* Trận Juventus - Real Madrid diễn ra lúc 1h45 ngày 4/6, theo giờ Hà Nội. Trực tuyến trên VnExpress.
Cách đây chưa đầy hai năm, Perez ngồi trên khán đài Bernabeu theo dõi trận El Clasico và nghe 80.000 CĐV Real gào lên: "Florentino, hãy từ chức đi!". Đấy là trận El Clasico đầu tiên của Rafa Benitez. Real thua 0-4, không hề bộc lộ bất kỳ dấu hiệu phản kháng nào. Nhiều người đã tin đấy là dấu chấm hết cho vương triều thứ hai của Perez.
Vậy mà bây giờ, Real đang hiện diện ở trận chung kết Champions League thứ hai liên tiếp, và là thứ ba trong vòng bốn năm. Họ vừa vô địch La Liga cách đây ít lâu. Và những lời chỉ trích dành cho Perez đã biến đi không hình tích.
Trong cuốn sách vừa xuất bản với nhan đề "Real Madrid - CLB của thế kỷ 21", tác giả Carlos Pinedo cho biết, khi Perez trúng cử Chủ tịch Real vào năm 2000, ông tuyệt nhiên không biết bóng đá được vận hành như thế nào.
Pinedo viết: "Khi Florentino ngồi lên ghế Chủ tịch, ông đã là một chuyên gia lão luyện trong kinh doanh và chính trị, nhưng hoàn toàn không biết cách vận hành một đội bóng. Và Florentino đã áp dụng kinh nghiệm của mình trong hai lĩnh vực kia vào bóng đá. Ông không bao giờ quên cách Santiago Bernabeu đã xây dựng đội bóng huyền thoại trong thập niên 1950. Và ông đã làm điều ông cho là đúng: Cứ mang về những siêu sao, và kết quả tự nhiên sẽ đến".
Perez làm cho chúng ta nhớ đến bài hát bất tử mang tên "Stairway to heaven" (Chiếc thang lên thiên đường) của nhóm Led Zeppelin. Bài hát mở đầu với hai câu sau:
There's a lady who's sure all that glitters is gold
And she's buying a stairway to heaven.
(Có một người phụ nữ, ngỡ tất cả những gì lấp lánh đều là vàng.
Thế nên cô ta đi mua một chiếc thang để lên thiên đường).
Perez, với những bậc thang mang tên Luis Figo, Zinedine Zidane, Ronaldo, Michael Owen, David Beckham... luôn tin rằng ông đang tiến gần hơn đến thiên đường.
Và không một ai có thể trách Perez vì ông có lối suy nghĩ ấy. Để hiểu hơn về nhà tài phiệt xây dựng yêu Real Madrid này, chúng ta cần phải quay lại một ngày chớm hè của tháng 4/1960. Ngày ấy, Perez mới 13 tuổi, theo bố mẹ và hai người anh trai đến sân Santiago Bernabeu xem trận bán kết Cup C1 giữa Real với Barca. Alfredo di Stefano mở tỷ số với một cú đánh đầu. Ferenc Puskas nhân đôi cách biệt. Đội bóng vĩ đại ngày ấy còn có Paco Gento, người sau này đi vào lịch sử với thành tích vô tiền khoáng hậu: sáu lần đoạt Cup C1 trên tư cách cầu thủ.
Sau trận bán kết ấy, Real thẳng tiến đến chức vô địch, với chiến thắng oanh tạc 7-3 trước Eintracht Frankfurt. Cup C1 vừa trình làng được năm mùa giải đầu tiên, và Real vô địch cả năm mùa ấy. Bernabeu trở thành thánh đường của bóng đá thế giới. Và Real cứ vào trận là phải nghiền nát đối thủ. Với những người ở thế hệ Perez, sự thống trị của Real là một điều gì đó... đương nhiên.
Bốn năm sau trận El Clasico ở Cup C1, Perez ghi dấu ấn đầu tiên tại Bernabeu, theo đúng nghĩa đen. Sau một pha ghi bàn của đội nhà, trong cơn phấn khích, ông bật dậy vui mừng và ngã sấp mặt vào bậc thềm, sứt môi chảy máu. Nó đã để lại một vết sẹo vĩnh viễn ở môi của Perez.
