Thứ sáu, 29/11/2024
Chủ nhật, 25/5/2014, 08:31 (GMT+7)

Vẻ đẹp mộc mạc Việt Nam 120 năm trước

Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Nha Trang, Sài Gòn... ở thế kỷ 19 được tái hiện sinh động qua những bức ảnh quý giá của Toàn quyền Đông Dương Armand Rousseau.

Nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ Việt Nam và Pháp, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã trưng bày hơn 200 bức ảnh của Toàn quyền Đông Dương Armand Rousseau.

Tháng 2/1895, Armand Rousseau được cử làm Toàn quyền Đông Dương. Ông đột ngột qua đời vào ngày 10/12/1896, tức chỉ hơn một năm làm nhiệm vụ. Ông để lại nhiều hình ảnh về Việt Nam thời kỷ 1895-1896. Đây được xem là nguồn sử liệu quý báu để nhận diện Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ XIX.

Từ năm 1874, Sài Gòn đã được thiết lập là một thành phố. Thời điểm Armand Rousseau sang Việt Nam, nơi đây đã vô cùng tấp nập. Tấm hình ghi rõ được chụp vào ngày 16/3/1895 lúc ông đến Sài Gòn. Cảnh vật trên sông Sài Gòn chính là bến tàu của hãng Messagerie Maritime với ngôi nhà sau này được định danh là "Nhà Rồng". Chiếc tàu lớn, cờ hiệu thể hiện rằng Armand Rousseau đã đặt chân tới Việt Nam.

Đây là bức ảnh Chợ Lớn cuối thế kỷ thứ XIX. Có thể thấy rõ hình ảnh những người Hoa tóc tết đuôi sam đang đi lại. Tuy nhiên, lối kiến trúc vẫn là của người Việt. Điều này cho thấy dấu ấn người bản địa vẫn rõ, và thời điểm này chưa hình thành một thị trấn người Hoa.

Hải Phòng - dấu ấn đầu tiên của một thành phố cảng cũng được Armand chụp lại. Năm 1888, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng được vua Đồng Khánh giao cho Pháp thiết lập thành phố. Thời điểm bức ảnh này chụp, thành phố Hải Phòng được xây dựng mới 8 năm, còn rất sơ khai với chỉ một cầu cảng được xây bằng thép.

Cảnh quan ở Hạ Long không có gì khác bây giờ, duy chỉ những loại thuyền buồm nhỏ của ngư dân là không còn. Ngay cả chiếc tàu thủy rất hiện đại mà vị toàn quyền dùng để đi lại trên vịnh cũng chỉ còn trong những bảo tàng hàng hải.

Khu mỏ than Kẻ Bào (Quảng Ninh) thuận tiện giao thông đường biển nên được Pháp khai thác sớm. Pháp đã đầu tư trang thiết bị hiện đại vào ngành công nghiệp này.

Huế là kinh đô của chính quyền nhà Nguyễn thời đó. Ngoài khu Hoàng thành, viên Toàn quyền còn chụp nhiều cảnh quan ở Huế năm 1895.

Đầu thời Nguyễn, Tuyên Quang là một trấn. Vùng đất này thường bất ổn vì hay bị thổ phỉ từ Trung Quốc thâm nhập. Cuối thế kỷ XIX, Pháp cũng xem đây là nơi cần trấn trị nên cho xây thành (tuy không lớn), rào dậu kín những bản làng để tránh thổ phỉ và thú dữ.

Thời thuộc địa, chính quyền nhà Nguyễn vẫn có quyền lực tượng trưng ở Thành Nam - Nam Định. Đến những năm Hà Nội được thiết lập thành phố, con sông Hồng nối liền với sông Đào (sông nhân tạo ở Nam Định), thì khu Thành Nam càng được củng cố hơn.

Tháp Chăm là kiến trúc tôn giáo của đồng bào Chăm, được phân bố phổ biến từ Quảng Nam, Phan Thiết tới Bình Thuận. Tấm hình này chụp tháp Chăm ở Nha Trang, và rất có thể là nhóm tháp Po Nagar nổi tiếng.

Cho đến cuối thế kỷ XIX, hệ thống đường Việt Nam chủ yếu vẫn dựa vào những con đường hẹp, đủ để đi bộ. Khi đó đường từ phía Bắc vào Nha Trang vẫn như trong ảnh.

Trước khi bị thực dân Pháp đô hộ, Biên Hòa là trung tâm của toàn bộ miền Nam với tên gọi Trấn Biên. Lúc Armand Rousseau sang Việt Nam, nơi đây vẫn chưa phát triển. Những bức ảnh ngôi đình ở Tân Uyên hay chùa ở Biên Hòa cho thấy hai thiết chế tín ngưỡng và tôn giáo tiêu biểu của người Việt và đây được xem là sức mạnh khai phá của người Việt ở phương Nam.

Phan Thiết được xác lập là thị xã của tỉnh Bình Thuận vào năm 1899, song lúc Armand Rousseau làm toàn quyền thì đây là một vùng đất hẻo lánh với những ngư dân. Họ sử dụng thuyền câu và đánh bắt cá mang đậm văn hóa Chăm.

Mỹ Tho trước năm 1899 chỉ là một tiểu khu, chưa phải một tỉnh. Thời đó vùng đất này chủ yếu là người Hoa di cư sang, dấu ấn của họ khá đậm nét, như làm cu li, làm chủ các con tàu. Chợ là nơi giao lưu của người Việt và người Hoa.

Trước năm 1899, Trà Vinh chưa phải là một tỉnh mà chỉ là một tiểu khu thuộc tỉnh Vĩnh Long. Người Việt nhiều, nhưng người Khmer cư ngụ sớm hơn. Vì vậy những ngôi chùa theo phong cách Phật giáo tiểu thừa, có những vị sư người Khmer mặc áo sáng là nét đặc trưng về đời sống tôn giáo ở đây.

Tây Ninh không xa Sài Gòn nhưng lại tiếp giáp Campuchia, thời đó kinh tế ở đây chưa phát triển. 

Côn Đảo được Pháp biết đến rất sớm. Từ năm 1862 đây đã là nơi giam giữ tội phạm cũng như những người chống đối chế độ thuộc địa. Những bức ảnh này được chụp vào thời điểm những cây cầu trên hòn đảo chính đang được xây dựng.

Phan Dương
Ảnh: Armand Rousseau.