Lương Xuân Hà -
eVăn: Sau loạt bài phê bình của Nguyễn Hòa, chúng tôi giới thiệu tiếp bài viết dưới đây của nhà nghiên cứu Lương Xuân Hà (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Aix - Marseille I, Cộng hoà Pháp) về công trình "Văn học Việt Nam thế kỷ 20" (Phan Cự Đệ chủ biên). |
(Đọc công trình "Văn học Việt Nam thế kỷ 20" - những vấn đề lịch sử và lý luận, Phan Cự Đệ chủ biên, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004)
Tôi đọc công trình Văn học Việt Nam thế kỷ 20 - những vấn đề lịch sử và lý luận của nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia đầu ngành từ những trung tâm nghiên cứu văn học uy tín nhất tại Hà Nội (khoa Văn trường Đại học Quốc gia Hà Nội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Viện nghiên cứu Văn học) do Giáo sư Viện sĩ Phan Cự Đệ làm chủ biên trong một niềm hứng khởi, vì nghĩ, sẽ có cơ may được tiếp xúc một sản phẩm nghiên cứu được bảo đảm bằng những tên tuổi và những danh hiệu. Niềm hy vọng của tôi khi cầm trên tay cuốn sách còn được củng cố thêm bởi những lời giới thiệu của nhà xuất bản. Rằng đây là một công trình thuộc loại "sách tham khảo đặc biệt", là "bộ sách tham khảo lớn, có giá trị khoa học và thực tiễn cao, mang ý nghĩa chính trị, văn hoá, giáo dục sâu sắc, được trình bày và in ấn đẹp", nghĩa là một thứ mực thước chuẩn thẳng cho những người làm công tác giảng dạy và sinh viên chuyên ngành văn học ở các cấp. Tôi bị choáng ngợp trước các từ "lớn", "cao", "sâu sắc", và từ một tâm trạng khởi đầu như vậy, tôi trượt dài trong một nỗi thất vọng khi đọc cuốn sách và kết thúc là một sự phẫn nộ. Phẫn nộ bởi cuốn sách, ngoại trừ phần công trình của Giáo sư Trần Đình Sử, là một dẫn chứng sinh động cho sự xuống cấp của hoạt động nghiên cứu khoa học và không cách nào khác, cần phải được định danh là: Một sản phẩm nghiên cứu khoa học "thứ cấp".
Trong một tâm trạng như vậy, tôi đọc bài phê bình "trường thiên" - một hiện tượng phê bình hiếm thấy trong đời sống học thuật không chỉ ở Việt Nam - của Nguyễn Hòa trong một sự đồng tình và kính trọng sâu sắc. Đồng tình với những luận điểm của tác giả, và đồng cảm với tinh thần trách nghiệm với nền khoa học nước nhà.
Đáng lẽ tôi không viết bài này. Tôi muốn chờ đợi câu trả lời của nhóm tác giả công trình. Bởi trừ phi họ là những "người tái thượng" để có thể "khen chê phơi phới ngọn Đông phong" thì với bất cứ nhà khoa học đúng nghĩa nào, họ cũng đều phải có trách nhiệm bảo vệ sản phẩm tinh thần của mình. Đấy cũng là bản lĩnh của kẻ sĩ. Vậy nhưng giữa chừng, khi đọc thư của một độc giả trên eVăn, tôi lo ngại ý kiến của Nguyễn Hoà sẽ bị hiểu theo hướng khác, nên tôi thấy mình phải cầm bút, bổ sung vào những điều Nguyễn Hòa đã nói về tính "thứ cấp" của công trình Văn học Việt Nam thế kỷ 20 - những vấn đề thực tiễn và lý luận. Ngõ hầu định danh, bác bỏ một thứ não trạng mà chừng nào còn tồn tại, nó còn gây tác hại cho sự phát triển của khoa học.
