Người đưa ra tuyên bố gây tranh cãi trên là nhà địa chất học, tiến sĩ Alexander Koltypin, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc tế Độc lập ở Moscow, Nga. Koltypin cùng cộng sự hồi tháng 8 trở về từ chuyến khảo sát ở khu vực Anatolia, Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mặt đất chồng chéo những rãnh lún, được mô tả là "những đường rãnh hóa thạch ăn vào địa hình đá núi lửa".
Trước đó, giới học giả cho rằng, các đường rãnh hình thành qua nhiều thời kỳ lịch sử.
Những đường rãnh đầu tiên được cho là xuất hiện trong Đế chế Hittite (1600-1178 trước Công nguyên). Qua thời gian, những con đường hằn sâu hơn xuống nền đá mềm sau quá trình di chuyển liên tục của người Phrygians, người Hy Lạp và Alexander Đại đế cùng quân đội của mình. Cuối cùng, chúng trở thành một phần trong mạng lưới giao thông của đế chế La Mã, tạp chí Culture Routes của Thổ Nhĩ Kỳ viết.
Tuy nhiên, sau khi cùng các cộng sự tới hiện trường nghiên cứu những đường rãnh sâu, Koltypin kết luận rằng đây là vết tích còn lại của những vệt bánh xe, nhưng chắc chắn không phải loại phương tiện hạng nhẹ như xe ngựa hay chiến mã xa.
Thay vào đó, ông cho rằng vết lún phải do "các loại xe vượt mọi địa hình chưa từng được biết đến từ thời nguyên thủy", có kích thước khổng lồ và trọng lượng lớn, tạo ra. Koltypin xác định chúng có niên đại xấp xỉ 14 triệu năm và được phát triển bởi một nền văn minh bí ẩn trước con người.
"Khu vực này được bao phủ bởi những rãnh lún sâu hình thành cách đây hàng triệu năm về trước, nhưng không liên quan đến con người," Koltypin nói và khẳng định chắc chắn các vết lún đã có từ thời tiền sử, dựa vào phân tích đặc điểm đứt gãy và phong hóa quan sát được. "Phương pháp xác định tuổi đá núi lửa đã được nghiên cứu kỹ càng và chứng minh được tính chính xác của nó."
Nhà khoa học này mô tả, khoảng cách giữa cặp rãnh khá đều nhau, tương đương khoảng cách giữa hai bánh của ôtô hiện đại. Tuy nhiên, độ lún của chúng lại lớn hơn nhiều so với mức độ mà ôtô ngày nay có thể tạo ra trên đường. Đo đạc tại hiện trường cho thấy, đường rãnh có độ sâu tối đa là một mét. Mặt bên trong rãnh còn có nhiều đường rạch ngang, có thể là dấu vết để lại do ma sát với mấu trục của các chiến xa cổ đại.
Koltypin tin rằng các bánh xe địa hình khổng lồ cắt rãnh sâu vào mặt đất đá khi đó còn xốp mềm và ẩm nhờ trọng lượng rất lớn của chúng.
"Sau đó những vết lún và tất cả bề mặt xung quanh hóa thạch, bảo quản nguyên vẹn các bằng chứng cho tới ngày nay. Những trường hợp như vậy rất phổ biến đối với giới địa chất, dấu chân khủng long cũng được 'bảo tồn tự nhiên' như vậy," Koltypin giải thích.
Koltypin nhận thức được tuyên bố của mình sẽ gây nhiều tranh cãi. Giới học giả truyền thống sẽ không đề cập tới chủ đề này vì nó sẽ "đập tan tất cả những lý thuyết kinh điển của họ."
"Tôi nghĩ chúng ta đang nhìn thấy những dấu vết của một nền văn minh tồn tại trước sự ra đời của con người. Có thể những sinh vật của nền văn minh tiền sử này không giống với con người ngày nay," Koltypin giả định.
Những rãnh sâu bí ẩn không kém cũng nằm ở một một số nơi khác trên trái đất, đáng chú ý nhất là tại quần đảo Malta, nằm giữa Địa Trung Hải, và trở thành một trong những hiện tượng làm giới khoa học bối rối. Một số đường lún kỳ lạ ở địa danh Misrah Ghar il-Kbir, quần đảo Malta xuyên qua các vách đá nhô ra biển hay hướng về đại dương một cách có chủ đích. Ai đã làm ra những vết bánh xe cỡ lớn này hay tại sao chúng xuất hiện vẫn còn là một ẩn số.
Giống như bí ẩn của những rãnh mòn ở quần đảo Malta, rất nhiều câu hỏi xoay quanh vết lún sâu cắt vào nền đất đá tại thung lũng Phrygian chưa tìm được lời giải. Nhà khoa học Koltypin đang tiếp tục nghiên cứu của mình, song phải mất một thời gian trước khi các kết luận trái với quan niệm xưa nay của ông được xem xét.
Thu Hiền (theo Ancient Origins)