Ông Lê Quang Hùng. Ảnh: Đoàn Loan |
- Ông đánh giá thế nào về hiện tượng nứt tại đập không tràn bờ của thủy điện Sơn La, công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á?
- Đập chính của Thủy điện Sơn La được thi công bằng công nghệ đầm lăn. Trong quá trình thi công đã xuất hiện vết nứt bê tông tại một số khối đổ ở đập không tràn bờ trái. Hiện tượng nứt tại các kết cấu lớn như đập là có thể xảy ra.
Hiện, chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước đã kiểm soát, đánh giá nguyên nhân, biện pháp khắc phục, ngăn chặn vết nứt lan rộng. Báo cáo của Tư vấn tuần trước là vết nứt không ảnh hưởng đến độ an toàn của đập. Hội đồng đang xem xét báo cáo của tư vấn và tổ chức phản biện độc lập. Theo tôi, cách làm này là chặt chẽ.
- Ông có thể đưa ra nguyên nhân ban đầu của sự cố này thế nào?
- Về mặt chuyên môn, khi đổ bê tông, nhiệt độ trong bê tông tăng lên, mới đầu là 20 độ C song sau 7 ngày sẽ lên tới 40 độ C. Mặt ngoài của khối đổ sẽ nguội còn trong lòng sẽ nóng, gây chênh lệch nhiệt độ.
Bất cứ bê tông khối lớn nào cũng có xu hướng ấy, có thể gọi là sốc nhiệt. Có điều, nhà thầu phải dự phòng tính toán để chênh lệch nhiệt độ này ở mức độ nhất định, hạ nhiệt độ ban đầu của bê tông càng thấp càng tốt.
Công trường thủy điện Sơn La. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
- Có ý kiến cho rằng, tính toán ban đầu của đơn vị tư vấn thiết kế chưa ổn, ông nghĩ sao?
- Tính toán ban đầu vẫn là lý thuyết song trên thực tế có thay đổi. Không ai có thể tính toán tuyệt đối mà phải có dự phòng. Khi thi công, biện pháp thay đổi thì có thể làm đầu bài thay đổi. Chúng tôi sẽ thẩm định, đánh giá đa chiều. Hiện đã kiểm tra vết nứt, sâu khoảng 6 m trên tấm khối bê tông cao 50-70 m.
Quản lý an toàn tại Thủy điện Sơn La là tuyệt đối, không chấp nhận sai lệch. Tuy nhiên, không phải một khiếm khuyết nào xảy ra cũng ảnh hưởng tới an toàn. Hiện theo đánh giá của tư vấn, các vết nứt này không ảnh hưởng an toàn đập nên chưa đặt ra việc ngừng thi công đập.
- Vết nứt này từng xuất hiện ở các công trình khác theo công nghệ thi công đầm lăn?
- Theo báo cáo của chuyên gia nước ngoài, hiện tượng nứt bê tông được thi công bằng công nghệ đầm lăn có thể xảy ra. Sơn La không phải công trình đầu tiên, các công trình thủy điện khác như Thủy điện Pleikrong, Sê San4, Thủy điện A Vương... cũng được thi công theo phương pháp này.
Dự án thủy điện Bình Điền, Thủy điện Sê San 4 đã có một vài vết nứt nhỏ, song thủy điện Sơn La là có vết nứt lớn nhất. Trong thực tế không thể lúc nào cũng tuyệt đối. Tháng 8/2008, công trình đã xuất hiện vết nứt, chủ đầu tư cũng đã báo cáo song cần có thời gian nghiên cứu theo tính hệ thống.
- Đơn vị nhà thầu đã xử lý những vết nứt như thế nào?
- Biện pháp đưa ra là đặt lưới thép để tránh lan truyền vết nứt và tiêu nước để tránh ứ đọng. Hiện, các vết nứt vẫn trong chỉ số an toàn. Chúng tôi sẽ có nghiên cứu, thông tin sớm khi có số liệu cụ thể.
Các chủ thể tham gia dự án Thủy điện Sơn La đều là những đơn vị có năng lực. Ngoài ra, còn có Ban chỉ đạo Nhà nước về dự án thủy điện Sơn La, Hội đồng nghiệm thu nhà nước cũng như các cơ quan chức năng khách. Do vậy, tôi cho rằng chúng ta có thể tin rằng kiểm soát tốt chất lượng công trình này.
Đoàn Loan thực hiện