Hơn ba tuần sau khi trở về từ Ironman Philippines 140.6 - cuộc đua full Ironman đầu tiên trong đời, những vết cháy da vẫn in hằn trên cánh tay của Túc Ngân. Cảm xúc từ cuộc tranh tài để giành vé dự Ironman World Championship còn nguyên vẹn trong tâm trí cô gái nhỏ nhắn người Sài Gòn.
Sau nhiều năm góp mặt ở các giải Ironman 70.3 (gồm 1,9 km bơi, 90 km đạp, 21,1 km chạy), năm 2019 Túc Ngân cảm thấy đã sẵn sàng cho một thử thách lớn hơn. Cô đăng ký dự Ironman Philippines 140.6 - giải full Ironman với 3,8 km bơi, 180 km đạp, 42,2 km chạy. Nhưng trước khi đến được với cuộc thi ở Vịnh Subic (Philippines), Túc Ngân phải trải qua hơn hai năm chờ đợi, và cả những hoài nghi.
Chơi full Ironman đòi hỏi nền tảng thể lực, sức bền và khả năng chịu đựng hơn người. Túc Ngân phải tập luyện từ 24 đến 30 tuần theo một giáo án nghiêm ngặt. Nhưng Covid-19 bùng phát khiến giải đấu tại Philippines bị hoãn.
Ban đầu, Túc Ngân lạc quan nghĩ rằng cô có thêm thời gian tập luyện. Nhưng cứ sau mỗi ba tháng rồi năm tháng chờ đợi, Túc Ngân dần mệt mỏi. Ngày thi đấu vẫn là ẩn số, trong khi cô phải đảm bảo lịch tập luyện, cân bằng giữa công việc và cuộc sống. "Tôi hụt hẫng khi giải hoãn vô thời hạn", Túc Ngân kể lại với VnExpress. "Điều duy nhất tôi có thể làm là tự nhủ bản thân 'Cứ tập duy trì'. Lâu lâu có tia hy vọng, tôi đi theo nó. Rất nhiều lần như thế, và dù rất lâu, những hy vọng ấy khiến tôi không thể từ bỏ. Cũng nhờ vậy, tôi gắng suốt ba năm, kiên định với mục tiêu của bản thân".
Đến đầu tháng 2, Covid-19 ở Philippines vẫn phức tạp, Túc Ngân cũng nhiễm bệnh, khiến cô như muốn buông xuôi. Nửa tháng trước ngày thi đấu, cô mới nhận thông báo từ ban tổ chức về việc các VĐV nước ngoài được phép tham dự. Vì thế, hai tuần trước "race day" như một cuộc đua khác của Túc Ngân. Vốn bận rộn với công việc của quản lý phát triển kinh doanh chuỗi siêu thị xe đạp thể thao hàng đầu Việt Nam, cô đồng thời phải bố trí thời gian để gấp rút chuẩn bị vé máy bay, khách sạn, tính toán việc di chuyển vì nơi diễn ra cuộc đua cách sân bay đến hơn 170 kilomet, vừa cân bằng công việc của một quản lý phát triển kinh doanh và phải tập để lấy lại thể lực sau khi khỏi Covid-19.
Đến khi có mặt tại vạch xuất phát hôm 6/3, cô nhủ rằng "đến được đây là đã thành công rồi", và quyết định tận hưởng cuộc đua một cách trọn vẹn, an toàn nhất.
Ironman World Championship có lịch sử 40 năm, với hơn 100.000 VĐV khắp thế giới đua tranh vé tham dự mỗi năm, và chỉ khoảng 5% VĐV xuất sắc được chọn từ các giải full Ironman trong chuỗi giải quy chuẩn. Mỗi giải, tuỳ quy mô, sẽ xác định từ 20 đến 45 suất đi Ironman World Championship. Ban tổ chức chia ra hạng tuổi, mỗi hạng tuổi có một đến hai suất tuỳ số VĐV xuất phát.
Khi Túc Ngân đăng ký năm 2019, nhóm tuổi 25-29 của cô còn có năm VĐV Philippines. So sánh thành tích của đối thủ cũng như thông số của bản thân suốt năm năm trước đó, Túc Ngân tự tin "có thể tranh vào top 2". Nhưng Covid-19 xảy ra, trong số VĐV Philippines, có người rút lui, có người lên nhóm tuổi cao hơn, khiến nhóm tuổi của Túc Ngân chỉ còn mình cô. Vì thế, khi vào vạch xuất phát, Túc Ngân đơn giản nghĩ rằng cô chỉ phải chiến đấu với bản thân, và đặt chiến thuật hoàn thành cuộc đua an toàn để có suất đi Ironman World Championship.
Bơi - phần thi đầu tiên - là thế mạnh của Túc Ngân. Nhưng khi tới vòng 2 và nằm trong nhóm dẫn đầu, cô bị VĐV bơi kế trước đạp trúng mặt nên phải dừng lại để điều chỉnh kính. Sự cố khiến Túc Ngân bị bỏ lại một mình giữa biển. Sau khi bình tĩnh điều chỉnh kính khít nhất có thể, cô bơi tiếp và bắt kịp lại nhóm đầu ở đoạn cuối, đạt top 2 tổng sắp phần bơi nữ. Lúc này, nước biển đã vào mắt Túc Ngân. Khi còn dưới nước, cô không thấy khó chịu, nhưng đến phần đạp thì thách thức bắt đầu. Mắt phải của Túc Ngân mờ dần, rồi không nhìn rõ nữa.