Trước đó, vào tháng 10/1953, khi lên sáu tuổi, Perez được bố mẹ dẫn đến xem Real hạ nhục Barca với tỷ số 5-0, bước ngoặt đưa Real đến chức vô địch La Liga đầu tiên sau 21 năm. Di Stefano lập cú đúp trận ấy, cũng là trận đấu ra mắt Real. Bản hợp đồng mang Di Stefano về Real đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo giới. Bởi vì ban đầu, Di Stefano ngỡ như đã khoác áo Barca. Nhưng Bộ trưởng thể thao Tây Ban Nha Jose Moscardo, một người bạn của Santiago Bernabeu và là bạn chiến đấu của độc tài Franco mấy chục năm trước, đã can thiệp, buộc Barca phải "nhả" Di Stefano cho Real. Cuộc chuyển nhượng này đã làm thay đổi hoàn toàn lịch sử hai đội, và khắc sâu vào mối thù vốn đã có từ rất lâu trước.
Perez làm gì đủ tuổi để biết bao nhiêu phức tạp về kinh tế, chính trị ở trong đó. Khi lớn lên, cậu chỉ nhìn thấy Real là CLB của những ngôi sao tấn công hay nhất thế giới lúc bấy giờ: Hector Rial, Raymond Kopa, Puskas, Didi, Gento, Di Stefano. Suốt 16 năm, từ khi còn là nhi đồng đến lúc đã là một chàng thanh niên, Perez từng chứng kiến Barca cứ đến Bernabeu là bại trận. Perez cũng từng chứng kiến Real bất bại suốt hơn bốn năm liền ở châu Âu. Và khi Perez bắt đầu manh nha ý định tranh cử Chủ tịch Real, trong đầu ông chỉ có duy nhất một con đường: mang về những ngôi sao giỏi nhất, biến Real thành đội bóng mạnh nhất, thiết lập sự thống trị ở châu Âu, như chính đội bóng của Chủ tịch huyền thoại Santiago Bernabeu năm nào.
Ngày 15/5/2002, ở Glasgow mưa tầm tã mấy tiếng đồng hồ. Niềm vui sau chiến thắng trong trận chung kết Champions League trước Leverkusen đã nhường chỗ cho một cảm giác khác: đói bụng. Bữa tiệc mừng bị hoãn lại, và đồng hồ lúc ấy lúc ấy đã chỉ sang 1h ngày 16/5.
Đã năm tiếng đồng hồ trôi qua kể từ lúc Zinedine Zidane bắt vô-lê ấn định tỷ số 2-1, bàn thắng mà sau này sẽ được xưng tụng là đẹp nhất lịch sử các Cup châu Âu. Zidane lúc này đã rất mệt, đói bụng và sốt ruột. Vì ăn xong, anh phải bay ngay về Tây Ban Nha, vợ anh chuẩn bị hạ sinh đứa con thứ ba.
Rồi Perez cũng bước vào sảnh tiệc của khách sạn Glasgow Hilton trong tiếng vỗ tay của tất cả. Real vừa có chức vô địch châu Âu cấp CLB thứ chín trong lịch sử. Nhưng một trong những từ đầu tiên ông nói trong bài diễn văn ngắn trước khi vào tiệc là: "La Decima" (chiếc Cup C1/Champions League thứ 10)!
Từ này sau đó đã ám ảnh Real suốt hơn một thập kỷ, điều ấy ai cũng rõ. Nhưng có một điều rõ ràng hơn: Perez không bao giờ muốn một chiếc Cup. Thứ ông muốn là một vương triều, ông muốn nhìn thấy Real ngạo nghễ nhìn xuống thế giới như những năm 1950, và ông sẽ làm mọi cách để tái hiện Real của những năm tháng ấy.
Những hiểu biết hạn chế về cách tổ chức một đội bóng đã khiến Real trả giá với lá đơn từ chức, sau một đêm mưa tầm tã ở Mallorca vào năm 2005. Nhưng cũng chỉ bốn năm sau, Perez trở lại. Vẫn trung thành với sách lược "galactico" (vung tiền, mua các cầu thủ giỏi nhất), Perez mang về những ngôi sao sáng giá mới. Và những con người này đã giúp ông giải lời nguyền "La Decima" vào năm 2014, với Carlo Ancelotti trên ghế huấn luyện, và Zidane lúc này là một trợ lý.
Chỉ một năm sau, ông sa thải Ancelotti trước sự phẫn nộ của cầu thủ, CĐV và truyền thông. Và người ta ngỡ như ông đang lặp lại con đường sai lầm của chính mình hồi 2003, khi sa thải Vicente del Bosque. Nhưng Perez rõ ràng đã khác.
