Theo Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 10/2019 cả nước có 32 công ty được cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có 29 công ty cung cấp dịch vụ ví điện tử. Còn theo công ty nghiên cứu thị trường Cimigo vừa công bố khảo sát về hành vi người dùng ví điện tử tại Việt Nam. Theo đó, Momo, Moca và ZaloPay là ba ví điện tử được sử dụng phổ biến nhất ở Hà Nội và TP HCM, chiếm 90% thị phần.
Nghiên cứu cũng cho thấy 6 yếu tố chính tác động đến quyết định lựa chọn thương hiệu ví điện tử của người dùng. Trong đó gồm: giao diện thân thiện, dễ sử dụng; có chương trình khuyến mãi đa dạng, thường xuyên; an toàn và bảo mật; liên kết với nhiều ngân hàng khác nhau; được chấp nhận thanh toán tại quầy ở nhiều nơi; đa dạng về các loại dịch vụ thanh toán.
"Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng, trước khi nghĩ đến việc xây dựng các yếu tố mang tính thúc đẩy ấy, ví điện tử cần đảm bảo tốt các vấn đề như an toàn và bảo mật, liên kết với nhiều ngân hàng và đa dạng dịch vụ, địa điểm thanh toán. Đây là các tiêu chí vốn được liệt vào nhóm nhân tố cơ bản trong việc lựa chọn ví", bà Lê Xuân Phương - Phó giám đốc nghiên cứu tại Cimigo phân tích thêm.
Quy định tăng bảo mật ví điện tử
Nhằm tăng tính an toàn, bảo mật cho thị trường ví điện tử, cuối tháng 11/2019, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 23/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2014/TT-NHNN về hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán.
Đáng chú ý, theo thông tư này, người dùng cá nhân cần cung cấp và xác thực thông tin mở ví điện tử gồm họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch, số căn cước công dân, số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu còn thời hạn.
Ngoài ra, khách hàng cũng phải hoàn thành việc liên kết ví với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của mình trước khi sử dụng ví điện tử. Khách hàng được liên kết ví với một hoặc nhiều tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ tại các ngân hàng liên kết.
Các tổ chức cung ứng ví điện tử chịu trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu với các ngân hàng liên kết để đảm bảo hồ sơ mở của khách hàng đầy đủ, hợp pháp và chính xác.
Đối với nhiều người dùng đã quen với sự thuận tiện và nhanh gọn trong mọi thao tác khi sử dụng ví điện tử, việc phải khai báo đầy đủ thông tin khiến người dùng "chùn bước".
Chị Minh Hạnh (TP HCM), một người dùng đang sử dụng cùng lúc ba ví điện tử Moca, MoMo và Zalo Pay cho biết, chị chuộng thanh toán qua ví điện tử do tiện lợi, không phải đụng đến tiền mặt, không lo đợi hoàn lại tiền thừa khi mua sắm, tiêu dùng bên ngoài... Tuy nhiên khi có quy định phải khai báo thông tin cá nhân, chị lo ngại thông tin rò rỉ.
"Do đã có nhiều thông tin về lừa đảo, đánh cắp tài khoản cá nhân trên mạng nên tôi ngại chia sẻ thông tin của mình. Tuy nhiên sau khi đọc thêm về các quy định về bảo mật, an toàn thông tin cho ví điện tử, tôi mới hiểu hóa ra làm thế là để bảo vệ chính mình", chị Minh Hạnh nói.
Cụ thể việc cung cấp thông tin cá nhân giúp các tổ chức cung cấp ví điện tử xác nhận được ví điện tử sẽ chỉ liên kết với tài khoản ngân hàng của "chính chủ" và qua đó cũng tăng quyền kiểm soát của chủ ví đối với tài khoản, hạn chế các hành vi gian lận, mượn tài khoản... để giao dịch mà không có sự đồng ý của chủ ví.
Chiều ngược lại, nhằm đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin người dùng, các tổ chức cung cấp ví điện tử đang "chạy đua" nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ với những cơ chế bảo mật tiên tiến nhất theo chuẩn quốc tế. Mục tiêu đáp ứng nhu cầu thanh toán vừa tiện lợi, vừa bảo mật cho người dùng.
Nỗ lực từ các tổ chức cung ứng ví điện tử
Hiện tại, một số ví điện tử chiếm thị phần lớn, tiềm lực mạnh như Moca, MoMo hay ZaloPay đều đã đạt chứng nhận bảo mật quốc tế PCI DSS. Chứng nhận này là một hệ thống các yêu cầu để đáp ứng các chuẩn mực về an ninh dữ liệu, chính sách, quy trình, cấu trúc mạng, hệ thống phần mềm. Việc đạt chứng nhận góp phần mang đến trải nghiệm giao dịch an toàn, nhanh chóng.
Các ví điện tử còn ứng dụng công nghệ bảo mật cao cấp, tiên tiến như xác thực hai lớp; xác thực bằng vân tay hay nhận diện khuôn mặt; tự động khóa ứng dụng khi quá thời hạn sử dụng; bảo vệ đường truyền chuẩn SSL/TLS hay tính năng mã hóa số thẻ quốc tế (Tokenization). Các công nghệ này đảm bảo ví của người dùng không thể bị xâm nhập nếu như không được chính chủ cung cấp các thông tin cá nhân và thông tin đăng nhập OTP, mật khẩu...
Xu hướng đẩy mạnh an toàn, bảo mật và tăng cường tiện ích, dịch vụ trên ví điện tử hứa hẹn sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường trẻ và đầy tiềm năng này tại Việt Nam. Theo Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức trung gian thanh toán đã cung ứng 4,24 triệu ví đã được xác thực, có sự liên kết với tài khoản ngân hàng, trong tổng số gần 9 triệu ví đăng ký.
Lợi thế cơ cấu dân số trẻ, nền kinh tế phát triển nhanh, phân khúc trung lưu ngày càng mở rộng hứa hẹn giúp thị trường ví điện tử tiếp tục "cất cánh". Đặc biệt trong những tháng đầu năm 2020, việc người dân hạn chế ra đường để phòng dịch Covid-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán trực tuyến, bao gồm ví điện tử. Theo Asian Banker Research, dự kiến năm 2020 tại Việt Nam tổng số người dùng ví điện tử dự kiến vượt mốc 10 triệu người.
Bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào, cho rằng, người tiêu dùng đã dần chuyển dịch nhiều hơn từ sử dụng tiền mặt sang các phương thức thanh toán điện tử khác để phục vụ cho nhu cầu mua sắm hàng ngày.
"Để đảm bảo an toàn khi thanh toán, người tiêu dùng nên nâng cao cảnh giác đối với tin tặc và các trang web độc hại để đề phòng các rủi ro liên quan đến bảo mật thông tin cá nhân", bà Dung khuyến cáo.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị, người dùng nên lựa chọn thanh toán qua các ví điện tử uy tín, có hệ sinh thái dịch vụ, tiện ích và công nghệ bảo mật hoàn thiện.
Nam Anh