Theo chúng tôi, tính "thứ cấp" của sản phẩm khoa học do ông Phan Cự Đệ làm chủ biên thể hiện ở những điểm như sau:
1. Trước hết, không thể coi đây là một công trình khoa học tập thể bởi lẽ cuốn sách rất thiếu tính thống nhất trong cách đặt vấn đề giữa những người tham gia công trình. Ví dụ, trong khi ở Phần I (Các trào lưu và khuynh hướng văn học thế kỷ 20), chương I (Quá trình hình thành và phát triển của nền văn học Việt Nam hiện đại), Phan Cự Đệ cho rằng: "lấy năm 1900 làm một cái mốc của văn học hiện đại là từ góc nhìn văn học bằng thế kỷ chứ không thể coi là một lát cắt rạch ròi phân biệt hai thời kỳ văn học trung đại và văn học hiện đại", và: "có lẽ văn học Việt Nam hiện đại được hình thành trong khoảng thời gian từ 1920 đến 1930", thì những người cùng thực hiện đề tài với ông vẫn cứ sử dụng những cái khung 1900 - 1930, 1930 - 1945, 1945 - 1954,... của những bộ văn học sử trước đây được viết ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa để viết lịch sử của các thể loại. Điều này chứng tỏ không có tính thống nhất trong cái nhìn lịch sử của những người cùng tham gia viết một công trình văn học sử.
2. Một công trình khoa học muốn được coi là hoàn chỉnh phải thể hiện được hệ thống phương pháp luận, thao tác nghiên cứu và hệ thống khái niệm mà người nghiên cứu sử dụng. Theo cái nhìn sử quan Mácxít thì sự tiến hoá của con người trong việc nhận thức thế giới thể hiện ở khả năng tạo ra những phương pháp và công cụ đặc thù để phục vụ cho công việc đó. Tất cả những người tham gia công trình đều không đạt được điều này. Không một tác giả nào làm công việc giới thuyết về những khái niệm và phương pháp luận chỉ đạo việc nghiên cứu của mình. Điều này thể hiện một trong hai khả năng, hoặc là họ quá cẩu thả trong nghiên cứu hoặc họ làm việc không cần phương pháp và khái niệm, điều này đồng nghĩa với việc trình độ nghiên cứu của họ dừng ở mức độ cảm tính, kinh nghiệm luận (empirique) - bậc thang "nguyên thuỷ" nhất phân của nhận thức khoa học. Và cả hai điều này đều không thể chấp nhận được. Tôi không dám nói đến những nền đại học mà tôi không được biết, nhưng riêng ở Pháp và Mỹ, dù chỉ là tiến hành một bài tiểu luận (mémoire) mà thiếu những điều này thì ngay lập tức, sản phẩm của sinh viên sẽ bị loại, bất cứ kết luận anh ta đưa ra có chính xác đến đâu. Điều này đưa đến một số hệ quả. Tôi chỉ đưa ra một dẫn chứng điển hình. Mặc dù trong Lời nói đầu của cuốn sách, ông chủ biên có trình bày một cách sơ sài rằng những công trình trước đây nghiên cứu văn học bằng những "phương pháp truyền thống" là "xã hội học Mácxít, phản ánh luận Mácxít" và sau này được bổ sung thêm bằng "phong cách học, loại hình học và gần đây là thi pháp học" và công trình của các ông được viết dưới ánh sáng "phong cách học, loại hình học và thi pháp học". Người nghiên cứu nghiêm túc khó có thể chấp nhận cách viết này của ông. Với lối viết như vậy, hàng loạt câu hỏi sẽ được đặt ra. Trước hết nói là công trình được viết dưới ánh sáng của loại hình học, phong cách học và thi pháp học, khác với những công trình trước đây, liệu phải chăng các ông không cần đến "xã hội học Mácxít, phản ánh luận Mácxít" nữa? Bởi trên thực tế những điều này không hề đối lập nhau. Công trình của M. Bakhtine hay L. Goldmann là những ví dụ. Những công trình chính của cả hai ông này đều là thi pháp học và thi pháp học thể loại. Và cả hai đều nghiên