Bầu trời Subic trong xanh và ít mây, nên rất chói, nắng. Khi một mắt bị mờ, đau rát vì liên tục bị gió tạt vào, cứ khoảng 10 phút, cô phải dừng lại. Qua 90 km đầu, Túc Ngân vẫn trong top 3. Nhưng lý trí mách bảo cô chọn chiến thuật an toàn, thay vì gắng sức đạt thành tích thời gian ngắn nhất và đối mặt nguy cơ DNF (không hoàn thành cuộc đua) khi nhiều rủi ro tồn tại. Vì thế, đạp đến km thứ 120, Ngân quyết định ghé trạm y tế, nhờ băng lại mắt bị đau để giảm gió lùa và ánh nắng trực tiếp chiếu vào, kéo dài sức chịu đựng tiếp tục hoàn thành cuộc đua.
Sang phần thi chạy, trong 21 km đầu, Túc Ngân vừa thi đấu vừa nhắm mắt bởi con mắt còn lại cũng thấm mệt sau bảy tiếng hoạt động liên tục. Cứ khoảng năm bước chạy nhắm mắt, cô lại mở mắt để nhìn đường rồi chạy tiếp. Phải đến khi trời tối dần, mắt được nghỉ ngơi, đỡ cộm và chảy nước, Túc Ngân mới thoải mái hơn. Lúc gần về đích, cô tháo gạc băng mắt phải bị đau ra để có một tấm ảnh về đích.
Khi nhìn lại cuộc đua ở Subic, Ngân nói đùa: "Kỳ này, tôi đúng là nhìn đường đua bằng nửa con mắt".
Với thành tích 15 giờ 23 phút 58 giây - trong đó 1 giờ 22 phút bơi; 7 giờ 44 phút 05 giây đạp và 6 giờ 7 phút 41 giây chạy, Túc Ngân vào top 8 nữ, hoàn thành cuộc đua đúng theo phương châm an toàn. Và do chỉ có mình cô tham gia tranh tài ở nhóm tuổi, cũng là VĐV nữ trẻ tuổi nhất tại cuộc thi, Túc Ngân đạt mục tiêu giành vé dự Ironman World Championship. Lần đầu tiên một VĐV triathlon bán chuyên Việt Nam góp mặt tại giải đấu khắc nghiệt nhất thế giới của những "người sắt".
"Thành công không phải là chiến thắng tất cả, thành công nghĩa là mình cố gắng hết sức trong khả năng cho phép", Túc Ngân nói khi nhìn lại hơn 15 giờ đồng hồ đua tranh đã qua ở Subic. "Bước qua vạch đích, tôi thấy nhẹ nhõm, và tự hào khi được MC xướng tên người Việt Nam duy nhất hoàn thành cuộc đua. Tôi cũng tự hào khi sắp được xuất hiện ở giải VĐTG, đây không chỉ là niềm tự hào cá nhân, mà còn là cơ hội để triathlon Việt Nam xuất hiện ở một sân chơi tầm cỡ thế giới. Và tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều VĐV Việt Nam nữa giành vé tới Kona".
Nhìn lại thời gian chơi, tập thể thao rồi bén duyên với Ironman, Túc Ngân cho rằng sau tất cả, mục đích chơi thể thao là sức khoẻ của bản thân người tập và sự yên tâm cho người thân của họ. Cô giải thích: "Người mới tập chơi thể thao có xu hướng chạy theo thành tích. Điều đó cũng tốt, vì thành tích tiến bộ tạo động lực cho tập luyện. Nhưng tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu chúng ta xây dựng thói quen vận động trước, tập để khỏe đã, cho bản thân thời gian để tích luỹ thể lực, lựa chọn mục tiêu phù hợp hơn với bản thân, đừng một sớm một chiều đi dự các cuộc đua với cự ly khủng. Bạn vẫn có thể hoàn thành cuộc thi, nhưng sẽ phải chịu đựng đau đớn, nguy cơ chấn thương do cơ thể chưa quen cường độ vận động lớn. Rồi khi bạn chấn thương, thường chỉ có người thân ở bên cạnh, lao tâm khổ tứ vì bạn, cùng bạn chiến đấu với cơn đau. Lúc ấy, thành tích hay danh hiệu xa vời lắm".
Túc Ngân nhấn mạnh: "Chẳng có lý do gì chúng ta phải ép bản thân vì những yếu tố bên ngoài khi đến với thể thao. Tất cả phải xuất phát từ giá trị cốt lõi, tập thể thao vì sức khoẻ cho chính mình".
Một số giải thưởng của Lâm Túc Ngân
- Vô địch nhóm tuổi, top 8 nữ chung cuộc Ironman Philippines 2022
- Vô địch nhóm tuổi Ironman 70.3 Phillipines 2019
- Vô địch nhóm tuổi Ironman 70.3 2018 Vietnam
- Nhất nữ Vietnam Ironman 70.3 2018
Xuân Dịu