Thứ sáu, 8/11/2024
Thứ ba, 24/12/2019, 10:28 (GMT+7)

Vẻ đẹp Việt trong triển lãm 'Hành trình di sản'

Các tác phẩm đoạt giải cuộc thi "Heritage - Hành trình di sản 2019" khắc họa văn hóa và con người Việt Nam.

Tại triển lãm "Hành trình di sản 2019", diễn ra từ ngày 21 đến 22/12 ở Hà Nội, ban tổ chức trao giải cho 16 tác phẩm xuất sắc. Năm nay, cuộc thi quy tụ 183 bộ ảnh phóng sự (với khoảng hơn 2.500 ảnh đơn) và 474 ảnh bìa.

Tác phẩm “The Ethnic Diversity of Northern Vietnam” (tạm dịch: Sự đa dạng các dân tộc ở miền Bắc Việt Nam) của Alden Anderson giành giải Đặc biệt hạng mục Ảnh bộ.
Tác phẩm gồm 11 chân dung nhân vật thuộc 11 dân tộc miền núi phía Bắc trong trang phục truyền thống. "Những mảnh ghép văn hóa ấy hòa chung lại thành một bức tranh rực rỡ sắc màu, với với sự đa dạng về dân tộc và giàu có về văn hóa di sản của Việt Nam", Alden cho biết.

Em bé người dân tộc Phù Lá mặc áo ngắn năm thân, dài tay, cổ mỏng, thấp, chui đầu. Trên nền chàm của áo, thân được chia thành các khu vực, cổ áo vuông và có nhiều mô típ hoa văn trang trí.

Tác giả Alden Anderson người Mỹ, hiện sống và làm việc tại Hội An. Anh từng đoạt giải Sports Emmy Awards ở hạng mục "Thiết kế đồ họa xuất sắc" với series truyền hình "Sport Science". Alden đã đi qua 38 quốc gia để tìm hiểu về con người và văn hóa.

Tác giả ghi lại hình ảnh vợ chồng người Pa Thẻn - dân tộc sinh sống chủ yếu tại Hà Giang và Tuyên Quang. Họ có truyền thống một vợ một chồng, không được phép ly hôn.

Bộ nữ phục gồm khăn, áo, thắt lưng, váy, yếm, màu sắc sặc sỡ. Phụ nữ thường để tóc dài vấn khăn quanh đầu.

Bộ tác phẩm "Lễ Tẩu Sai người Dao Sơn Đầu” của Thành Thế Vinh giành giải Nhất hạng mục Ảnh bộ. Tẩu Sai (Lễ cấp sắc 12 đèn) là nghi lễ cổ gắn liền quá trình thiên di của người Dao được lưu truyền đến ngày nay.

Nghệ thuật diễn xướng trong buổi lễ được tổng hòa từ hình thức múa khai đàn báo tổ tiên và các lễ đón thầy, thụ đèn truyền phép, đi âm, đăng đàn cấp ấn dấu.

Đại lễ Tẩu Sai được tổ chức cho 48 cặp vợ chồng dòng họ Bàn ở hai xã vùng cao Nậm Mười, Nậm Lành (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) hồi tháng 1. Ảnh: Thành Thế Vinh.

Thành Thế Vinh cho biết một người Dao báo tin cho anh về lễ Tẩu Sai. Anh thực hiện bộ ảnh trong bốn ngày ba đêm, được người dân cho ăn, ở cùng. "Những nghi lễ quan trọng và mang tính hình tượng cao đều tổ chức vào ban đêm, khoảng 22h đến ba giờ ngày hôm sau. Đây là khung thời gian khó khăn với người chụp", tác giả nói.

Thành Thế Vinh là nhiếp ảnh gia tự do, chuyên về ảnh cuộc sống đời thường, phong cảnh và di sản văn hóa các dân tộc miền núi phía Bắc.

"Ngày mới ở hồ Tuyền Lâm" của nhiếp ảnh gia Nguyễn Tấn Tuấn đoạt giải Đặc biệt hạng mục Ảnh bìa. Tác giả chụp bức ảnh vào khoảng sáu giờ sáng. Anh chia sẻ: "Tôi mê hàng thông reo nơi cuối hồ ẩn hiện trong làn sương sớm dưới nắng mai, bị cuốn hút bởi cây cô đơn giữa hồ, hiên ngang theo năm tháng, và dáng cây cong đẹp đến lạ như đã oằn mình chịu nhiều sương gió. Một không gian yên tĩnh với chiếc thuyền gỗ nhẹ trôi ẩn hiện trong làn sương làm cho khung cảnh thêm phần thi vị".

Giải nhất hạng mục Ảnh bìa được trao cho "Cầu Long Biên" của nhiếp ảnh gia tự do Tuấn Đào. Tác phẩm ghi lại hình ảnh cây cầu biểu tượng của Hà Nội vào buổi hoàng hôn.

Ngoài giải đặc biệt và giải nhất, ban tổ chức còn trao giải đồng hạng Top 5 cho hai hạng mục Ảnh bộ và Ảnh bìa, và giải đồng hạng Top 2 cho hạng mục Ảnh đơn.

Tác phẩm "Làng dệt chiếu cói Phú Tân" của Lê Việt Khánh giành giải đồng hạng ở hạng mục Ảnh bộ, mô tả các công đoạn thu hoạch, nhuộm, phơi và dệt chiếu tại làng Phú Tân 1, xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ảnh khắc họa cảnh sợi cói sau khi phơi khô, sơ chế được đưa vào lò nhuộm.

"Sàng Ma Sáo mùa nước đổ" của tác giả Trần Quang Quý đoạt giải đồng hạng ở hạng mục Ảnh bìa. Sàng Ma Sáo là bản vùng cao thuộc huyện Bát Xát, Lào Cai. Tác giả yêu thích vẻ đẹp của ruộng bậc thang mùa nước đổ. "Từ trên cao nhìn xuống, cánh đồng ruộng bậc thang trải dài như những chiếc gương khổng lồ phản chiếu bức tranh sơn thuỷ hữu tình", anh nói.

Tác phẩm "Những đường cày trong mây" của tác giả Nguyễn Vũ Hậu giành giải Đồng hạng ở hạng mục Ảnh bộ, phản ánh nét đẹp trong lao động sản xuất của bà con Hà Giang, đặc biệt vùng cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc. Trong ảnh là cảnh trâu kéo cày trên núi đá để cấy lúa, trồng ngô.

Tác phẩm "Nét văn hóa vùng cao" của Nguyễn Việt Hồng giành giải Đồng hạng hạng mục Ảnh bìa.

Hiểu Nhân