Công văn được ông Chen Ping Huei, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam, ký ngày 17/9.
Theo đó, công ty này sử dụng hai nguồn nước với những mục đích riêng: để làm mát máy móc và phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Mỗi ngày Vedan khai thác 75.000 m3 nước từ sông Thị Vải để làm mát máy móc. Lượng nước này sau đó sẽ được dẫn qua hệ thống mương hở để hạ nhiệt độ trước khi thải ra sông.
Nguồn nước còn lại được lấy về từ đập Phước Thái với lưu lượng 20.000-25.000 m3 một ngày đêm được xử lý và dùng trực tiếp cho sản xuất, sinh hoạt. Theo Vedan, lượng nước thải công nghiệp phát sinh tại các nhà máy trong toàn công ty là 5.159 m3 một ngày. Lượng nước này được thu gom, dẫn qua 3 hệ thống xử lý nước thải hiện hữu của công ty, xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Miệng ống xả thải chưa qua xử lý tại cầu cảng của công ty Vedan đang xả thải. Ảnh: Cục CSMT. |
Cũng trong báo cáo của mình, Vedan khẳng định đã chấp hành việc xây dựng các hệ thống xử lý nước thải cũng như nộp phí môi trường. Từ 1993 đến nay, Vedan đã xây dựng 3 hệ thống xử lý nước thải có tổng số vốn đầu tư 3,5 triệu USD với công suất thiết kế đủ đảm bảo việc xử lý khối lượng nước thải của toàn bộ nhà máy. Công ty này còn dự kiến đưa vào sử dụng một hệ thống xử lý nước thải mới trị giá 500.000 USD vào cuối năm nay.
Ngoài ra, từ năm 2004 đến quý II năm nay, Vedan đã nộp hơn một tỷ đồng phí bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, Vedan thừa nhận việc lắp đặt thiết bị tự động quan trắc chất lượng nước thải và nguồn nước tiếp nhận theo yêu cầu Giấy phép xả nước thải (do Bộ Tài nguyên Môi trường cấp tháng 4/2008) chưa được công ty này thực hiện. Biện pháp thay thế của Vedan trong thời gian chưa lắp đặt các thiết bị này là cử cán bộ chuyên môn hàng ngày lấy mẫu phân tích tại các vị trí yêu cầu quan trắc để phân tích, đánh giá các chỉ tiêu ô nhiễm.
Theo công ty Vedan, họ vẫn đang phối hợp với đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên Môi trường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trên lưu vực sông Thị Vải thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai để làm rõ các vấn đề liên quan.
Sáng nay, VnExpress.net cũng đã có buổi tiếp xúc trực tiếp với ông Ko Chung Chih, Giám đốc phụ trách hành chính Vedan. Ông này từ chối trả lời tất cả vấn đề liên quan đến sai phạm xử lý nước thải vì không thuộc trách nhiệm, nhưng khẳng định: "Sông Thị Vải không chỉ có Vedan xả chất thải. Như các cơ quan chức năng đã kiểm tra, ngoài Vedan, mà còn nhiều khu công nghiệp chưa có hệ thống nước thải. Có thể chúng tôi là công ty lớn nên trở thành công ty mẫu để đưa ra xử lý”.
Ông Ko Chung Chih cho biết thêm, thông tin về sai phạm của Vedan cũng ít nhiều ảnh hưởng, nhưng tình hình sản xuất vẫn diễn ra bình thường.
"Giả thuyết Vedan bị ngừng hoạt động, công ty vẫn sẽ thực hiện chính sách lương theo quy định hiện hành. Tuy nhiên mức lương bao nhiêu trong thời gian tạm nghỉ việc thì khả năng của tôi chưa thể trả được trong lúc này”, ông Ko nói.
Trao đổi với VnEpress.net, trong giờ tan ca chiều, một số công nhân Vedan cho biết, những ngày qua, khâu lên men, thay vì nhà máy cho sản xuất với công suất 15 bồn mỗi ngày thì nay chỉ còn 6-7 bồn.
"Có thể họ làm thế để giảm lượng nước bẩn thải ra”, một công nhân khâu lên men nói.
Theo các công nhân bộ phận sản xuất bột nêm, chỉ đến khi báo chí phát hiện và công bố, họ mới biết công ty này đã có những vi phạm trong xử lý nước thải. Tuy nhiên, họ tin rằng công ty Vedan sẽ không đóng cửa vĩnh viễn.
"Vedan là một công ty lớn. Chúng tôi hy vọng công ty nhận ra sai sót của mình xây dựng lại hệ thống nước thải đạt chuẩn để môi trường đừng ô nhiễm và chúng tôi lại có việc làm”, một nữ công nhân cho biết.
Hiện nay Vedan có hơn 2.000 lao động. Theo một nhân viên văn phòng, lương khởi điểm của một công nhân là 1.350.000 đồng, sau 1 năm trung bình là 1,7-1,8 triệu đồng một tháng.
Trước đó, Đoàn kiểm tra của Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) và Bộ Tài nguyên môi trường đã đưa ra những bằng chứng về hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của Vedan. Trung bình mỗi tháng Vedan xả 45.000 m3 dịch thải sau khi lên men xuống sông Thị Vải, chưa kể hơn 5.000 m3 xả trực tiếp ra sông mỗi ngày chưa qua xử lý.
Đại tá Lương Minh Thảo, Cục phó Cảnh sát môi trường cho biết, hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn (mà Vedan công bố) được xây dựng song song với hệ thống xả trộm nhưng chủ yếu hoạt động cầm chừng để ngụy trang và đối phó với đoàn kiểm tra. Chất thải được xả ra vào ban đêm, thường 8-12h tối, qua các cống ngầm sâu 7-8 m dưới lòng sông.
Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Phạm Khôi Nguyên nhận định, những vi phạm của Vedan là nghiêm trọng, tinh vi và kéo dài nhiều năm nay, nếu bằng nghiệp vụ thanh tra môi trường thì không thể bắt quả tang.
Nguyễn Hưng - Như Trang - Thiên Chương