Ông Phạm Khôi Nguyên. Ảnh: Tiến Dũng |
Ba ngày sau khi vụ công ty Vedan xả chất thải xuống sông Thị Vải được đưa ra công luận, Bộ Tài nguyên Môi trường đã có cuộc họp báo bất thường. Hơn 50 phóng viên quây kín phòng họp.
- Hiện, ông có thể nói gì về những sai phạm của Vedan?
- Vi phạm của Vedan là nghiêm trọng, tinh vi và kéo dài nhiều năm nay, nếu bằng nghiệp vụ thanh tra môi trường thì không thể bắt quả tang. Từ năm 2005 tôi đã vào kiểm tra tình trạng ô nhiễm tại khu vực sông Thị Vải và dự đoán công ty này có hệ thống xả nước thải ngầm, nhưng sau đó không phát hiện được.
Sau nhiều tháng điều tra, Cục cảnh sát môi trường và chúng tôi mới bắt quả tang việc xả chất thải của Vedan. Trung bình mỗi tháng họ xả 45.000 m3 dịch thải sau khi lên men xuống sông Thị Vải. Trong khi, để xử lý 1m3 dịch thải đậm đặc phải tốn kinh phí đầu tư gần chục triệu đồng. Việc xả chất thải của Vedan là một trong những nguyên nhân chính khiến Thị Vải trở thành dòng sông chết, ảnh hưởng sức khỏe người dân.
Sơ đồ nhà máy Vedan và khu xả thải xuống sông Thị Vải. Ảnh do Cục cảnh sát môi trường cung cấp. |
- Với những sai phạm trên, Vedan sẽ bị xử lý như thế nào?
- Thủ tướng đã gọi điện thoại cho tôi chỉ đạo là nếu đủ căn cứ pháp luật có thể khởi tố, tạm đóng cửa nhà máy. Hồ sơ vụ việc đang được hoàn thiện nhưng theo phía công an đã đủ cơ sở khởi tố, vấn đề còn lại là thủ tục pháp lý. Chúng tôi cũng sẽ có văn bản đề nghị Chủ tịch tỉnh Đồng Nai đóng cửa nhà máy Vedan để kiểm tra toàn bộ hệ thống và nhà máy đề xuất các phương án khắc phục.
- Vậy, phản ứng của phía Vedan thế nào, thưa ông?
- Phía Vedan hiện chưa có phản ứng gì. Theo tôi biết, lãnh đạo của họ ở Đài Loan đang họp bàn giải quyết vụ việc. Qua vụ việc này chúng tôi muốn gửi thông điệp là những doanh nghiệp nước ngoài không thể mang công nghệ lạc hậu, chất thải vào Việt Nam. Họ cũng không thể "ăn không" chi phí môi trường, gây tổn hại sức khỏe người dân.
- Những dấu hiệu sai phạm của Vedan đã được người dân phản ánh và bản thân ông cũng cảm nhận điều đó khi thị sát tại sông Thị Vải. Vậy trách nhiệm của Bộ và Sở Tài nguyên môi trường Đồng Nai như thế nào khi để sai phạm kéo dài?
- Những nhà máy sản xuất mặt hàng như Vedan tại nhiều nước thường phải chi 15-20% vốn đầu tư để làm công trình xử lý môi trường. Khi tôi làm việc với Tổng giám đốc Vedan, ông ta cho biết công ty chỉ dành 1,5% vốn đầu tư cho xử lý môi trường. Tôi đã khuyến cáo và họ hứa sẽ cải thiện, nhưng liên tục bị xử lý sai phạm. Họ liên tục xin gặp tôi nhưng 5 năm qua tôi từ chối tiếp.
Sau khi xử lý xong Vedan, chúng tôi sẽ họp rút kinh nghiệm, rà lại các văn bản quy phạm pháp luật, làm rõ trách nhiệm. Tôi biết một số bộ phận đang tìm cách trốn tránh trách nhiệm.
- Không chỉ khu vực sông Thị Vải mà nhiều khu công nghiệp đang bị ô nhiễm. Ông nghĩ gì trước ý kiến có sự "bắt tay" giữa cơ quan chức năng địa phương và doanh nghiệp?
- Hiện nay trong hơn 100 khu công nghiệp, có đến 80% đang vi phạm các quy định về môi trường. Dọc sông Thị Vải cũng không chỉ có doanh nghiệp Vedan xả chất thải nguy hại. Tôi không rõ có sự bắt tay giữa địa phương và doanh nghiệp hay không, nhưng có xu hướng địa phương chạy theo phát triển kinh tế coi nhẹ tác động môi trường.
Bản thân tôi cũng rất áp lực, nhiều lãnh đạo địa phương gọi điện cho tôi nói rằng phải hạ tiêu chuẩn về môi trường nếu không sẽ không có đầu tư nước ngoài. Nhưng cho đến nay, quan điểm của Chính phủ là không chấp nhận cho các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Nước xả từ nhà máy xuống sông Thị Vải. Ảnh do Cục cảnh sát môi trường cung cấp. |
- Với những bằng chứng về sai phạm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, người dân khu vực sông Thị Vải sẽ được bồi thường thế nào?
- Chúng tôi sẽ làm việc với ngành y tế để đánh giá tác động của nước thải Vedan đưa ra môi trường tới sức khỏe người dân. Người dân hoàn toàn có thể kiện, đòi Vedan bồi thường thiệt hại với những bằng chứng cụ thể. Dự kiến ngày 19/9 chúng tôi sẽ có kết quả phân tích mẫu chất thải đã trưng cầu giám định.
Công ty thực phẩm Vedan, 100% vốn của Đài Loan, xây dựng nhà máy năm 1991 tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, cách TP HCM 75 km. Đến nay, các hạng mục đã đưa vào sản xuất gồm có: nhà máy Xút - Clo, nhà máy bột ngọt, nhà máy tinh bột, nhà máy tinh bột biến đổi, nhà máy lysine... Năm 1994 ngay sau khi đi vào hoạt động, công ty đã thải chất gây ô nhiễm môi trường xuống sông Thị Vải làm thủy sản chết hàng loạt. Năm 2005, Vedan đã đồng ý đền bù nông dân nuôi trồng thủy sản Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu 15 tỷ đồng. Sông Thị Vải có chiều dài khoảng 30km, bắt nguồn từ huyện Long Thành (Đồng Nai) chảy qua địa phận Bà Rịa - Vũng Tàu. Lưu vực sông Thị Vải có nhiều khu công nghiệp lớn của Đồng Nai như Nhơn Trạch, Gò Dầu và tiếp nhận lượng nước thải công nghiệp lớn. |
Việt Anh thực hiện