Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Newcastle phân tích mẫu từ các bệnh nhân cao tuổi mắc chứng nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) tái phát. Nghiên cứu được đặt tên là "Biến đổi hình dạng L", kết luận nếu cơ thể vật chủ có kháng sinh như penicillin hay các loại thuốc có mục tiêu tấn công là thành tế bào, vi khuẩn có thể thay đổi hình dạng.
Đứng đầu nhóm nghiên cứu, bác sĩ Katarzyna Mickiewicz cho biết thành tế bào giúp vi khuẩn trở nên mạnh hơn, tuy nhiên dễ bị hệ miễn dịch và kháng sinh phát hiện. Trong trường hợp biến hình, vi khuẩn chuyển từ dạng thành tế bào thông thường sang hình dạng giống chữ L, khuyết thành tế bào một cách ngẫu nhiên. Ở trạng thái này, cơ thể khó nhận ra vi khuẩn, do đó chúng không bị hệ miễn dịch hay thuốc kháng sinh tấn công.

Hình dạng chữ L khuyết khiến vi khuẩn suy yếu nhưng vẫn có khả năng sống sót và ẩn náu sâu bên trong cơ thể. Ảnh: Telegraph
Dạng L của nhiều chủng vi khuẩn thường liên quan đến bệnh UTI, bao gồm E. coli, Enterococcus, Enterobacter và Staphylococcus, được phát hiện ở 29 trong tổng số 30 bệnh nhân thuộc nghiên cứu trên. Khi tồn tại ở hình dạng này, vi khuẩn bị suy yếu nhưng vẫn có khả năng sống sót, thậm chí ẩn náu sâu trong cơ thể. Bác sĩ Katarzyna lý giải, ở những bệnh nhân có sức khỏe tốt hơn, vi khuẩn dạng L sẽ bị hệ thống miễn dịch triệt tiêu. Tuy nhiên, nếu người bệnh lớn tuổi hoặc có sức đề kháng yếu, loại vi khuẩn này vẫn sống được, quay trở lại hình dạng ban đầu và tiếp tục gây bệnh sau đó.
Đây có thể là lý do nhiều người bị tái phát nhiễm trùng đường tiết niệu. Vì thế, các bác sĩ điều trị kết hợp giữa hai loại kháng sinh - tấn công vào thành tế bào và nhân RNA, DNA bên trong, thậm chí là cả màng bao quanh vi khuẩn.
Phúc Lương (Theo Independent)