cứu thế loại dưới ánh sáng của phản ánh luận Mácxít. Các ông đều khẳng định sự tác động của những cấu trúc văn hoá - xã hội tới cấu trúc văn bản nghệ thuật. Đến mức, những công trình của L. Goldmann (Chúa trời ẩn dấu hay Vì một xã hội học tiểu thuyết) còn bị những nhà nghiên cứu "tư sản" phê phán là quyết định luận xã hội. Thứ nữa những bộ môn mà Phan Cự Đệ đưa ra (phong cách học, loại hình học hay thi pháp học) đều là những bộ môn có một lịch sử phát triển lâu dài và đặt biệt bùng nổ trong thế kỷ 20, bùng nổ đến mức dưới những tên gọi đó mỗi nhà nghiên cứu lại có những đóng góp riêng, thậm chí đến mức đối lập. Vậy là nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, ông phải chỉ ra rằng ông theo thứ phong cách học hay thi pháp học nào? Hay là ông chế ra một thứ của riêng ông? Hay là ông tham bác tất cả? Một công trình được gọi là "những vấn đề lịch sử và lý luận" thì không thể bỏ qua một vấn đề lý luận như vậy.
Từ một góc nhìn khác, văn học sử là một bộ môn có truyền thống lâu đời. Ở Pháp, nó ra đời từ thời Phục hưng (1584) với dạng thức sơ khai là các bộ thư mục (Thư mục Pháp của La Croix du Maine hay của Verdier). Cái tên sử văn học (histoire littéraire) xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ 17 và phát triển đến độ bùng nổ trong thế kỷ 19 với ông khổng lồ Gustave Lanson, người đề ra những nguyên tắc cơ bản của văn học sử và một vài định hướng trong chương trình viết văn học sử của ông cho đến nay vẫn đang được tiếp tục. Ở các nước phương Đông như Trung Quốc hay Việt Nam, dẫu không có một hiểu biết đầy đủ nhưng tôi tin rằng văn học sử cũng có một lịch sử không kém các nước phương Tây. Ngay từ thời G. Lanson, người ta đã biết rằng giá trị của một bộ sử văn học được xác lập trên hai cơ sở: sự hết kiệt của các tập hợp tư liệu (corpus) được khảo sát và khả năng ứng dụng những lý thuyết mới vào giải thích hiện tượng văn học (phénomène littéraire). Cả hai điều này trong công trình của nhóm nghiên cứu do ông Phan Cự Đệ đứng đầu đều không có. Đương nhiên văn học sử hiện đại không còn là những bộ thư mục phân tích như thời Phục hưng nhưng thay vì đòi hỏi một sự hết kiệt (exhaustivité) trong việc liệt kê (như bạn đọc nói trên đã "bao biện" cho nhóm ông Đệ?), người ta đưa ra đòi hỏi về sự hết kiệt trong việc mô tả các hiện tượng văn học và một thao tác chọn mẫu (échantillonnage) để phân tích. Bên cạnh sự què quặt về phương pháp luận như chúng tôi đã trình bày ở trên thì những lỗ hổng quan trọng về tư liệu cũng là một thiếu sót khó có thể bao biện của nhóm nghiên cứu. Như nhà phê bình Nguyễn Hoà đã chỉ rõ, trong công trình tập thể do ông Phan Cự Đệ lãnh đạo, hàng loạt hiện tượng văn học Việt Nam trong giai đoạn 1946 - 1954 trong các vùng bị tạm chiếm và văn học miền Nam 1954 - 1975 cũng như văn học Việt Nam sau 1986 đã bị các ông bỏ qua. Không thể bao biện cho điều này khi mà tư liệu văn học giai đoạn 1946 - 1954 vẫn còn được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Hà Nội và tư liệu về văn học miền Nam trước năm 1975 vẫn được lưu trữ tại Thư viện Quân đội thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam (nhờ tiếp quản thư viện của Bộ quốc phòng miền Nam cũ và thư viện này mở của tự do cho bạn đọc là sinh viên năm cuối cùng bậc đại học và giới nghiên cứu). Trong chuyến công tác tại Việt Nam cách đây một năm, tôi đã làm việc tại những thư viện này.
