Cháo lòng bánh hỏi có nguồn gốc từ Bình Định và được du nhập lên phố núi Pleiku. Không phải là nơi xuất xứ, cháo lòng bánh hỏi lại được bán nhiều trên các con đường ở thành phố Pleiku, trở thành món ăn sáng bình dị được nhiều người ưa thích.
Bánh hỏi được làm từ gạo như cách làm bún nhưng sợi bánh thanh mảnh hơn. Gạo vo sạch, ngâm qua đêm cho mềm rồi vớt ra đem xay nhuyễn. Cho hỗn hợp bột đã xay vào bao bằng vải sạch, buộc miệng bao lại, lấy phiến đá chằn lên trên để bột nhanh ráo nước. Sau đó, đem hấp bột vừa đủ chín, nhồi bột thật dẻo chia thành từng phần nhỏ. Khuôn làm bánh hỏi là những chiếc ống tròn, bên dưới có đáy, đáy khuôn được khoan thành những lỗ nhỏ li ti. Bánh hỏi có ngon và đẹp mắt hay không phụ thuộc rất nhiều vào chiếc khuôn. Nếu lỗ nhỏ quá, sợi bánh sẽ thanh mảnh, dễ bị đứt gãy, nếu lỗ to quá bánh lại giống sợi bún.
Bột sau khi nhồi được cho vào khuôn và ép xuống cho bột chảy thành từng sợi xuống. Người thợ dùng tay ngắt ra từng đoạn nhỏ, đưa vào nồi hấp cách thủy cho bánh chín, vớt ra và trải trên lá chuối. Một miếng bánh hỏi gồm nhiều sợi bánh kết hợp lại với nhau, kích cỡ của bánh bằng khoảng hai ngón tay người lớn. Khi ăn bánh hỏi, người ta thường thoa lên bánh một ít dầu ăn trộn với lá hẹ xắt nhỏ, làm cho hương vị bánh hỏi rất lạ, kích thích khẩu vị. Khi ăn chỉ cần một chén nước mắm tỏi ớt pha hơi ngọt là đã có bữa ăn sáng ngon miệng.
Ngoài ra, bánh hỏi còn được biến tấu với nhiều nguyên liệu khác như ăn kèm với chả giò, thịt nước, tôm, gà nướng... nhưng lạ miệng và gây tò mò hơn cả là ăn với cháo lòng. Ngồi vào bàn gọi món cháo lòng bánh hỏi, bạn sẽ được phục vụ một đĩa bánh hỏi với lòng heo thái miếng bên trên, bên cạnh là bát cháo nóng hổi cùng chén nước mắm tỏi ớt pha hơi ngọt.
Ngoài bánh hỏi, cháo lòng là một thành phần quan trọng làm nên sự ngon miệng cho món ăn. Đĩa lòng phải có đủ tim, cật, gan, phèo non... Luộc lòng rất đơn giản nhưng để có miếng lòng giòn, ngon ngọt thì phải biết cách. Lòng sau khi làm sạch được cho vào luộc. Khi vừa chín đến, vớt lòng ra và cho ngay vào thau nước đá lạnh. Chính cái lạnh của đá làm cho bề mặt lòng săn lại, miếng lòng trắng và giòn khi ăn.
Lòng được thái thành từng miếng vừa ăn và sắp đều trên đĩa bánh hỏi. Nước luộc lòng dùng để nấu cháo. Bát cháo lòng ăn kèm hơi loãng, bên trong có một ít tiết lợn, được rắc lên một ít hành lá, rau răm và tiêu bột. Trong những buổi sáng se lạnh của phố núi, bước vào quán ăn, gọi bát cháo lòng bánh hỏi và thưởng thức cùng bạn bè thì không còn gì bằng. Món ăn tuy đơn giản, bình dị nhưng lại có sức quyến rũ rất lạ kỳ với những người đã một lần thưởng thức.
Khánh Hòa