Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh liệt sĩ, ca sĩ Thái Bảo đăng lại video bài hát chị từng thể hiện thành công cùng dòng chú thích: ''Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức một thời hoa lửa vẫn ùa về''. Dịp này, nhiều người cũng chia sẻ bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến như một cách tri ân các thế hệ hy sinh vì Tổ quốc.
Nhạc sĩ sáng tác ca khúc khoảng năm 1981, sau vài năm tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Trong một chuyến thực tế về Tiền Hải (Thái Bình), khi lang thang ven biển, nhạc sĩ chợt thấy các vết nạng tròn trên cát, bên cạnh là những vệt dài của chiếc chân còn lại. Hỏi thăm mọi người, ông biết được đó là dấu chân của một người lính bị thương tật do chiến tranh, hàng ngày đều đến trường dạy nhạc cho trẻ em. Ông đã đưa hình ảnh này vào câu hát: ''Anh thương binh vẫn đến trường làng. Vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương''.
Ca khúc mang ý nghĩa tri ân những người lính đã hy sinh hoặc trở về nhưng chịu di chứng, thương tật suốt đời. Dù không còn lành lặn, anh thương binh vẫn nỗ lực mang đến giá trị tốt đẹp cho xã hội, truyền cảm hứng sống, tinh thần lạc quan. Tác phẩm sử dụng ca từ gần gũi, khắc họa đất nước qua hình tượng ''ngọn núi'', ''đồng lúa'', ''câu hò''. Nơi đây, ''người lính đã hy sinh âm thầm'', giành lại hòa bình để thế hệ sau có ''những gót chân son vui quanh dấu chân tròn''.
Vết chân tròn trên cát từng được nhiều nghệ sĩ thể hiện như Trung Đức, Tấn Minh, Vũ Thắng Lợi nhưng gắn liền tiếng hát của Nghệ sĩ Nhân dân Thái Bảo. Năm 2021, trong chương trình Ký ức vui vẻ năm, Thái Bảo từng nhắc kỷ niệm khi đang học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, chị được cử đi biểu diễn ở biên giới phía Bắc với hành trang là một cây đàn guitar gỗ. Không sân khấu, ánh đèn, thậm chí thiếu micro, tiếng hát của Thái Bảo vẫn vang vọng, là nguồn động viên tinh thần lớn cho các chiến sĩ.
Một đêm trời mưa, diễn xong, Thái Bảo trở về nơi nghỉ ngơi. Gần sáng, chị nghe thấy tiếng gõ cửa kéo dài. Bước ra, Thái Bảo ngạc nhiên khi thấy các anh bộ đội đang xếp hàng dài. Một người trong số đó tiến đến, nói đi bộ 30 km chỉ để xin được nghe chị thể hiện lại ca khúc. Nghe vậy, nghệ sĩ không chần chừ, mang đàn guitar ra và hát tặng họ.
Kết thúc phần biểu diễn, người lính ngỏ lời nhờ Thái Bảo ghi lại bài hát. Nghệ sĩ lấy bút, mượn lưng của anh bộ đội để kê giấy. Cầm trên tay bản chép lời của Thái Bảo, họ đứng nghiêm, chào nghệ sĩ theo hiệu lệnh quân đội, sau đó rời đi. "Tôi nhìn theo các anh mà cứ khóc, không biết nói gì hơn'', Thái Bảo kể.
Thái Bảo chọn cách kết bài khác cấu trúc ban đầu của nhạc sĩ Trần Tiến. Chị không dừng ở câu ''Ôi bài ca cuộc đời, cháy mãi trong tôi, đốt mãi trong tôi'' mà xin phép tác giả quay lại đoạn giữa: ''Bài hát có trận đấu không quên bên đồi. Bài hát có người lính biên cương thương mẹ. Bài hát có ngọn gió cuốn bay theo dấu chân tròn. Để lại một bài ca trên cát trắng bao la''. Nghệ sĩ cho biết muốn tạo dấu ấn riêng nhưng vẫn giữ đúng ý đồ tác giả, nhấn mạnh hình ảnh dấu chân người thương binh trên cát như những nốt nhạc làm nên bài ca cuộc đời.
Nhạc sĩ Trần Tiến, 77 tuổi, là em trai của Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu. Năm 16 tuổi, nhạc sĩ làm hậu đài Đoàn ca múa Hà Nội. Sau một năm tự học, ông trở thành ca sĩ của đoàn. Giai đoạn 1971-1978, ông theo học Nhạc viện Hà Nội, tốt nghiệp bằng thanh nhạc và sáng tác giao hưởng. Năm 1992, nhạc sĩ mở trường dạy nhạc miễn phí cho trẻ em mồ côi và có hoàn cảnh khó khăn tại TP HCM, hoạt động trong bảy năm.
Phong cách sáng tác của ông thay đổi theo từng thời kỳ, lúc thể hiện tinh thần yêu nước (Giai điệu Tổ quốc, Vết chân tròn trên cát), khi cổ động cho tinh thần đổi mới (Rock đồng hồ, Trần trụi 87) hay dân gian đương đại (Tùy hứng lý ngựa ô, Ngẫu hứng sông Hồng). Ở tuổi 77, ông ra mắt kênh nhạc riêng trên một số nền tảng trực tuyến, chuẩn bị in sách, làm chương trình du ca.
Phương Linh