Theo Space Weather, sự kiện nhật thực hôm 29/6 kéo dài khoảng 35 phút và chỉ có thể quan sát thấy từ không gian bằng Đài quan sát Động lực học Mặt Trời (SDO). Vào thời điểm cực đại, Mặt Trăng che phủ 67% Mặt Trời.
Ảnh chụp từ SDO có độ phân giải cao đến mức có thể nhìn thấy các ngọn núi hay bề mặt lồi lõm ở rìa Mặt Trăng, thứ được chiếu sáng từ phía sau bởi lửa mặt trời.
SDO được phóng lên vào tháng 2/2010 và là một phần của mạng lưới các vệ tinh nghiên cứu Mặt Trời của NASA và Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA).
Vệ tinh chụp ảnh Mặt Trời sau mỗi 0,75 giây, giúp theo dõi từ trường, khí quyển, vết đen và các khía cạnh khác ảnh hưởng đến hoạt động của ngôi sao trong chu kỳ 11 năm đều đặn.
"SDO nghiên cứu cách Mặt Trời hoạt động và điều khiển thời tiết không gian. Các phép đo của nó về vật chất, khí quyển, từ trường và mức năng lượng của Mặt Trời đều giúp chúng ta hiểu hơn về ngôi sao", NASA nhấn mạnh.
Mặt Trời gần đây hoạt động khá tích cực do đã tiến vào giai đoạn mạnh nhất trong chu kỳ 11 năm của nó - bắt đầu từ năm 2019 và dự kiến đạt cực đại vào năm 2025. Điều này dẫn tới sự gia tăng các tia sáng mặt trời và giải phóng đáng kể plasma cùng với từ trường đi kèm từ vành nhật hoa.
Hôm 21/6, NOAA đã báo cáo phát hiện một vết đen có kích thước lớn gần gấp ba lần Trái Đất trên bề mặt Mặt Trời. Vết đen mang tên AR3038 có khả năng tạo ra lóa mạnh về phía hành tinh của chúng ta, dẫn đến các cơn bão địa từ đe dọa lưới điện và vệ tinh nhân tạo.
Đoàn Dương (Theo Space/Mail)