Mỹ cuối tuần qua cấp giấy phép cho Chevron, tập đoàn năng lượng đa quốc gia có trụ sở tại California, nối lại một số hoạt động trong ngành dầu khí ở Venezuela. Trong cuộc họp báo ngày 30/11, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro gọi đây là bước đi "đúng hướng".
Nhưng hành động này "không đủ với những gì Venezuela yêu cầu, đó là dỡ bỏ hoàn toàn" các biện pháp trừng phạt ngành dầu khí, ông nói tiếp.
Động thái nới lỏng của Mỹ ngày 27/11 diễn ra sau khi chính phủ của ông Maduro ký thỏa thuận với phe đối lập, quyết định nối lại đàm phán về khủng hoảng kinh tế và chính trị đang diễn ra tại đất nước, cũng như cuộc tổng tuyển cử năm 2024.
Thỏa thuận được ký ở Mexico, mở đường cho Liên Hợp Quốc giám sát một quỹ ủy thác trị giá 3 tỷ USD của Venezuela đang bị đóng băng. Số tiền này sẽ được sử dụng vào các dự án xã hội tại Venezuela, bao gồm các chương trình giáo dục, y tế, an ninh, lương thực, ứng phó lũ lụt và cung cấp điện.
Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố hiệp định này đánh dấu "những bước đi quan trọng và đúng hướng để khôi phục nền dân chủ" ở Venezuela, sau khi công bố giấy phép thời hạn 6 tháng cho Chevron. Việc nới lỏng hạn chế hoạt động của Chevron tại Venezuela, nơi có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, sẽ cho phép quốc gia này tiến đến tái gia nhập thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Chevron, công ty dầu duy nhất của Mỹ còn hoạt động tại Venezuela, là một phần của liên doanh với công ty dầu khí quốc doanh Venezuela (PDVSA). Theo giấy phép mới của Bộ Tài chính Mỹ, Chevron được phép tiếp tục sản xuất dầu nhưng chỉ có thể xuất sang Mỹ. Toàn bộ lợi nhuận dùng để trả cho các chủ nợ của Venezuela ở Mỹ.
Các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Venezuela được thúc đẩy từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra gây áp lực lên nguồn cung năng lượng toàn cầu.
"Ý tưởng loại bỏ Venezuela khỏi vòng tuần hoàn kinh tế thế giới là ý tưởng tồi tệ, cực đoan mà ông Donald Trump đề ra. Họ đang phải trả giá cho điều này, bởi Venezuela là một phần của hệ thống năng lượng toàn cầu", ông Maduro nói. "Dù thế nào chăng nữa, chúng tôi phải ở đó, chúng tôi là cường quốc dầu mỏ và sẽ trở thành cường quốc khí đốt".Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, việc nới lỏng chỉ đem lại tác động "hạn chế" với thị trường quốc tế do năng lực sản xuất nhỏ.
Liên doanh giữa Chevron và PDVSA "có thể tăng sản lượng trong 6 tháng khoảng 50.000-60.000 thùng dầu/ngày lên 100.000 thùng/ngày", Francisco Monaldi, giám đốc chương trình Năng lượng Mỹ Latin tại Đại học Rice, Texas, nói.
"Nhưng sau đó Chevron sẽ phải đầu tư để đạt công suất tối đa là 220.000 thùng/ngày và sẽ mất khoảng hai năm", ông nhận định, nói thêm khôi phục sản xuất giữa liên doanh Chevron và PDVSA là "quan trọng" với Venezuela, nhưng "không đáng kể đối với thế giới".
Theo OPEC, sản lượng dầu của Venezuela hai thập kỷ trước là 3,2 triệu thùng/ngày, nhưng năm nay ở mức 700.000 thùng/ngày.
Quan hệ Mỹ - Venezuela nhiều năm căng thẳng sau khi Washington dẫn đầu nhóm gần 60 quốc gia công nhận lãnh đạo đối lập Juan Guaido và áp lệnh trừng phạt với chính quyền Tổng thống Maduro. Lệnh trừng phạt từ năm 2019 của Mỹ đã ngăn các giao dịch dầu thô của Venezuela, vốn chiếm 96% nguồn thu của quốc gia này.
Thỏa thuận ký ở Mexico không đạt được tiến triển trong vấn đề quan trọng là cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Caracas muốn cộng đồng quốc tế công nhận ông Maduro là tổng thống hợp pháp, dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, đặc biệt là lệnh cấm vận dầu mỏ mà Mỹ áp đặt, cũng như lệnh đóng băng tài sản của Venezuela ở nước ngoài.
Sau cuộc bầu cử năm 2018, gần 60 quốc gia, trong đó có Mỹ và các đồng minh, công nhận Juan Guaido, lãnh đạo phe đối lập Venezuela, là quyền tổng thống. Ảnh hưởng của Guaido suy yếu trong những năm gần đây khi mất đi những đồng minh quan trọng ở trong nước và khu vực, nơi nhiều quốc gia đã bầu ra tổng thống cánh tả.
Hồng Hạnh (Theo AFP)