Mục tiêu của 9Pay là trở thành đơn vị dẫn đầu thị trường về thanh toán dịch vụ nội dung số. Cuối năm 2020, ví điện tử 9Pay bước chân vào thị phần cạnh tranh khốc liệt, nhưng chỉ sau 11 tháng, đã đạt một triệu người dùng.
"Sự tăng trưởng của người dùng 9Pay đến vào đúng thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam. Sự xuất hiện của dịch bệnh đã làm thay đổi nhiều thói quen sinh hoạt của người dân, trong đó có tài chính. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho nền kinh tế và khẳng định nước đi của Ví điện tử 9Pay trong vài năm tới", ông Nguyễn Quang Thịnh - Giám đốc vận hành Công ty Cổ phần 9Pay chia sẻ.
Chiến lược marketing vào thị trường nội dung số
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid, các dịch vụ giải trí online như xem phim, thanh toán dịch vụ game có xu hướng gia tăng. Nhận thấy đây là cơ hội để tiếp cận được khách hàng nhanh nhất, Ví điện tử 9Pay nhanh chóng điều chỉnh chiến lược tập trung vào hỗ trợ thanh toán và đưa ra các sản phẩm phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu người dùng.
Sự kiện "Đập trứng" mới ra mắt trên Ví điện tử 9Pay với tiêu chí chơi đơn giản và 100% người tham gia đều có quà đã nhanh chóng đưa 9Pay tiệm cận tới con số một triệu khách hàng trong khoảng thời gian ngắn.
Đại diện nhà phát triển ví điện tử 9Pay cũng tiết lộ, định hướng tương lai của công ty là đặt mục tiêu số một thị trường về thanh toán các dịch vụ nội dung số và giải trí. Khi khách hàng nhắc tới thanh toán dịch vụ game, phim ảnh giải trí, các dịch vụ số... sẽ nghĩ ngay tới Ví điện tử 9Pay.
Để thực hiện được những mục tiêu chiến lược trên, 9Pay nỗ lực cùng đội ngũ phát triển sản phẩm mở ra nhiều dịch vụ kinh doanh, giải trí để thu hút người dùng, mở rộng thị trường. Thay vì cạnh tranh ở các mảng đã xuất hiện nhiều "ông lớn" trong ngành Fintech, 9Pay chọn hướng đi riêng ở lĩnh vực thanh toán các dịch vụ nội dung số và giải trí, hướng tới đối tượng khách hàng GenZ năng động, am hiểu công nghệ.
Tiềm năng lĩnh vực fintech
9Pay bắt tay chinh phục thị phần tại thị trường fintech Việt Nam từ năm 2018 - thời điểm đầy sôi động với nhiều mô hình kinh doanh, sản phẩm dịch vụ fintech mới cũng như hình thức thanh toán khác nhau được triển khai.
Trong khi các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực thanh toán của Việt Nam tiếp tục phát triển và thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, hoạt động cho vay ngang hàng (P2P lending) và không gian tiền điện tử/blockchain là hai phân khúc có mức tăng trưởng mạnh. Theo Ngân hàng Nhà nước, năm 2020 số lượng công ty Fintech tại Việt Nam tăng gần 4 lần so với năm 2016. Tính đến năm 2019, Việt Nam có hơn 150 công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech.
"Lĩnh vực Fintech tại Việt Nam đang có những bước phát triển nhanh và mạnh, đồng thời cho thấy áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng. Thời điểm hình thành dự án trung gian thanh toán 9Pay, nhiều người cho rằng đây là một nước đi không khả thi bởi thị trường lúc đó mảng thanh toán đang cạnh tranh rất khốc liệt, tham gia ngành này là chạy đua đốt tiền", ông Nguyễn Quang Thịnh chia sẻ.
Tuy nhiên, những người sáng lập 9Pay lại nhận thấy đây là xu thế tất yếu trong tương lai của ngành công nghệ. Cũng tại thời điểm đó, nhờ vào các chính sách quyết liệt thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, sự thay đổi của ngân hàng số đã tham gia thay đổi thói quen của người tiêu dùng, giúp ví điện tử trở thành xu hướng.
Tương lai, thị trường fintech Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển để 9Pay mở rộng và khai thác.
Tuệ Minh