Thứ tư, 11/12/2024
Thứ hai, 13/3/2017, 16:09 (GMT+7)

Vẻ kỳ vĩ ở nơi sông Đà chảy vào đất Việt

Tìm đến Ka Lăng - Thu Lũm ở Mường Tè, Lai Châu mùa nước đổ, du khách được chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang lấp lánh nước, thử thách mình trên các cung đường.

Huyện Mường Tè nằm ở khu vực xa nhất ở Lai Châu, được ví von là nơi cuối trời Tây Bắc mang một vẻ đẹp kỳ vĩ và thiêng liêng. Nơi đây còn là vị trí trọng yếu đối với an ninh quốc phòng biên giới Việt – Trung.

Cách Hà Nội hơn 500 km đến bến xe Nậm Nhùn, đường vào trung tâm Mường Tè xa xôi cách trở nhưng đã được trải nhựa và dễ đi hơn. Để khám phá thượng nguồn sông Đà, con đường như thử thách người đi bởi những khúc cua uốn lượn như dải lụa mềm vắt ngang triền núi, quanh co xa ngút tầm mắt.

Men theo dòng sông Đà đi ngược khoảng 40 km tới Pắc Ma là đến ngã 3 Nậm Lằn. Nếu đi thẳng là tới xã Ka Lăng, Thu Lũm, nếu rẽ trái thì tới trạm biên phòng Kẻng Mỏ thuộc đồn Ka Lăng.

Đường vào Trạm kiểm soát biên phòng Kẻng Mỏ chỉ chừng 20 km, nhưng như một ma trận thử thách lòng người với lối đi quanh co, rừng sâu ẩm ướt. Dấu vết của cuộc sống là phân dê, phân ngựa bên vệ đường.

Đồn biên phòng Ka Lăng quản lý 30 km đường bộ với 4 mốc giới 18 (2), mốc 34, mốc 35 và mốc 36 thuộc khu vực hai xã Ka lăng và Tá Pạ.

Tại vị trí cột mốc 18 (2) nhìn về phía bên trái là xã Mù Cả, bên phải là dòng suối Nậm Là chảy từ Trung Quốc sang. Dòng suối này chính là đường phân định đường biên giới với Trung Quốc ở xã Ka Lăng huyện Mường Tè, Lai Châu. Điểm giao nhau này tạo thành ngã ba sông. Vào mùa nước cạn thác Kẻng Mỏ chảy êm đềm mà kẻ lữ khách có thể nhìn thấy những ghềnh đá nổi lởm chởm giữa dòng.

Trên dòng thác là chiếc cầu treo đầu tiên vắt ngang đôi bờ đầu nguồn dòng sông Đà chảy vào đất Việt.

Trở lại ngã 3 Nậm Lằn tiếp tục di chuyển tới Ka Lăng vào Thu Lũm, lữ khách gặp được các anh biên phòng, thăm hỏi chăm sóc tận tình, sau đó là những chỉ dẫn nhiệt tình về đường lên Hòn Đá Trắng, thăm bản người Hà Nhì nép mình trong cánh rừng nguyên sinh.

Khác với huyện Bát Xát – Lào Cai, người Hà Nhì nơi đây dựng nhà trình tường bằng đất nện, tựa lưng vào núi hướng cửa về phía thung lũng có ý nghĩa của cải trong nhà bao giờ cũng đầy ắp. Khu vực này, người Hà Nhì trồng rất nhiều sả, họ thu gom trong những chiếc nồi to để chưng cất thành tinh dầu phân phối sang nước bạn.

Người Hà Nhì ở Lai Châu sử dụng kỹ thuật ghép vải cùng gam màu nóng được thêu bằng tay khéo léo bởi các băng dải dọc và ngang. Họa tiết quần áo còn nổi bật với trang sức bằng bạc, 3 hàng cúc hoặc đồng xu bạc ở trước ngực áo. Chiếc khăn đội đầu còn giúp phân biệt giữa người phụ nữ đã có gia đình hay còn độc thân.

Dương Thanh

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net