Đến phút 89, trước khi tắt máy di động, máy bay chuẩn bị cất cánh thì con mới alô cho cậu em Út ra sân bay đón mình. Thế mà, hầu như lần nào cũng vậy, khi xe máy của cậu Út đỗ xệch trước cửa nhà, thắng cái “kít” thì má lật đật chạy ra “Má biết ngay mà! Biết là có đứa về nhưng chưa đoán được đứa mô”.
Hỏi ra mới biết “tại tối hôm qua má nằm chiêm bao thấy có đứa về nên cũng có ý trông từ hồi sáng đến chừ. Mấy bữa giờ ni là ngủ mất rồi nhưng bữa ni ráng thức…”. Lần nào tôi cũng không tin, cứ nghĩ má nói chơi chứ chắc là cậu Út làm lộ bí mật của chị rồi. Vừa quay sang trách, tôi bị Út cự liền và thề thốt đủ thứ. Thế là thật rồi, má nằm chiêm bao thật chứ cậu Út vốn là người kín miệng và rất trọng chữ tín nên mới được chị “chọn mặt gửi vàng” vào những lúc này. Mở cái lồng bàn ra, tôi kinh ngạc và cảm động trước sự linh cảm của một người mẹ vì chỉ theo giấc chiêm bao mà má để phần thức ăn cho tôi thật chu đáo.
![tran-mai-phuoc-anh-2-mot-canh-4630-6904-](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/14/tran-mai-phuoc-anh-2-mot-canh-4630-6904-1423904657.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=WixNt27HEglCSq-ZHlMpSA)
Trong số những lần đó, duy chỉ có một năm là năm ngoái, má không thấy chiêm bao và không đoán được tôi về, có lẽ vì sau trận tai biến nhẹ nên người má cứ quên quên, nhớ nhớ. Buổi chiều, cậu Út dặn: “Má để phần cơm cho con, con đi chơi về trễ đói bụng, nhớ có canh nữa nha má!” rồi chạy xe từ Quảng Nam ra Đà Nẵng đón tôi. Má không hay biết gì, chỉ thắc mắc: “Cái thằng ni có vợ rồi mà tối còn đi chơi chi đến nỗi phải dặn mình để cơm dữ rứa!…”. Về tới nhà, chúng tôi tắt máy xe, dẫn bộ từ ngoài cổng vào. Ba má đang mải mê coi TV, tôi bồng thằng cháu đang ngủ ngay trên tay đặt vào lòng má. Má giật thót mình, ngớ người ra nhìn tôi rồi la lên “Trời đất! Tổ cha bay! Ông ơi, mẹ con con Tám nó về!”… Lần đó vui quá đất quá trời nhưng tôi bị anh chị em xúm vô la tôi “chơi dại” vì má bị yếu tim. Tôi cũng thấy mình dại thật! Má vui nhưng mà run cho đến khi đi ngủ, trong khi trời miền Trung lạnh như cắt. Hú hồn! may là không có chuyện gì xảy ra... Vì thế, đó cũng là năm cuối cùng, tôi không chơi trò này nữa…
![tran-mai-phuoc-anh-1-cac-chau-3192-7392-](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/14/tran-mai-phuoc-anh-1-cac-chau-3192-7392-1423904657.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=urlHX44nPfHRapAEjWnbVA)
Nhà có 9 chị em - một con số vĩ đại mà ngày xưa, chúng tôi không tự tin khai thật khi có ai đó hỏi về số con trong gia đình mình. Thế nhưng, khi lớn lên, chúng tôi lại cảm thấy hạnh phúc và tự hào về con số ấy. Chị em tôi đứa “lên rừng”, đứa “xuống biển” nên chỉ những cái Tết mới có cơ hội gặp nhau. Năm nào cũng thế, những ngày giáp Tết, có lẽ ai cũng thèm được như nhà tôi vì gần như cứ mỗi ngày thì có một lượt người về. Cứ thế, về đến khi nào hết 9 lượt thì má hết trông, mỗi lượt không phải một người mà có khi là cả một gia đình. Vì thế, Tết nhà tôi lúc nào cũng rộn ràng như hội. Năm nào đầy đủ nhất thì quân số lên đến 38 người, vì cứ tính trung bình 9 người con nhân 4 (thêm vợ, chồng và 2 con) là thành 36 rồi.
Thời khắc vui nhất là mừng tuổi ông bà và lì xì cho các cháu vào sáng mùng Một. Chúng tôi hay bày trò lì xì mới lạ, hầu như không năm nào giống năm nào và cũng không giống với nhà ai. Có năm còn quay cả video cảnh lì xì, Tết xong tự đời nào mà mở ra xem vẫn còn cười đau bụng. Không thể nào quên được cảnh em trai tôi đứng trên giường la to “Xin mời các cháu của Trần gia mau mau đến đây chúc Tết rồi nhận quà lì xì. Sau khi nghe lời chúc, cậu sẽ tung chiếc nón này lên. Các cháu tự chụp lấy, tùy vào sự may mắn của mình mà mỗi cháu sẽ nhận được số tiền khác nhau. Mỗi bì có từ 1.000 đồng đến 200.000 đồng, mỗi cháu chỉ được nhận một bì, hàng nhận rồi không được đổi lại. Cháu nào được bì có giá trị cao nhất thì phải hát một bài hoặc kể một câu chuyện mà ai nghe cũng phải cười. Các cháu rõ không?” Tiếng đáp đồng thanh “Dạ rõ” của đám cháu chưa dứt thì cậu nó đã ra hiệu và tung chiếc nón lên, khiến tiền lì xì bay tán loạn…
![tran-mai-phuoc-anh-3-chuan-bi-5036-6375-](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/14/tran-mai-phuoc-anh-3-chuan-bi-5036-6375-1423904658.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=l34aD7azxRBecVlMnWoB_g)
Ngày về vui bao nhiêu thì ngày đi lại buồn bấy nhiêu. Ăn Tết xong, má cứ sụt sùi vì lần lượt từng gia đình nhỏ phải chia tay ba má. Người về Đồng Giàng, Rừng Thành người đi Đắklắk, Sài Gòn, người về tận Cà Mau… rồi hẹn năm sau lại về đoàn tụ.
Dù anh em con mỗi đứa mỗi nơi, cuộc sống đầy nỗi nhọc nhằn, lo toan, phiền muộn nhưng người nào cũng một tâm nguyện “Ngày nào ba má còn có trên đời thì ngày đó mình phải làm cho ba má vui, Tết nào còn có ba má đợi chờ thì Tết đó gia đình mình phải được đoàn viên”. Chuyến đi về dù tốn kém nhưng không hề tính toán. Bởi vì nơi ấy chúng con về còn có mẹ, có ba…
Trần Thị Mai Phước
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Gửi bài dự thi tại đây. |