3. Ngay từ tiêu đề của công trình, nhóm nghiên cứu khẳng định đây là một công trình về "những vấn đề lịch sử và lý luận". Các ông khẳng định là đây không phải là công trình "thuần tuý văn học sử" mà là "có tính tổng kết lý luận" và nhiệm vụ của "tổng kết lý luận ấy là chỉ ra "quy luật vận động có tính lịch sử của văn học" và "những đặc trưng có tính loại hình" của văn học Việt Nam thế kỷ 20. Rằng hay thì thật là hay. Nhưng...
Thứ nhất, liệu những mục tiêu này có đạt được hay không khi từ đầu đến cuối, theo một lối làm việc kiểu lấy thể loại làm tiêu chí viết văn học sử, không có một dòng nào nói về "những đặc trưng có tính loại hình" của toàn bộ văn học Việt Nam thế kỷ 20. Thể loại có thể là một trong những nhân tố cấu thành đời sống văn học nhưng đó không phải là tiêu chí duy nhất. Ngay từ những thuỷ tổ của văn học sử hiện đại như G. Lanson người ta đã biết điều này. Trong công trình của những đồng nghiệp của ông Phan Cự Đệ, GS Trần Đình Hượu và GS Lê Chí Dũng, các ông đã chỉ ra ít nhất có 5 tiêu chí để phân kỳ văn học và rộng ra, để triển khai các vấn đề văn học sử: quan niệm về văn học và quan niệm về cái đẹp; hệ thống thể loại; ngôn ngữ văn học; chủ đề đề tài; hình tượng nhân vật trung tâm. Không biết khi viết công trình của mình, ông Phan Cự Đệ và các đồng sự của ông có tham khảo công trình của những đồng nghiệp của mình hay không và tham khảo như thế nào. Chúng tôi sẽ bàn đến điều này trong phần sau.
Thứ hai, liệu nguời ta có thể chỉ ra "quy luật vận động có tính lịch sử của văn học" hay không khi lẩn tránh vấn đề phân kỳ văn học? Trong toàn bộ cuốn sách của mình ông Đệ lẩn tránh vấn đề phân kỳ văn học. Cái duy nhất mà ông làm được là đưa ra một cái mốc phỏng chừng mà bản thân ông hình như cũng không tin tưởng: "Nếu coi tiểu thuyết (tôi nhấn mạnh - LXH) là công nghiệp nặng của nền văn học thì có lẽ (tôi nhấn mạnh - LXH) văn học Việt Nam hình thành trong khoảng thời gian từ 1920 đến 1930". Lấy thể loại làm tiêu chí duy nhất để phân kỳ văn học thì "có lẽ" trên thế giới cũng chỉ có duy nhất mình ông Phan Cự Đệ. Kể cũng tiện, vì đó là cách hay nhất để lờ tịt luôn chuyện giới thuyết về những tiêu chí xác định văn học hiện đại. Hơn nữa xin được hỏi ông Phan Cự Đệ, nếu những năm 1920 là những năm ra đời văn học hiện đại thì trước đó ít nhất từ 1887, văn học thuộc loại hình văn học nào, khi mà chữ quốc ngữ đã được sử dụng phổ biến để viết văn, khi mà nhà văn bắt đầu trở thành một người làm nghề chuyên nghiệp, khi mà họ bắt đầu viết về những đề tài vốn không từng có trong truyền thống...? Và bản thân cái gọi là "văn học hiện đại" đó được xếp vào loại hình nào? Chính ông Phan Cự Đệ cũng nhận thấy khó có thể tìm ra "quy luật vận động có tính lịch sử của văn học" khi lẩn tránh thao tác phân kỳ văn học. Ông đặt tên chương đầu tiên của cuốn sách là "Quá trình hình thành và phát triển của văn học Việt Nam hiện đại". Tên thì là như vậy nhưng ngoài cái kết luận hàm hồ về sự ra đời của văn học Việt Nam hiện đại, ông Đệ không dành một dòng nào nói về các giai đoạn phát triển của văn học Việt Nam hiện đại, cũng như lý giải cách phân kỳ của mình. Ông Đệ tự đề ra một mục tiêu khoa học và sau đó không triển khai cũng như không giải thích lý do. Theo chúng tôi, đây chính là một trong những biểu hiện của sự thiếu nghiêm túc của ông Phan Cự Đệ, cũng như sự thiếu trách nhiệm của hội đồng nhiệm thu.
