Những tranh luận giữa Vedan và nông dân 3 tỉnh thành Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM, suốt thời gian qua đã buộc Bộ Tài nguyên môi trường phải tổ chức cuộc họp các bên sáng 11/5 ở TP HCM. Song vấn đề tranh cãi vẫn xoay quanh cách gọi hỗ trợ hay đền bù thiệt hại.
"Phải phân biệt rõ ràng thế nào là hỗ trợ, thế nào là đền bù. Đền bù thiệt hại dành cho đối tượng nuôi trồng thủy sản vì họ không kinh doanh được do nước ô nhiễm; còn hỗ trợ cho những ngư dân chuyên sống trên sông nước", ông Trần Ngọc Thới, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vũng Tàu xác định.
Ông Thới cũng lưu ý, để đưa ra mức hỗ trợ hay đền bù thì phải xác định tỷ lệ gây ô nhiễm của Vedan cụ thể là bao nhiêu, vì trên lưu vực sông Thị Vải không chỉ có Vedan gây ô nhiễm.
Vụ nông dân kiện Vedan chưa đi đến hồi kết. Ảnh do Cục cảnh sát môi trường cung cấp |
Đồng tình với quan điểm trên, trước đây lãnh đạo Hội nông dân các tỉnh Đồng Nai, TPHCM và Bà Rịa Vũng Tàu đã chính thức khước từ mức hỗ trợ 25 tỷ đồng. Khoản này được Vedan dự trù chia cho Đồng Nai - TP HCM mỗi nơi 7 tỷ đồng, Bà Rịa Vũng Tàu 6 tỷ đồng, còn lại làm phúc lợi.
"Hiện chúng tôi đã nhận được thống kê thiệt hại của người dân huyện Cần Giờ lên đến 325 tỷ đồng, đang cho rà soát lại cụ thể từng trường hợp", ông Nguyễn Văn Phụng, Phó chủ tịch Hội nông dân TP HCM trao đổi với VnExpress.net. Sắp tới, Vedan và lãnh đạo 3 tỉnh sẽ tiếp tục bàn bạc để đưa ra con số cuối cùng cho vấn đề này.
Về phía Vedan, công ty này một mực giữ nguyên lập trường chỉ hỗ trợ chứ "yêu cầu bồi thường là không có chứng cứ".
Trong văn bản gửi Bộ Tài nguyên môi trường, ông Yang Kun Hsiang, Tổng giám đốc Vedan cho rằng, trong số 894 đơn thư khiếu nại của nông dân mà công ty nhận được, phần lớn số hộ kinh doanh đã nghỉ từ năm 1998 vẫn nộp đơn yêu cầu đòi bồi thường. Về thiệt hại, cơ sở để đánh giá như chi phí đầu tư, thu nhập thì hầu hết là do nông dân tự khai, không số liệu cụ thể và chủ yếu do phỏng đoán.
Thêm nữa, Công ty Vedan cũng "bất ngờ" khi có đến hàng nghìn đơn của nông dân khởi kiện. Theo lãnh đạo Vedan, điều này dẫn đến số liệu trong đơn thư trên là không có cơ sở, kê khống thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng rồi gây áp lực bồi thường với Vedan.
Trước những tranh cãi liên miên, đại diện Bộ Tài nguyên cho rằng không nên phân biệt giữa hỗ trợ hay thiệt hại mà điều quan trọng là hai bên phải ngồi lại với nhau. "Các bên nên thỏa thuận để đạt kết quả tốt nhất", ông Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ tài nguyên môi trường nói.
Theo quan điểm của ông Nguyên, nguyên tắc ai gây ra ô nhiễm thì phải khắc phục hậu quả. Trong trường hợp này, nông dân và Vedan nên thỏa thuận, kéo nhau ra tòa chỉ phức tạp cho cả hai bên.
Hiện, Công ty Vedan đã nộp khoản tiền phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường trên 267 triệu đồng, đồng thời đã nộp phí truy thu bảo vệ môi trường trốn nộp là gần 80 tỷ đồng. Số còn lại gần 48 tỷ đồng sẽ được nộp vào quý 3 và 4 năm 2009 như đã cam kết trước đó.
Hiện Vedan đã tạm dừng hoạt động của 4 nhà máy, giảm công suất của các nhà máy khác chỉ còn 67% để khắc phục ô nhiễm. Công ty cũng tháo bỏ toàn bộ các tuyến ống ngầm trên 2.200 m, 4 máy bơm và 3 đường ống cắm sâu xuống sông Thị Vải khoảng 10 m. Đầu tháng 9/2008, Công ty bột ngọt Vedan bị bắt quả tang xả nước thải không qua xử lý, thẳng ra sông Thị Vải với lưu lượng 44.800 m3 mỗi tháng. Tình trạng xả thải xuống sông Thị Vải kéo dài từ năm 1994 đến năm ngoái mới bị phát hiện. |
Kiên Cường