Người hâm mộ đã đếm từng phút, rồi từng giây cuối cùng để được sống trong niềm vui lớn lao ấy, khi lần đầu tiên bóng đá nữ Việt Nam có mặt ở một vòng chung kết World Cup. Có tiếng hò reo ở những nhà hàng xóm khu chung cư của tôi. Có cả tiếng chân ai nhảy cẫng lên ở tầng trên. Và những dòng status trên Facebook nhanh như điện, lan đi một niềm vui khôn tả khi các cô gái áo đỏ làm nên lịch sử.
Chiếc vé tới World Cup giành được lần đầu tiên trong lịch sử, vào những ngày xuân rất đẹp của bóng đá nước nhà, tạo nên sự cộng hưởng lớn lao của sự tự tin và niềm hy vọng. Chiếc vé ấy đoạt được chỉ năm ngày sau khi đội tuyển nam lần đầu tiên đánh bại Trung Quốc ở vòng loại cuối cùng của một World Cup, hành trình xa nhất họ đã đi trong những năm tháng hội nhập bóng đá thế giới. Bản thân hành trình đầy gian khó với rất nhiều thất bại ấy đã là một câu chuyện đáng ngợi ca về lòng quả cảm. Còn câu chuyện của bóng đá nữ, vì những định kiến của xã hội, vì những khó khăn mà họ đã trải qua không chỉ trên sân cỏ mà còn ngoài cuộc đời, lại khiến chúng ta ngưỡng mộ theo cách khác, một sự mở rộng quan niệm về những gì phụ nữ có thể làm được với môn thể thao này.
Đấy là thứ bóng đá mà khoảng 10 năm trước không mấy ai để ý và cũng mới chỉ thu hút được sự quan tâm nhiều hơn của người hâm mộ sau khi họ đoạt Huy chương vàng SEA Games 2019. Sự so sánh một cách khập khiễng với bóng đá nam rất dễ khiến các cô gái, những người cũng đổ mồ hôi sôi nước mắt và có cuộc sống ngoài sân cỏ cực kỳ khó khăn, trở nên dễ tự ti. Trong một đất nước mà tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn tồn tại, định kiến xã hội lên họ vẫn chưa được xóa bỏ hoàn toàn, rõ ràng cái cách bóng đá nữ đã đi World Cup còn trước bóng đá nam không thể không gợi lên những suy nghĩ và trăn trở.
Bóng đá nữ thế giới đã đi một chặng đường rất dài kể từ World Cup đầu tiên vào năm 1991. Hồi ấy, mỗi hiệp chỉ 40 phút, ít hơn bóng đá nam 5 phút, trình độ cũng như chất lượng còn thấp và có không ít lời chế giễu dành cho họ. Bây giờ, mọi thứ đã thay đổi. Cho đến World Cup gần nhất năm 2019 ở Pháp, các cô gái đã chơi một thứ bóng đá hấp dẫn, tràn ngập bàn thắng với những khán đài đầy ắp khán giả. Nhưng bóng đá nữ vẫn là bóng đá nữ và sau chiến thắng trong trận chung kết, cuộc đấu tranh của đội tuyển nữ Mỹ nhằm đòi hỏi thu nhập tương đương đồng nghiệp nam cho thấy, dù đã đi xa đến đâu, họ vẫn bị đối xử thua kém các nam cầu thủ và cuộc sống vẫn còn rất bấp bênh.
Nói thế để thấy những gì mà các nữ tuyển thủ chúng ta đối mặt không khác gì các chị em đá bóng khác trên thế giới, và họ nỗ lực vô song, không chỉ để nhận những tràng vỗ tay ngưỡng mộ mà còn để chứng tỏ mình, thể hiện mình, thách thức định kiến. "Dám tỏa sáng" (Dare to Shine) là khẩu hiệu của World Cup nữ 2019. Nhưng họ đã như thế không chỉ ở World Cup ấy mà cả trong cuộc đời. Khẩu hiệu của World Cup năm tới là "Hơn cả sự vĩ đại" (Beyond Greatness), một sự "nâng cấp" đáng kể cho thấy bóng đá nữ đang cố gắng vươn tầm hơn nữa. Trong World Cup ở Australia và New Zealand ấy (diễn ra từ 20/7 đến 20/8), có các cô gái Việt Nam, những người đã bao năm dám toả sáng và bây giờ vươn đến tầm cao nhất từ trước đến nay.
Sẽ là những khó khăn kinh khủng chờ đợi họ ở đó, khi sự chênh lệch giữa trình độ của chúng ta và các đội tuyển có thể gặp trong bảng quá lớn. Nhưng đến được đó đã là điều kỳ diệu lớn lao nhất mà họ đã làm được trên sân cỏ rồi.
Mấy năm trước, khi đội tuyển nữ vô địch SEA Games, tôi có cuộc trò chuyện với Huấn luyện viên Mai Đức Chung, người đã dành nhiều năm cuộc đời cho bóng đá nữ. Ông bảo, mong ước lớn của ông là "sau này các cháu có việc làm ổn định, lâu dài, ai cũng có người yêu, có gia đình". Khi được hỏi ông đã nhận được bao nhiêu cái thiệp mời cưới của các nữ tuyển thủ, ông trả lời "hầu như không có".
Chiến tích lần này hy vọng là động lực lớn để họ chiến thắng trong cuộc đời - những cuộc đời cần không chỉ bóng đá mà cả những tấm thiệp cưới, như mong đợi của ông Mai Đức Chung.
Dù là những nữ anh hùng trên sân cỏ, họ vẫn là phụ nữ với những câu chuyện, những vấn đề, những thách thức rất đời thường. Rất nhiều bình luận của người hâm mộ sau chức vô địch SEA Games 2019 có chữ "thương" trong đó. Họ chỉ mong các em sống được với nghề, ổn định, thu nhập đủ để trang trải cho bản thân và gia đình. Nhưng không có quá nhiều thay đổi kể từ sau chiếc Huy chương vàng 2019, giải vô địch bóng đá nữ.
Một chiếc vé đi World Cup liệu có thu hút hơn nữa sự chú ý của xã hội cho bóng đá nữ, hay vẫn là câu chuyện muôn thuở "thấy thắng thì thưởng"?
Trương Anh Ngọc