếu nại về chất lượng. |
Không dừng lại ở những sai phạm trong đấu thầu, trong 14 bộ hợp đồng kinh tế còn một số biểu hiện vi phạm như chưa thử nghiệm và phê duyệt mẫu điện kế điện tử mà đã lắp đặt đại trà trong dân. 14 lô hàng không có hồ sơ nhập khẩu của hải quan và vận đơn, 4 hợp đồng số 03, 04, 05, và 19 không có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). Tuy nhiên, khi kiểm tra 4 lô hàng này, Công ty Điện lực vẫn nghiệm thu và nhập kho, bỏ qua điều kiện bắt buộc này trong giao nhận hàng. Thậm chí, các lô hàng của 14 gói thầu đều do công ty Linkton Vina đóng gói và ký đóng dấu, có địa chỉ tại 43 E - F, đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, không phải là nhà thầu Linkton của Singapore. Như vậy, các lô hàng này đều được đóng gói tại Việt Nam chứ không hề nhập khẩu từ Singapore.
Từ các dấu hiệu vi phạm trên cho thấy, toàn bộ 260.000 điện kế điện tử 1 pha mà Công ty Điện lực TP HCM đã lắp đặt trong dân là bất hợp pháp, vi phạm pháp lệnh đo lường. Vì vậy không có cơ sở khẳng định chất lượng để kiểm tra. Đoàn kiểm tra phối hợp của Sở Công nghiệp kiến nghị chuyển vụ việc trên sang Công an điều tra vì vi phạm trong đấu thầu và hợp đồng kinh tế rất phức tạp, vượt quá phạm vi trách nhiệm của công tác kiểm tra.
Mặc dù đã có nhiều sai phạm trong việc mua sắm điện kế điện tử nhưng trong bản giải trình ngày 13/7, Giám đốc Công ty Điện lực Lê Minh Hoàng lại cho rằng, việc mua sắm 13 hợp đồng không thông qua đấu thầu là theo quy trình mua sắm trực tiếp từ hợp đồng đã ký trước đó, dựa trên nhu cầu của các phòng kinh doanh và hợp tác quốc tế, nên giám đốc và phó giám đốc phụ trách kinh doanh đã phê duyệt qua các tờ trình. Việc không có hồ sơ hải quan và vận đơn cho 14 hợp đồng, ông Hoàng cho biết vì nhà thầu không giao. Lý do 4 hợp đồng không có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi nhận hàng, ông Hoàng lại cho rằng do tin tưởng vào báo cáo của chuyên viên là có nhưng sau đó lại thấy thiếu. Khi nhận hàng cũng vậy, do chuyên viên không để ý đến đơn vị nào giao, chỉ thực hiện theo thông lệ và căn cứ giấy thông báo giao.
Trong buổi chiều ngày 14/7, Tại Trung tâm thí nghiệm điện, cơ sở 1, TP HCM, Tổ đo lường kỹ thuật của Đoàn kiểm tra đã tiếp tục tiến hành kiểm tra chất lượng 17 điện kế điện tử 1 pha của các hộ dân có khiếu nại. Tất cả 17 điện kế điện tử có khiếu nại về tốc độ "phi mã" này sau khi được đo với điện kế chuẩn vẫn đưa ra sai số trong mức cho phép. Không đồng ý với kết quả đo như vậy nên một số hộ dân khiếu nại đã đã đứng dậy bỏ về. Trao đổi với VnExpress, anh Nguyễn Quốc Hoàng ở 203/13 Nguyễn Thái Sơn, phường 5, quận Gò Vấp, một nạn nhân của điện kế điện tử có tốc độ "phi mã", bức xúc nói: "Nếu không có vấn đề thì tại sao mức tiêu thụ điện của nhà tôi lại tăng gấp đôi, gấp ba như vậy". Anh Hoàng cho biết thêm, chiều ngày 13/7, nhân viên điện lực Gò Vấp xuống tháo điện kế điện tử ra và thay bằng điện kế cơ thì thấy chỉ số tiêu thụ lại bình thường như khi chưa sử dụng điện kế điện tử. Bà Trương Thị Ngọc Loan ở địa chỉ 16 đường Huyền Quang, phường Tân Định, quận 1, bày tỏ: "Khi nào chưa có những giải thích thỏa đáng về chất lượng của điện kế điện tử thì tôi nhất định không cho lắp lại". |
Việt Hòa