Đầu tháng này, Carol, thành viên nhóm nhạc ảo A-Soul bất ngờ biến mất. Các đơn vị đứng sau nhóm nhạc là ByteDance, Nuverse và công ty quản lý nghệ sĩ YH Entertainment Group. Đại diện nhóm cho biết nguyên nhân Carol dừng hoạt động có liên quan đến tình hình sức khỏe và học tập của người thật phía sau nhân vật ảo này.
Tuy nhiên, việc loại bỏ Carol khiến hàng nghìn người hâm mộ phản ứng. "Thế giới của tôi như vừa sụp đổ. Tôi chưa bao giờ nghĩ điều này sẽ xảy ra", Henry Hu, một sinh viên đại học ở tỉnh Quảng Tây và là fan của Carol, cho biết.
Thần tượng ảo đang là lĩnh vực phát triển nhanh tại Trung Quốc. Những nhân vật này kết hợp giữa AI và người thật đứng sau. Nhiều người hiện chuyển sang hâm mộ thần tượng ảo và chi hàng nghìn nhân dân tệ để ủng hộ. Trong khi đó, các hãng game, mạng video và cửa hàng online cũng đua nhau tạo dựng thần tượng riêng.
A-Soul là một trong những ban nhạc nổi tiếng nhất trên môi trường ảo. Nhóm thu hút hàng triệu người hâm mộ hai năm qua trên Douyin của ByteDance và nền tảng phát video trực tuyến Bilibili.
Việc Carol bị sa thải đồng nghĩa với sự ra đi của một ca sĩ vô danh phía sau đó. Động thái này được đánh giá là đầy bất ngờ với người người hâm mộ, bởi họ luôn nghĩ thần tượng ảo không thể bị xóa bỏ, cùng lắm là thay bằng người khác. Trên Weibo, sự biến mất của Carol và vấn đề của A-Soul trở thành chủ đề được bàn tán nhiều, với những lời lẽ tiêu cực nhắm đến đội ngũ phát triển.
Nhiều người bắt đầu công kích các công ty đã tạo ra A-Soul, như ByteDance, và yêu cầu làm rõ sự việc. Số khác thậm chí gửi đơn tố cáo, cho rằng điều kiện làm việc khắc nghiệt, lương thấp, biểu diễn trong nhiều giờ... có thể là lý do Carol biến mất. Đội ngũ sản xuất A-Soul bác bỏ cáo buộc, nhưng thừa nhận Carol đã biểu diễn đến nửa đêm trong hai buổi gần nhất trước khi nghỉ việc.
Vấn đề của ngành công nghiệp tỷ USD
Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường iiMedia Research, ngành công nghiệp thần tượng ảo của Trung Quốc trị giá 107,5 tỷ nhân dân tệ (16 tỷ USD) vào 2021 và dự kiến tăng gấp ba lần vào năm 2023.
Đây là mô hình kết hợp công nghệ và giải trí, bằng cách dùng người thật để hát hay livestream, nhưng không lộ diện mà thông qua avatar hoạt hình. Theo công ty quản lý tài sản Cinda Securities, mô hình này thường rẻ hơn nhiều so với việc biến một người thật thành ngôi sao.
Trong trường hợp của A-Soul, những người biểu diễn sau các thần tượng ảo chỉ nhận thu nhập cố định hàng tháng kèm một phần tiền thưởng hoặc % doanh thu của một chương trình phát sóng trực tiếp.
Han, 26 tuổi, sống tại tỉnh Hắc Long Giang và hâm mộ A-Soul, nói đã chi 300 nhân dân tệ (một triệu đồng) để ủng hộ nhóm mỗi lần livestream. "Tôi không coi họ khác với những thần tượng là người thật, vì cả hai đều mang lại hạnh phúc theo những cách nhất định", cô nói.
Hu, một người hâm mộ ở Quảng Tây, cho biết đã bỏ ra hơn 10.000 nhân dân tệ (34 triệu đồng) để ủng hộ Carol trong các buổi biểu diễn hoặc mua hàng hóa do Carol bán.
Sự cuồng nhiệt của người hâm mộ đã giúp ca khúc Quiet của A-Soul thu hút hơn 200 triệu lượt xem trên Douyin vào tháng 12 năm ngoái. MV đầu tiên của nhóm cũng có hơn 5,3 triệu lượt xem trên Bilibili.
Sự biến mất của Carol khiến người ủng hộ hụt hẫng và hoài nghi rằng đến một ngày, những thần tượng ảo khác cũng ra đi theo cách tương tự. "Những tranh cãi về A-Soul phơi bày vấn đề của lĩnh vực thần tượng ảo, xét cho cùng vẫn dựa vào người thực để vận hành", Zhang Yi, CEO của iiMedia Research, nhận xét. "Những sự cố thế này sẽ còn tiếp diễn. Một số công ty sẽ mắc sai lầm khi hoạt động, khi lĩnh vực thần tượng ảo ngày càng nóng lên".
Tuy vậy, giới chuyên gia cho rằng còn quá sớm để nói về thất bại. Thực tế, lĩnh vực thần tượng ảo đang thu hút sự chú ý và cũng có nhiều công ty đứng đầu như Tencent, Baidu hay Alibaba tham gia. Các cơ quan quản lý Trung Quốc cũng có động thái khuyến khích. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 được đưa ra đầu năm nay, Bắc Kinh yêu cầu Cục Quản lý phát thanh và truyền hình Trung Quốc thúc đẩy việc sử dụng người ảo nhiều hơn trong tương lai.
Bảo Lâm (theo SCMP)