4. Trong những thao tác nghiên cứu, hàng loạt điểm chứng tỏ ông Phan Cự Đệ bất cập hoặc thiếu trung thực trong nghiên cứu khoa học. Trình bày một công trình khoa học nghĩa là đưa sản phẩm tinh thần của mình đối thoại với những công trình đã tồn tại. Trong công trình khoa học của mình, ông Đệ tỏ ra tôn trọng nguyên tắc này. Tuy vậy việc đối thoại trong khoa học đòi hỏi một tinh thần dân chủ và bình đẳng và có đồng đẳng thì mới có bình đẳng. Và ở điểm này, khó có thể nói là ông Đệ có được sự đồng đẳng với các đồng nghiệp. Trong chương mà chúng tôi đã nêu, ông Phan Cự Đệ có dẫn lại quan điểm của các giáo sư Thanh Lãng, Phạm Thế Ngũ về phân kỳ văn học. Đọc những gì sau đó thì chúng ta biết rằng ông không tán thành những cách thức phân kỳ này. Ông có quyền có quan điểm riêng nhưng vấn đề là ông phải chỉ ra đuợc cách phân kỳ của những đồng nghiệp của mình đã dựa trên những tiêu chí nào, ông tán thành hay phản đổi những tiêu chí đó, và bộ tiêu chí để phân kỳ văn học sử của ông ra sao. Hàng loạt những trích dẫn của ông đều không ghi rõ nguồn - điều tối thiểu mà một người nghiên cứu khoa học phải biết. Và dường như tất cả những sự mập mờ này đều có lợi cho ông. Ông nói lấp lửng rằng "theo tài liệu chúng tôi sưu tập được thì từ năm 1887 đã có dấu hiệu của văn học hiện đại: Truyện thầy Lazarô Phiền". Nghe rất oai nhưng thực ra có chuyện không ổn. Tài liệu ông sưu tập được là tài liệu nào? Chính ông đã phát hiện Truyện thầy Lazarô Phiền trong những tàng thư ở nước ngoài? Thế thì oai quá! Hay là có người đã phát hiện ra tác phẩm này, đã giới thiệu, công bố, biên khảo, nghiên cứu rất phổ biến rồi ông "sưu tập" được công trình của người này? Hai chuyện này khác hẳn nhau và nói chung nên phân minh, thưa ông Phan Cự Đệ!
