Vết nứt ở tây nam Kenya. Video: BBC.
Các nhà nghiên cứu phát hiện vết nứt lớn xuất hiện hôm 19/3 ở thung lũng Tách giãn Đông Phi phía tây nam Kenya, bề rộng hơn 15 m, theo Live Science. Vết nứt xuất hiện sau những cơn mưa nặng hạt và hoạt động địa chấn trong khu vực, làm sụp một phần đường cao tốc Nairobi-Narok.
Thạch quyển của Trái Đất (gồm lớp vỏ và phần trên cùng của lớp phủ) chia thành nhiều mảng kiến tạo. Những mảng này không ổn định mà di chuyển tương đối với nhau ở tốc độ khác nhau, "trượt" trên quyển mềm. Cơ chế chính xác phía sau chuyển động của chúng vẫn là chủ đề gây tranh cãi, nhưng chắc chắn có liên quan đến những dòng đối lưu bên trong quyển mềm và lực sinh ra ở ranh giới giữa các mảng.
Những lực trên không chỉ đẩy mảng kiến tạo dịch chuyển mà còn khiến chúng đứt gãy, hình thành tách giãn và dẫn tới sự ra đời của những ranh giới mới giữa các mảng. Hệ thống Tách giãn Đông Phi là một ví dụ về quá trình này.
Thung lũng Tách giãn Đông Phi trải dài hơn 3.000 km từ vịnh Aden ở phía bắc đến Zimbabwe ở phía nam, chia mảng kiến tạo châu Phi thành hai phần không bằng nhau là mảng Somali và mảng Nubia. Hoạt động địa chất dọc theo nhánh phía đông của thung lũng tách giãn, chạy dọc Ethiopia, Kenya và Tanzania trở nên rõ ràng khi vết nứt lớn đột ngột xuất hiện.
Khi thạch quyển trở thành đối tượng chịu tác động của lực kéo căng theo chiều ngang, nó sẽ giãn ra và trở nên mỏng hơn. Cuối cùng, nó sẽ nứt gãy, kéo theo sự hình thành của một thung lũng tách giãn. Biểu hiện trên mặt đất của quá trình này là hoạt động núi lửa và địa chấn dọc thung lũng. Tách giãn là bước đầu của sự nứt vỡ lục địa và nếu thành công, nó sẽ dẫn tới sự ra đời của một bồn trũng đại dương mới. Một nơi trên Trái Đất từng trải qua quá trình tương tự là Nam Đại Tây Dương, kết quả sự phân tách từ Nam Mỹ và châu Phi cách đây khoảng 138 triệu năm.
Quá trình tách giãn lục địa đòi hỏi lực giãn đủ lớn để làm vỡ thạch quyển. Thung lũng Tách giãn Đông Phi được mô tả là rất dễ tách giãn do áp lực phân bố theo vòng tròn ở lớp phủ bên dưới. Bên dưới đường nứt gãy, sự dâng lên của chùm manti khiến thạch quyển phồng lên và yếu đi.
Các vết nứt không hình thành cùng lúc mà theo trình tự bắt đầu từ vùng Afar ở phía bắc Ethiopia khoảng 30 năm trước và lan rộng theo hướng nam về phía Zimbabwe với tốc độ 2,5-5 cm mỗi năm. Dù phần lớn quá trình tách giãn rất khó nhận thấy với tất cả chúng ta, sự hình thành của những vết nứt mới hoặc dịch chuyển quanh vết nứt cũ khi mảng Somali và Nubia tiếp tục tách rời có thể tạo ra động đất.
Phương Hoa