Là giống lúa mọc tự nhiên hoang dã, không cần trồng trọt nên người dân gọi là lúa trời. Còn tên "lúa ma" ra đời có lẽ vì chúng thường không chín hết bông mà chỉ có vài hạt. Tới khi mặt trời lên, ước chừng 8-9h sáng thì hạt bỗng nhiên rụng mất.
Khoảng tháng Tư âm lịch, khi mùa mưa kéo về, đất khô được tưới nước, những hạt lúa rụng từ mùa trước bắt đầu nẩy mầm. Đến mùa nước, lúa lên cao và lớn dần.
Thân lúa cứng cỏi, lá to, phát triển đều đặn nhờ sương gió và nước mưa. Nước nổi tới đâu, cây lúa lớn vượt tới đó, gồm cả đọt và bông. Lúa chín chỉ vài hạt mỗi lần và thường xuất hiện vào ban đêm. Người ta phải thu hoạch lúa trời lúc gần sáng vì khi mặt trời lên cao, những hạt chín sẽ rụng dần xuống nước.
Để thu hoạch, phải có hai người chèo xuồng lướt giữa đám lúa. Một người cầm sào chống, còn người kia điều khiển cần đạp nhịp nhàng làm bông lúa chín rơi xuống khoang thuyền. Những hạt xanh còn lại sẽ tiếp tục chín vào đêm hôm sau. Cứ thế, mỗi xuồng một ngày có thể đạt đến năm, mười giạ lúa. Mỗi mùa, nhiều gia đình đập được cả tấn lúa trời.
Lúa thu hoạch về ngâm nước khoảng ba hôm, sau đó đem phơi cho đuôi lúa rụng hoặc cũng có thể đem phơi xong giã nhẹ. Làm cách này, khi ra gạo nấu sẽ ngon cơm hơn là ngâm nước.
Cơm từ hạt gạo lúa trời hơi cứng, khi nấu củi phải để sôi lâu mới chắt nước, còn nấu bếp điện thì phải đổ khá nhiều nước. Nhưng khi chín, hạt gạo lại rất dẻo cơm, thơm và béo. Gạo lúa trời còn được người dân nơi đây ưa dùng nấu cháo đặc, dùng đũa bếp quậy nhừ, sau đó đổ vào mâm lớn trông như chiếc bánh đúc khổng lồ. Khi ăn, bạn sẽ dùng dao cắt từng miếng, dùng cùng nước đường thắng kẹo, vị rất ngon.
Lúa trời là một nguồn lợi tự nhiên quan trọng giúp nhân dân Đồng Tháp Mười vượt qua cơn thiếu ăn giữa những ngày giáp hạt để chờ mùa chính vụ. Nó còn là nguồn lương thực dự trữ đáng kể giúp bộ đội Việt Nam chống đói trong những năm tháng kháng chiến.
Ngày nay, ngoài các hộ gia đình còn trồng thêm loại lúa này, Vườn quốc gia Tràm Chim cũng dành diện tích để trồng nhằm lưu giữ, duy trì một góc trời tự nhiên với môi trường sinh thái động, thực vật quý hiếm để nhiều người học tập và nghiên cứu về sau.
Lan Thoa