- Con đường nào đưa chị đến với thể hình, một môn thể thao không phổ biến với phụ nữ?
- Có lẽ, chủ yếu nhờ cơ duyên, nhưng để có được cơ duyên đó, lại nhờ một quyết định liều lĩnh của bản thân. Năm 2006, sau khi tham gia bộ môn đua xe đạp nữ và môn đẩy gậy tại Đại hội Thể dục Thể thao của tỉnh An Giang, tình cờ tôi được hai HLV của hai bộ môn cùng chọn vào đội tuyển của tỉnh. Đó là đội xe đạp và đội thể hình.
Đứng giữa hai sự lựa chọn đều hấp dẫn này, tôi quyết định đi theo tiếng gọi của cơ bắp, của giới lực sĩ. Quả thật, trên thế giới có rất nhiều VĐV nam và nữ tập thể hình, nhưng tại Việt Nam nói chung và An Giang nói riêng, chuyện phụ nữ tập luyện để có cơ bắp vẫn kỳ kỳ sao đó. Phụ nữ có thể đen nhẻm vì mải miết đạp xe, chạy điền kinh trên những chặng đường đua cháy nắng nhưng nếu cơ thể đầy ắp cơ bắp, che hết cả những đường cong quyến rũ thì lạ lắm. Tuy nhiên, tôi đã chọn thể hình vì đó là một thứ mới lạ, dù có nhiều thách thức cản trở nhưng số lượng người đi trên con đường đó sẽ ít hơn, nên sẽ có nhiều cơ hội hơn.
- Với hai HC vàng thế giới và tám năm liên tiếp giành HC vàng châu Á, chị đã đạt được mọi thành công mà một VĐV thể hình Việt Nam mơ ước. Làm thế nào để một cô gái nông thôn vươn lên đến đỉnh cao đó?
- Một điểm may mắn của tôi là dù sinh ra trong một gia đình nghèo khó nhưng lại có ba mẹ tuyệt vời, với tư duy phóng khoáng, cởi mở, lạc quan và luôn ủng hộ con cái. Ba mẹ chưa bao giờ cấm cản những gì tôi chọn, ngược lại, còn ủng hộ mạnh mẽ nhất trong mọi hoàn cảnh.
Ngay từ khi bước vào con đường VĐV chuyên nghiệp, tôi đã khắc ghi lời dặn của ba mẹ: "Đã chơi thể thao thì phải chơi cho ngon, cho giỏi nghe con". Chính vì thế, không bao giờ tôi để mình bị khuất phục bởi thất bại. Tôi luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi kiến thức mới, luôn đào bới, suy nghĩ sau mỗi màn thi đấu xem nếu thắng thì tại sao mình thắng, còn nếu thua thì tại sao mình thua. Tôi có nhiều câu hỏi tại sao đến nỗi tưởng như cơ bắp ở vùng đầu của mình cũng có hình dấu hỏi luôn.
- Ở trên chị nhắc đến "gia đình nghèo". Như thế là thế nào, vì quan niệm xưa nay thì thể hình chỉ dành cho những người có tiền chứ?
- Thực sự, tôi sinh ra từ một gia đình rất nghèo ở huyện Châu Thành, cách thành phố Long Xuyên chừng 10 km. Ba mẹ cả đời chỉ biết làm thuê, làm mướn để kiếm gạo nuôi tôi và em trai ăn học. Nhà tôi thời đó thuộc giai cấp vô sản đúng nghĩa, trong nhà chẳng có vật dụng gì đáng tiền cả.
Ba mẹ ngày ngày đi làm ngoài đồng ruộng hay xưởng sản xuất để lo cơm áo qua ngày cho cả gia đình bốn miệng ăn. Tuổi thơ của tôi gắn liền với chuyện năm nào cũng phải gặp các thầy, các cô ở trường để làm thủ tục xin miễn giảm tiền học phí. Được xét duyệt thì mừng rơn, bởi có thể giúp ba mẹ đỡ lo một khoản.
Thế nên, trong đầu óc của tôi bao giờ cũng chỉ suy nghĩ chuyện làm thế nào để vượt qua cảnh đời này, tìm kiếm mọi cơ hội xuất hiện dù chỉ là bé xíu. Và, khi có cơ hội được vào đội tuyển của tỉnh, tôi chộp lấy ngay với hy vọng cải thiện cuộc sống của gia đình.
Không bao giờ tôi có thể quên được hình ảnh mẹ chỉ mong kiếm được một kg gạo mỗi ngày để nấu cơm cho cả nhà. Thế mà, cũng có hôm không kiếm được, mẹ phải xin chủ ứng tiền công. Hình ảnh đó luôn là động lực để tôi phấn đấu tìm đến một tương lai tốt đẹp hơn, giúp bố mẹ và em trai không bị ám ảnh bởi cái đói, cái nghèo. Có thể nói, thể thao chính là chìa khóa để cho tôi mở cánh cửa mơ ước đó. Tôi đã chọn thể thao thay vì con đường học vấn và may mắn là đó là lựa chọn đúng đắn nhất cuộc đời tính đến lúc này.