Trong công trình, tôi thấy ông Đệ rất sính nói đến những chuyện về vai trò của báo chí, nhà xuất bản, nhà in, trong sự ra đời của nền văn học hiện đại. Quá hay. Nhưng vấn đề là những luận điểm này ông Đệ phát biểu dựa trên những sở đắc của riêng ông hay của những nhà nghiên cứu khác? Tôi không tin đó là những sở đắc của riêng ông. Tôi có được đọc một công trình tập thể do các đồng nghiệp của ông Đệ tiến hành nhan đề Quá trình hiện đại hoá văn học Việt Nam 1900 - 1945. Những vấn đề như báo chí, nhà xuất bản, văn học dịch và văn học hiện đại đã được khảo sát nghiêm túc trong công trình này và không khác với những điều ông Phan Cự Đệ phát biểu. Không lẽ ông không biết đến cuốn sách này. Và ông bỏ qua một điều cũng hoàn toàn trùng hợp với khiếm khuyết của công trình mà tôi vừa nêu: bỏ qua vai trò của giáo dục trong sự ra đời của nền văn học hiện đại. Khó có thể nói rằng giáo dục - những "cỗ máy ý thức hệ" (appareil idéologique), theo khái niệm của nhà Mácxít Pháp Louis Althusser - lại không có bất cứ một sự tác động nào đến văn học. Đây càng là một bằng chứng khiến tôi nghi ngờ sự trung thực của ông Phan Cự Đệ.
Một điểm khác trong công trình Văn học Việt Nam thế kỷ 20 cũng làm tôi băn khoăn. Ngay trong chương mở đầu cuốn sách, ông Đệ phê phán hùng hồn một cách đáng ngờ: "Nền văn học mới không xuất hiện một cách "đột ngột", "không bình thường", "tưởng chừng bị cắt đứt hết với văn học cổ truyền" như có người đã nhận định". Đáng ngờ, bởi lẽ dù phê phán rất hùng hồn nhưng ông lại giấu biệt tên người bị ông chỉ trích. Và chính vì sự giấu biệt này, nên tôi chỉ có thể phỏng đoán là đây là những điều ông trích từ công trình Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời của GS. Trần Đình Hượu và GS. Lê Chí Dũng. Và nếu đúng vậy, thì quả thật tâm thuật của ông Phan Cự Đệ có những điểm đáng ngờ. Ông Phan Cự Đệ đã cố tình bóp méo ý kiến của người đồng nghiệp đã khuất của mình và biện minh bằng những tiền đề xã hội văn hoá cũng như văn học dẫn đến sự ra đời của văn học hiện đại. Những điều này, trong cuốn Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời, các tác giả đã trình bày cặn kẽ và khoa học hơn ông Phan Cự Đệ nhiều. (Cũng phải nói thêm rằng mặc dù được viết cách đây khoảng trên 30 năm nhưng cuốn Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời là một công trình hiếm hoi ở Việt Nam kết hợp được một cách nhuần nhuyễn con đường tiếp cận từ bên ngoài (nghĩa là định vị hiện tượng văn học trong văn cảnh văn hoá) và bên trong (nghĩa là từ sự phát triển mang tính nội tại của văn học) hiện tượng văn học - toát lên một tính hiện đại kỳ lạ về phương pháp luận). Vấn đề là không chỉ nhìn văn học trong quan hệ tương tác với những yếu tố văn hoá - xã hội - lịch sử, GS. Trần Đình Hượu còn nhìn văn học trong tính liên tục của một tiến trình với một sự phát triển có tính nội tại của riêng văn học. Và ở đó, ông chỉ ra rằng trong giai đoạn giao thời, nền văn học hiện đại không ra đời trong thời điểm khủng hoảng của văn học truyền thống ("đột ngột"), không phát triển liên tục theo con đường cách tân những yếu tố bản địa ("không bình thường"), mà là theo con đường du nhập, bản địa hoá mô hình văn học phương Tây và đồng thời sự thay đổi chữ viết dẫn đến tình trạng đứt gãy đối với văn học quá khứ bằng chữ Hán và chữ Nôm ("tưởng chừng bị cắt đứt hết với văn học cổ truyền"). Trong công trình này, GS. Trần Đình Hượu đã chỉ ra một đặc điểm của chính quá trình hiện đại hoá ở Việt Nam là sự chuyển đổi loại hình văn học từ nền văn học mang tính khu vực theo mô hình Trung Quốc đến nền văn học theo mô hình phương Tây - cái mà ông định danh là "đột ngột", "không bình thường", "đứt gãy". Không rõ ông Phan Cự Đệ đã không hiểu hay cố tình không hiểu những điều này?
