Sự tái xuất hiện của quần thể ve sầu bị trì hoãn bởi thời tiết lạnh kéo dài hơn bình thường, bởi loài côn trùng ồn ào này chỉ chui lên khỏi mặt đất khi lớp đất ở nhiệt độ 17,8 độ C. Những bức ảnh chụp hôm 16/5 cho thấy ve sầu ở Washington, DC và Alexandria, đang thoát khỏi lớp vỏ bảo vệ chúng trong suốt kỳ ngủ đông.
Cơ thể của ve sầu sẽ mau chóng cứng lại và chuyển thành màu sẫm như hình dáng quen thuộc trước khi chúng bay đi tìm bạn tình. Trong quá trình đó, chúng phát ra tiếng kêu lên tới 100 decibel, ồn ào ngang với âm thanh máy bay phản lực cất cánh. Ve sầu Brood X có màu sắc đặc trưng là vạch sọc màu cam dọc cơ thể và mảng màu cam giữa hai mắt.
Có 15 chủng ve sầu lớn ở các khu vực địa lý khác nhau, với vòng đời 13 - 17 năm. Chúng chui ra từ lòng đất theo hàng đàn, một số năm ghi nhận hàng nghìn tỷ con xuất hiện trong một mùa. Phần lớn ve sầu phân bố ở miền đông và miền trung nước Mỹ.
Năm nay, Brood X sẽ có mặt ở cách bang Connecticut, Ohio, Kentucky, Indiana, Delaware, Georgia, Illinois, Maryland, Michigan, North Carolina, New Jersey, New York, Pennsylvania, Tennessee, Virginia, West Virginia và Washington D.C. Đây là chủng lớn từng xuất hiện ồ ạt vào mùa xuân và đầu mùa hè năm 2004. Một số con ve sầu Brood X đã hiện diện ở Georgia, North Carolina và South Carolina, nơi có nhiệt độ ấm áp hơn. Đợt xuất hiện đồng loạt với số lượng lớn tiếp theo của ve sầu là năm 2024, bao gồm chủng Brood XIII (chu kỳ 17 năm) và Brood XIX (chu kỳ 13 năm).
Nhiệt độ lạnh không giết chết ve sầu, nhưng là tín hiệu cho chúng biết chưa đến lúc rời khỏi nơi ở dưới lòng đất. Khi nhiệt độ giảm, chúng chui vào sâu hơn trong đường hầm. Ve sầu tương đối vô hại nhưng có thể gây phiền toái như va vào kính chắn gió và để lại xác đã lột ở khắp mọi nơi.
Ve sầu có khả năng làm cứng bộ xương ngoài trong khoảng 5 ngày, lột bỏ để bay đi. Ve sầu đực phát ra tiếng kêu để thu hút bạn tình. Sau khi ghép đôi thành công, chúng sẽ giao phối và con cái đẻ trứng trên cây. Nhộng sau đó rơi xuống sất và đào hang để bắt đầu ngủ đông.
An Khang (Theo Mail)