Với 5 tầng kiên cố được xây dựng trên sà lan, nhà tù nổi Vernon C. Bain Center được trang bị đầy đủ trạm y tế, nhà nguyện, thư viện pháp luật, phòng giải trí, và thậm chí là sân bóng rổ được quây kín. Phạm nhân tại đây bị giam giữ theo mức độ an ninh từ trung bình tới tối đa, phân bố trong 16 khu nhà và 100 buồng giam.
Từ trong phòng, phạm nhân có thể nhìn ra ngoài qua ô cửa sổ bé tới mức gần như không tồn tại. Theo một phạm nhân từng "vinh dự" được sống tại Bain Center, trên sà lan nóng cực độ, tối tăm và chật chội.
Dù thế nào đi nữa, Bain Center là sà lan nhà tù duy nhất đang được thành phố New York khai thác và cũng là nhà tù nổi duy nhất của Mỹ. Kiến trúc này từng được tổ chức kỷ lục Guinness công nhận là sà lan nhà tù còn hoạt động có kích thước lớn nhất thế giới vào năm 2014 với chiều dài 190 m. Để vận hành nhà tù, thành phố New York phải thuê 317 nhân viên, chi phí gần 24 triệu USD mỗi năm.
Từ khi đi vào hoạt động tới nay, nhân viên sà lan tù Bain Center vẫn lần lượt để xảy ra bốn vụ vượt ngục nhân lúc không bị chú ý. Cả bốn phạm nhân sau đó đều bị bắt lại.
Nguồn gốc xây dựng sà lan nhà tù Bain Center bắt nguồn từ việc vào thập niên 1980 nhà tù trên đảo Rikers (nhà tù chính của thành phố New York) phải "chạy gần hết công suất" với 22.000 phạm nhân mỗi ngày do đại dịch ma túy. Chính quyền thành phố khi ấy có sáng kiến xây "nhà tù nổi" khẩn cấp để xử lý số lượng phạm nhân đang có xu hướng tăng thêm, đồng thời tránh gặp phải sự phản đối khi phát triển thêm nhà tù tại những vùng có mật độ dân số cao trên đất liền.
Năm 1988, thành phố New York chuyển đổi mục đích sử dụng của hai con tàu vốn dùng chuyên chở binh lính Anh để làm hai nhà tù nổi đầu tiên (hai con tàu này sau đó bị bán vào năm 1994). Tới năm 1989, New York tiếp tục đặt thi công sà lan tù Vernon C. Bain Center với chi phí dự kiến 125,7 triệu USD, hoàn thiện sau một năm.
Sau khi dự án chậm tiến độ 18 tháng với chi phí phát sinh 35 triệu USD, chiếc sà lan nhà tù cuối cùng cũng được bàn giao tới thành phố New York vào ngày 26/1/1992. Tên của chiếc sà lan được đặt tên theo vị quản giáo được nhiều người quý mến thiệt mạng trong vụ tai nạn giao thông.
Tới tháng 8/1995, sà lan nhà tù Bain Center tạm thời bị đóng cửa để tiết kiệm chi phí vì số lượng tù nhân trong trại giam thành phố đã giảm (do số vụ bắt giữ và di lý tù nhân giảm). Nhưng sau hơn ba năm, Bain Center được mở cửa trở lại và chuyển sang giam giữ trẻ đối tượng là trẻ vị thành niên. Sau một lần chuyển đổi mục đích sử dụng nữa, nhà tù nổi này tới nay được dùng làm trại tạm giam.
Ngày nay, khi số phạm nhân mỗi ngày của thành phố New York giảm mạnh so với ban đầu và chỉ còn khoảng 7.000 người, sà lan tù Bain Center đang có nguy cơ bị đóng cửa như là một phần trong kế hoạch cải cách hệ thống tư pháp hình sự với nhà tù nhân đạo hơn, ít phạm nhân hơn của chính quyền thành phố. Nếu Hội đồng thành phố cùng nhất trí, nhà tù nổi duy nhất ở Mỹ sẽ ngưng hoạt động vào năm 2026, sau 34 năm tồn tại.
Dù thành phố New York có phát triển thế nào đi chăng nữa, quy hoạch tương lai tại đây không có chỗ cho một nhà tù chiếm dụng diện tích mặt nước quý giá. Theo Rafael Salamanca Jr, thành viên hội đồng quận Bronx của thành phố New York, nguồn đất nơi đây nên được dùng để tạo ra việc làm hoặc xây dựng không gian xanh để người dân thưởng ngoạn cảnh dòng sông Đông.
Quốc Đạt (Theo The New York Times)