Bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, ngày 27/4 cho biết độc tố uốn ván đã xâm nhập cơ thể khiến bệnh nhân bị cứng hàm, miệng khít chặt, co cứng cơ toàn thân. Bác sĩ cho sử dụng thuốc an thần liều cao nhưng người bệnh trở nặng chỉ sau vài tiếng, toàn thân co cứng, ngưng thở, tím tái, phải đặt ống thở. Những ngày sau, các cơn co cứng toàn thân liên tục xuất hiện, co giật kéo dài dù chỉ kích thích nhẹ như chạm nhẹ hoặc tiêm.
"Tình trạng này vẫn xuất hiện liên tục trong vòng 10 đến 14 ngày mới có xu hướng dịu xuống", bác sĩ Bắc cho biết và nói thêm bệnh gây ra rối loạn thần kinh thực vật, tăng tiết đờm dãi, rối loạn nhịp tim, huyết áp, nguy cơ tử vong cao trên người bệnh cao tuổi.
Theo bác sĩ Bắc, đây là một trong số nhiều bệnh nhân uốn ván được bệnh viện điều trị thời gian qua. Uốn ván là bệnh nhiễm trùng cấp tính có tỷ lệ tử vong 25-90%; uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh tỷ lệ tử vong trên 95%.
Bệnh thường xảy ra khi cơ thể bị tổn thương như vết chích da, vết rách da, vết trầy da, bỏng, viêm tai giữa, phẫu thuật, sảy thai, sinh đẻ... Thời kỳ ủ bệnh 4-21 ngày. Trực khuẩn gây bệnh phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí, sau đó giải phóng độc tố vào máu và tấn công vào thần kinh - cơ. Lúc này, bệnh nhân bị co cứng cơ và từ đó xuất hiện các cơn co giật gây ngưng thở, suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật, ngừng tim.
Bệnh xuất hiện rải rác tại các vùng nông thôn. Ở các nước không có chương trình tiêm chủng mở rộng bệnh uốn ván, tỷ lệ trẻ sơ sinh và người trẻ tuổi mắc bệnh rất cao. Việt Nam đã loại trừ bệnh uốn ván trên trẻ sơ sinh từ năm 1992 (nhờ tiêm chủng), tuy nhiên còn rất nhiều người lớn sinh trước 1992 chưa được tiêm phòng bệnh uốn ván.
Bbác sĩ Bắc khuyến cáo mọi người xử lý vết thương ban đầu đúng cách để phòng ngừa uốn ván. Nếu vết thương sâu, bẩn, dập nát, nên vệ sinh vết thương bằng nước muối hoặc nước sạch, loại bỏ đất bẩn, mảnh vụn nếu có. Vết thương phức tạp, chảy máu, dính nhiều đất, cát đòi hỏi cắt lọc, sát khuẩn, nhanh chóng tới cơ sở y tế.
Bác sĩ cảnh báo không băng kín vết thương nếu chưa được vệ sinh tốt vì đây là điều kiện khiến vi khuẩn uốn ván phát triển. Kiểm tra, thay băng hàng ngày. Nếu có tình trạng mưng mủ nhiễm trùng, hãy tháo bỏ băng, làm sạch, để hở, hoặc đến cơ sở y tế để can thiệp xử lý vết thương, không sử dụng các phương pháp dân gian như đắp lá, rắc bột ...
Chủ động tiêm dự phòng uốn ván khi có vết thương dập nát, sâu, bẩn, đặc biệt với nhóm người chưa tiêm ngừa đầy đủ, hoặc cách thời gian tiêm mũi vaccine gần nhất là 10 năm. Sau đó, tiêm nhắc lại vaccine uốn ván theo khuyến cáo của đơn vị tiêm chủng để có miễn dịch đầy đủ phòng bệnh.
Chi Lê