Sáng 14/5, tại lễ bế mạc Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc (Vesak 2019) ở chùa Tam Chúc (Hà Nam), các đại biểu đã thống nhất ra tuyên bố Hà Nam.
Bản tuyên bố do Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trình bày gồm chín điểm, nhấn mạnh các thông điệp về hòa bình, xã hội bền vững dựa trên lời dạy từ bi, trí tuệ của Đức Phật.
Vesak 2019 đưa ra sáu cam kết chung, nêu rõ sẽ "chia sẻ trách nhiệm mạnh mẽ hơn nữa nhằm ủng hộ, xây dựng, duy trì và phát triển bền vững trong bối cảnh khủng hoảng xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa ngày càng sâu sắc và phức tạp".
Phật giáo sẽ tích cực "nhập thế", hướng tới các hoạt động toàn cầu và tham gia tích cực hơn vào các tổ chức quốc tế. Cách tiếp cận của Phật giáo được coi như "mô hình toàn mãn nhằm đạt được lý tưởng hòa bình và hiểu rõ các giá trị phổ quát của nhân loại".
Các đại biểu đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ coi giáo pháp của Đức Phật như sự hướng dẫn tinh thần cho nền quản trị toàn cầu, "là giải pháp khả thi cho sự thịnh vượng, phát triển và tiến bộ của nhân loại trong tinh thần duyên sinh". Vesak 2019 đồng thời "thừa nhận sự vĩ đại của Phật giáo trong thời hiện đại".
Tuyên bố Hà Nam còn thể hiện quyết tâm mở rộng ý tưởng tâm từ bi, hành động thiện lành và giúp đỡ những người ngoài cộng đồng Phật giáo mà không có bất kỳ sự phân biệt nào; đề cao ý tưởng "nếu cá nhân chúng ta không làm thì ai sẽ làm đây?". Phật giáo sẽ tích cực hợp tác với các cơ quan quốc tế nhằm đạt mục tiêu "chuyển hóa khổ đau". Năm điều đạo đức của Phật giáo sẽ được truyền bá rộng rãi hơn nữa.
Các đại biểu Vesak kêu gọi nhà lãnh đạo thế giới cần chống lại mô hình cũ "kẻ mạnh hiếp kẻ yếu" bằng giải pháp đối thoại, phi bạo lực, đề cao khái niệm từ bi, trí tuệ giải quyết tranh chấp, xung đột.
Vesak thừa nhận cấu trúc gia đình và hệ thống xã hội đang biến đổi và sẽ thúc đẩy nguyên lý Phật giáo về hòa hợp để giải quyết vấn đề này.
Lãnh đạo Phật giáo thế giới kêu gọi các trường học trên toàn thế giới từ mẫu giáo đến phổ thông trung học đưa năm điều đạo đức Phật giáo vào giảng dạy như một phần của chương trình học chính quy. Việc này nhằm đề cao lối sống tích cực, khỏe mạnh, hạnh phúc, có đạo đức, gia đình hòa thuận.
Năm điều đạo đức Phật giáo (không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không say nghiện) cũng sẽ được thúc đẩy trong hệ thống tư pháp để giáo dục nhân phẩm và tái hòa nhập cộng đồng cho những người từng bị giam giữ vì vi phạm pháp luật.
Vesak khẳng định sẽ "tuyên truyền khái niệm vô thường, vô ngã của Phật giáo trong nền giáo dục toàn cầu nhằm kiểm soát và chuyển hóa sự tham lam, giận dữ và vô minh, vì thế giới tốt đẹp hơn".
Các tín đồ Phật giáo được khuyến khích tận dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo để nghiên cứu, thực hành phật pháp.
Để bảo vệ môi trường, hạn chế khai thác tài nguyên, Vesak kêu gọi truyền bá rộng rãi câu chuyện cuộc đời Đức Phật là người dành phần lớn cuộc đời sống hài hòa với thiên nhiên. Lãnh đạo Phật giáo đề cao việc dùng thực phẩm khác thay vì lệ thuộc vào nguồn đạm từ động vật.
Các đại biểu nhất trí đề nghị Liên Hợp Quốc đưa nội dung của Tuyên bố Hà Nam vào chương trình Mục tiêu phát triển bền vững. "Chúng tôi tuyên bố rằng đạo đức Phật giáo có giá trị văn hóa nhằm đóng góp vào sự phát triển của xã hội từ bi hơn và có khả năng góp phần xây dựng hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội bền vững, công bằng và nhân bản một cách nền tảng", Tuyên bố nêu.
Lãnh đạo Phật giáo thế giới đồng thời yêu cầu các nhà lãnh đạo thế giới cộng tác thiết thực hơn nữa để "phát triển các hệ thống có khả năng khuyến khích đạt được các tiềm năng từ bi cũng như xã hội, kinh tế, tạo ra thế giới mà tất cả chúng ta đều muốn sống".
Chính phủ các nước, tổ chức dân sự, doanh nghiệp và cá nhân trên thế giới được đề nghị "hãy thực hiện lối sống luân lý và đạo đức trong tinh thần duyên sinh và hướng đến sự hòa giải, ổn định, phát triển bền vững".
Các tổ chức phi chính phủ Phật giáo được khuyến khích mở rộng để cứu trợ thiên tai, tương trợ an sinh xã hội và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.