Pinedo viết tiếp: "Florentino đã có một triết lý khác, được đúc kết từ những sai lầm của quá khứ. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông chỉ quan tâm đến việc mang về những siêu sao và khước từ chuyên môn. Bây giờ ông ta đã biết lắng nghe nhiều hơn, và mọi thứ quả nhiên đã khác đi".
Perez vẫn bị ám ảnh bởi "những thứ lấp lánh", nhưng với cánh tay phải là người tư vấn Jose Angel Sanchez, Real đã khôn ngoan hơn trong mua bán. Bên cạnh những bản hợp đồng bom tấn như Cristiano Ronaldo, Gareth Bale, James Rodriguez, Real cũng biết bán đi những cầu thủ không dùng với giá bom tấn. Angel di Maria đã gia nhập Man Utd với giá 84 triệu đôla. Mesut Ozil được bán cho Arsenal với giá 56 triệu đôla, còn Gonzalo Higuain được đẩy cho Napoli với giá 45 triệu đôla.
Real cũng đặt trọng tâm nhiều hơn vào những cầu thủ trẻ, những người như Raphael Varane, Casemiro hay Marco Asensio. Và họ cũng biết cách chọn mặt gửi vàng vào những cầu thủ thật sự chất lượng, dù không cần tốn nhiều tiền: Luka Modric và Toni Kroos chỉ tốn của Real mỗi người 40 triệu đôla.
Và bổ nhiệm Zidane là một nước cờ tuyệt hảo. Nó là một sự tính toán dài hơi, chờ thời điểm chín muồi chứ không hề là một quyết định vội vã.
Zidane đã giải nghệ ở Real ở tuổi 34, khi phong độ vẫn còn đỉnh cao, sau khi tuyệt vọng chứng kiến "Galactico 1.0" sụp đổ quanh mình. Nhưng những bài học ngày đó thật sự bổ ích. Zidane biết điều gì dẫn đến thất bại của sách lược ấy, để không sa bước vào sai lầm cũ. Đấy là lý do ông tin dùng Casemiro, bất chấp James Rodriguez rất được Perez sủng ái. Zidane không ngại làm Perez mất lòng, bởi HLV này tự chịu trách nhiệm với mỗi quyết định của bản thân.
Còn với Perez, tuy là một người có tư tưởng độc tài, bài học quá khứ đã ghìm ông lại trước khi kịp lấn sân vào chuyên môn - vấn đề không phải sở trường. Và Zidane đã được toàn quyền đưa ra những quyết định chuyên môn, kể cả việc cho Ronaldo dự bị, liên tục xoay vòng cầu thủ, điều mà các đời HLV trước không thể làm.
Khi Real giành "La Decima" năm 2014 với Zidane là trợ lý ngồi cạnh Ancelotti, Theo - cậu bé chào đời chỉ vài ngày sau khi Zidane ghi bàn quyết định ở Glasgow - đã 12 tuổi. Theo, cùng với ba người anh em khác, đều được Zidane gửi vào lò đào tạo trẻ của Real. Bản thân Zidane cũng có thời gian cầm đội trẻ. Và ông trở thành đại diện không thể hoàn hảo hơn cho một Madridista chính hiệu, vì ba lý do:
1. Là một siêu sao, lấp lánh như... vàng, như Perez muốn
2. Có lối chơi thanh thoát, hào hoa, đúng chuẩn Hoàng gia
3. Hiểu rõ Real từ chân tơ kẽ tóc, bởi từng là cầu thủ, đại sứ, trợ lý HLV, HLV đội trẻ, và HLV đội lớn
"Zidane kết nối với cầu thủ, từ những ngôi sao đến các tài năng trẻ, rất tốt," Pineda viết. "Anh ấy đạt được những thành tựu không một ai khác đạt được. Đấy là HLV tuyệt vời nhất mà Madrid có thể có được".
Zidane là HLV mang về chiếc Cup C1/ Champions League thứ chín trên cương vị cầu thủ, là nhân tố phụ trong chức vô địch thứ 10, là HLV trưởng của chức vô địch thứ 11. Và bây giờ ông bước vào trận đấu có thể quyết định chức vô địch thứ 12. Zidane là bóng hình của Di Stefano thuở trước, Perez thì đang đi trên bước đường huyền thoại của Santiago Bernabeu. Ông đã phục hưng Real, bởi vết sẹo trên miệng luôn nhắc nhở ông về hình ảnh của Real kiêu hùng thuở trước.
Lịch sử đã chọn Perez, Perez chọn Zidane, và Zidane chọn lịch sử. Con đường Phục hưng Real sẽ vẫn tiếp tục, bất kể kết quả ở Cardiff tối nay.
Hoài Thương