Những điểm trên chỉ là những ví dụ điển hình bổ sung vào những khiếm khuyết trầm trọng của công trình tập thể do Giáo sư Viện sĩ Phan Cự Đệ làm chủ biên. Và với những khiếm khuyết đó, liệu có thể coi đây là một công trình mẫu mực chuẩn thẳng cho sinh viên và người giảng dạy trong nước hay không? Họ sẽ học đuợc gì từ sự lối nghiên cứu lẩn tránh những vấn đề khó khăn nhất của đối tượng? Họ sẽ tham khảo được gì từ một lối nghiên cứu không phương pháp? Và liệu có phải là mực thước cho họ không những thao tác tuỳ tiện, thiếu trung thực?
Ông Phan Cự Đệ có biện minh rằng "những hạn chế và thiếu sót là không tránh khỏi" vì "một kinh phí rất khiêm tốn". Tôi thấy buồn lòng trước điều này. Cái quyền đầu tiên của người trí thức là chấp nhận hoặc từ chối một công việc. Nếu đó là một kinh phí "rất khiêm tốn" đến mức tất yếu không thể tạo thành một sản phẩm khoa học hoàn chỉnh, ông có quyền không nhận chủ trì đề tài. Điều đó thể hiện trách nhiệm và tư cách người nghiên cứu. Tôi cũng được biết việc chủ trì những đề tài như thế này hoàn toàn không phải là nghĩa vụ có tính bắt buộc của cán bộ giảng dạy đại học tại Hà Nội. Trong hoàn cảnh thực tế không cho phép, người trí thức chỉ có hai con đường: hoặc là vượt lên hoàn cảnh hoặc là từ chối. Sao có thể lợi dụng hoàn cảnh để tung ra những sản phẩm "thứ cấp". Tiện đây cũng phải nói thêm là cái ngân khoản "rất khiêm tốn" mà ông Đệ nói. Nó có giá trị 300.000.000 VND, tương đương với 15.000 Euro, cấp cho hai năm. Đây là một ngân khoản hoàn toàn không nhỏ, kể cả ở nước ngoài. Để tiện so sánh là trong khuôn khổ tài trợ cho đề tài của các nhóm nghiên cứu Pháp - Việt do Sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức, ngân khoản dành cho mỗi nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài trong 4 năm cũng chỉ là 50.000 Euro.
Từ xa Tổ quốc, chúng tôi lấy làm buồn lòng khi tại Việt Nam, những công trình như công trình của ông Phan Cự Đệ vẫn được hội đồng khoa học của một trường đại học đầu ngành thông qua và thậm chí còn được coi là "Công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu" của năm 2004. Phải chăng điều này đã trở thành một "truyền thống", khi mà tại trường này người ta từng cấp kinh phí, từng nghiệm thu một công trình khoa học với những sai sót kỳ quái chưa từng có của một nữ tiến sĩ (đọc bài Những cảm luận kỳ dị về thi pháp Phương Đông của Nguyễn Hoà đã đăng trên eVăn), đã từng cấp kinh phí, đã từng nghiệm thu một cuốn giáo trình Văn hoá học - do một vị giáo sư Sử học vào hàng đầu ngành chủ biên, thì bị phát hiện là "đạo văn" vô tội vạ (đọc bài Về một cuốn giáo trình "công phu" và "đáng giá" cũng của Nguyễn Hoà trên báo Thể thao & Văn hoá năm 1997)? Trước các hiện tượng "đặc biệt" này, người ta không thể đặt ra câu hỏi: Còn bao nhiêu "công trình nghiên cứu khoa học" có phẩm chất tương tự như các công trình kể trên đã được nghiệm thu và lâu nay, ngay lúc này, hội đồng khoa học của trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội quan niệm như thế nào là "nghiên cứu khoa học"?
Paris, 12/4/2005