Nghiên cứu này của bác sĩ Võ Thị Ngọc Thúy và Lê Trần Nguyễn, được công bố tại hội nghị khoa học thường niên bệnh viện, ngày 11/11. Trong đó, tỷ lệ vi khuẩn đề kháng cao với các kháng sinh thuộc nhóm Cephalosporin, Aminoglycoside.... Các vi khuẩn Enterobacter, P. aeruginosa tỷ lệ đề kháng có xu hướng tăng hơn so với những năm trước.
Khi bị kháng thuốc, người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng ở tất cả nhóm tuổi. WHO dự báo đến năm 2050 chi phí do kháng kháng sinh trên toàn cầu lên tới 100 nghìn tỷ USD và gây ra khoảng 10 triệu ca tử vong trong mỗi năm. Hậu quả kinh tế của kháng kháng sinh được cho là nặng nề tương đương với khủng hoảng tài chính.
"Tình trạng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn ngày càng gia tăng", nhóm nghiên cứu kết luận. Tại Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, bệnh phẩm đàm chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại bệnh phẩm được xét nghiệm vi sinh để hỗ trợ bác sĩ trong việc lựa chọn kháng sinh, cập nhật phác đồ điều trị.
Hai bác sĩ tác giả nghiên cứu dẫn số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm toàn cầu có khoảng 4,25 triệu người tử vong vì nhiễm khuẩn hô hấp cấp. Tại Việt Nam, thống kê của Bộ Y tế, các bệnh viêm phổi có tỷ lệ gần 700 trên 100.000 dân, cao nhất trong những bệnh nhiễm khuẩn hô hấp.
Nhiễm khuẩn hô hấp là một gánh nặng cho y tế, đặc biệt là trên bệnh nhân phải nhập viện, vì tình trạng đề kháng kháng sinh cũng như khuynh hướng kháng kháng sinh của vi khuẩn hiện nay ngày càng tăng.

Hầu hết cơ sở y tế Việt Nam đang đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Ảnh: Quỳnh Trần
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới, 1/3 số thuốc kháng sinh sử dụng ở nước ta được cho là "không phù hợp", dẫn đến kháng thuốc. Trong khi nhiều quốc gia phát triển vẫn sử dụng kháng sinh thế hệ một hiệu quả thì Việt Nam phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3, 4. Theo Bộ Y tế, hầu hết cơ sở y tế Việt Nam đang đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh.
Tại hội thảo do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương phối hợp tổ chức đầu tháng 11, các nhà khoa học nêu thực trạng phần lớn thuốc kháng sinh ở nước ta được bán không có đơn của bác sĩ, trong khi nhiều người bán không đủ trình độ và kinh nghiệm nhưng vẫn tự ý kê thuốc cho người dân. Nhiều trường hợp cảm lạnh thông thường vẫn tự mua kháng sinh về sử dụng không cần thiết.
Bác sĩ khuyến cáo người dân chỉ mua và sử dụng kháng sinh theo đơn, theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Dùng kháng sinh đủ liều, đủ thời gian, không bỏ dở giữa chừng khi thấy sức khỏe khá hơn. Không sử dụng kháng sinh thừa của lần điều trị trước, hoặc thuốc theo đơn của người khác.
Lê Phương