Phát biểu tại hội nghị "Hàng không Việt trỗi dậy và sự phục hồi kinh tế", diễn ra tại FLC Quy Nhơn, Bình Định vào ngày 30/5 do Hội đồng tư vấn du lịch phối hợp cùng Bamboo Airways tổ chức, bà Đoàn Thị Lộc, Phó giám đốc Saigon Tourist chia sẻ, giá vé máy bay thường chiếm 1/3 chi phí của tour du lịch, người dân thường ngại sử dụng những sản phẩm phải di chuyển bằng máy bay. Tuy nhiên, với việc các hãng hàng không tung vé giá rẻ như hiện nay, khách hàng sẽ được hưởng lợi nhiều.
Doanh nghiệp du lịch cũng có cơ hội xây dựng sản phẩm du lịch tốt mà giá hợp lý. Khi xây dựng các sản phẩm mới, doanh nghiệp có thể đàm phán giá cả với nhà hàng, khu vui chơi giải trí... giá hợp lý để kích thích nhu cầu du lịch của người dân. Sản phẩm tốt có mức giá vừa phải sẽ phù hợp với xu hướng thị trường hiện tại, khi người dân luôn muốn có được một tour nghỉ dưỡng an toàn nhưng chi phí không quá lớn.
Bà Đoàn Thị Lộc cũng cho rằng, hãng hàng không muốn kích cầu du lịch nội địa sẽ đưa ra nhiều lựa chọn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sắp xếp thời gian bay phù hợp, đa dạng. Trước đây, hàng không thường thiếu chỗ, vì vậy, các công ty lữ hành phải sắp xếp tour có giờ bay không đẹp như đi sớm, về sớm.
Bên cạnh đó, các hãng cũng linh động trong điều chỉnh chính sách như trước 10 khách mới được áp dụng vé đoàn thì giờ chỉ cần 6 khách. Những thay đổi này sẽ tạo điều kiện cho lữ hành nâng cao phục vụ, hạn chế rủi ro.
Cũng tại hội nghị "Hàng không Việt trỗi dậy và sự phục hồi kinh tế", Tiến sĩ Kinh tế Lê Xuân Nghĩa chia sẻ thị trường hàng không sôi động trở lại, Việt Nam có cơ hội là điểm đến hấp dẫn du khách ở khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
Theo ông Lê Xuân Nghĩa, Việt Nam là điểm đến có nhiều di sản văn hóa. Hiện nay, những điểm đến này vắng khách quốc tế nên ngành du lịch cần kích cầu lớn từ du khách nước ngoài mới phục hồi được. Ngành du lịch có thể hướng đến thị trường Đông Bắc Á trước, sau đó là Đông Nam Á, tiếp theo là châu Âu để phát triển trở lại.
Ông Lê Xuân Nghĩa cũng chỉ ra hai kịch bản để đảm bảo an toàn cho khách quốc tế. Kịch bản thứ nhất là phát triển du lịch vùng, du khách sẽ không ra khỏi vùng đó. Kịch bản thứ hai là phải kiểm tra y tế với khách quốc tế vào Việt Nam. Khách quốc tế trước khi đi du lịch cần kiểm tra sức khỏe, nếu âm tính với Covid-19 tại thời điểm đi thì được đăng ký đi du lịch. Khi khách nhập cảnh sẽ kiểm tra sức khỏe lần hai, nếu âm tính thì được nhập cảnh. Sau đó, tiếp tục cách ly 14 ngày và kiếm tra lần ba. Nếu làm được như vậy thì có thể đón khách Đông Bắc Á, Đông Nam Á và đảm bảo an toàn.
"Nhưng khách du lịch nước ngoài liệu có chấp nhận quy trình kiểm tra như vậy? Vì họ phải được tự do di chuyển, muốn đi để thăm thú di sản, tìm hiểu văn hóa. Hiện nay, Chính phủ đang tìm phương án để lọc dần và tìm cách đón khách ngoại quốc vào Việt Nam", ông Lê Xuân Nghĩa chia sẻ.
Ngoài những cơ hội cho du lịch khi hàng không phục hồi, các diễn giả tham dự hội nghị còn chỉ ra phương hướng phát triển cho ngành trong thời gian tới như: Kết hợp giữa doanh nghiệp và hãng hàng không, giảm giá đi kèm kéo dài kỳ nghỉ hè của học sinh, chính sách ưu đãi hợp lý để các hãng cạnh tranh lành mạnh...
Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn của Chính phủ chia sẻ: "Trong lúc chờ phục hồi hàng không quốc tế cần ưu tiên hàng không nội địa. Phối hợp giữa ba bên: Hàng không, điểm du lịch, lữ hành để tạo các gói phát triển, xử lý những khó khăn để đột phá".
Đồng quan điểm với nhiều diễn giả, ông Lưu Đức Kế, Phó Giám đốc Công ty Truyền thông Du lịch Việt đánh giá cao sự phối hợp của các doanh nghiệp hàng không và du lịch. Tập đoàn FLC nhanh chóng ra mắt sản phẩm trọn gói gồm vé máy bay, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí. Hiện Bamboo Airways đã mở lại tới 90% đường bay, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC khẳng định sẽ phủ kín các đường bay nội địa vào đầu tháng 6 và chậm nhất là tháng 7 vì hãng không bị ảnh hưởng bởi nhiều thị trường quốc tế.
Nha Trang