- Đâu là lý do giúp một cô gái 18 tuổi, nặng 44 kg và cao 1m53, nhưng chỉ sau 40 ngày làm quen và tập luyện thể hình, đã đoạt HC vàng quốc gia 2006?
- Tôi hình thành thói quen tập thể dục từ nhỏ, luôn tham gia các hoạt động thể thao ở trường học, nên có thể nói tôi có nền tảng thể lực từ trước khi vào tập luyện thể hình. Nhờ đó, chỉ cần một tháng rưỡi làm quen với thể hình và ăn uống theo chế độ quy định, tôi đã giành HC vàng ở cuộc thi đầu tiên.
Nhưng còn có một yếu tố khác, và không biết có phải nhờ may mắn không là lúc đó chẳng có mấy nữ VĐV thi đấu thể hình. Cái này rõ ràng nằm trong nhận định của tôi khi phải chọn môn thể thao để theo đuổi. Tôi thấy mình đã đánh giá đúng: "Đây là một thứ mới lạ với VĐV nữ, sẽ có ít người tham gia, thế nên cơ hội thành công sẽ cao hơn các môn khác". Có thể coi đây bước chạy đà hoàn của sự nghiệp nhờ tính toán đúng và tận dụng tốt cơ hội.
- Đâu là bí quyết giúp chị sở hữu những bộ cơ tuỵệt vời hiện nay, điển hình như bộ cơ lưng?
- Như đã nói ở trên, tôi hay xem hình ảnh, video thi đấu, nghiên cứu đối thủ và cả bản thân để tìm ra ưu và khuyết điểm của bản thân và đối phương, từ đó sẽ có kế hoạch, tập luyện, xây dựng các nhóm cơ yếu, biến những điểm yếu trở thành ưu điểm.
Tất cả những điều này, tôi không cho là bí quyết cao siêu gì, chỉ là dụng tâm quan sát, suy luận và áp dụng vào tập luyện. Nếu đúng hướng thì cứ thế triển khai, nếu sai thì quay lại từ đầu: quan sát, suy luận, áp dụng. Ở trong thời đại mạng 4G, việc tìm kiếm kiến thức, thông tin cũng trở nên dễ dàng, khó nhất vẫn là tập luyện.
Với đặc tính cơ thể của nữ giới, các nhóm cơ khó thành tựu là nhóm cơ ở phần thân sau ví dụ như nhóm cơ lưng, nhóm cơ đùi sau, nhóm cơ bụng. Dựa vào đó, tôi tập trung phát triển các nhóm cơ này bằng được, và biến nó thành ưu điểm nổi trội cho mình.
- Để phát triển các nhóm cơ, bộ cơ và để cung cấp đủ năng lượng đã bị đốt cháy trong quá trình tập luyện, chị phải nạp lượng thực phẩm như thế nào?
- Quy định chung cho chế độ ăn của VĐV thể hình là 40-20-20, có nghĩa 40% protein 20% carbohyrats và 20% fat tốt. Chế độ ăn này sẽ giúp phát triển cơ bắp và tiêu hao mỡ thừa. Trong một ngày, mỗi VĐV thể hình cần ăn tối thiểu sáu bữa, mỗi bữa cách nhau khoảng 150 phút.
Tôi đang tập trung phát triển cơ bắp. Để cơ phát triển tốt, tôi phải ăn uống theo thực đơn của chuyên gia dinh dưỡng chuyên cho bộ môn thể hình của Mỹ. Theo đó, tôi phải nạp tối thiểu 2.000 đến 2.200 calorie và từ 130 gram đến 150 gram protein mỗi bữa ăn. Bữa ăn của tôi chủ yếu gồm thịt ức gà xông khói, súp lơ xanh, khoai tây, thịt thăn bò, thịt thăn heo, trứng gà, các loại sữa tăng cơ whey, yến mạch, cơm trắng, các loại củ... Những thực phẩm trên sẽ hỗ trợ cho việc phát triển cơ bắp, đồng thời nạp đủ năng lượng cho việc tập luyện.
- VĐV bơi Nguyễn Thị Ánh Viên từng kể rằng phải vừa khóc vừa nuốt khối lượng thức ăn theo đúng giáo án huấn luyện khi ăn tập bên Mỹ. Đã bao giờ chị cũng phải ăn trong nước mắt để đảm bảo những con số đó hay chưa?
- Mỗi ngày tôi thường ăn từ năm đến sáu bữa, do đó lượng thực phẩm đã được chia nhỏ, và khối lượng thức ăn luôn phù hợp với chương trình tập luyện. Mỗi bữa ăn của tôi, đều được cân đo đong đếm trọng lượng rõ ràng, đầy đủ các chỉ số về đường, chất béo, calorie, carb...
Giới VĐV thể hình không giống như VĐV bơi lội nên không cần nạp một khối lượng thực phẩm lớn như vài chục con tôm, vài lạng beefsteak cùng một lúc để xả trong quá trình vận độ cường độ cao nên tôi chưa bao giờ phải vừa ăn vừa khóc như Ánh Viên. Tuy nhiên, để phát triển được các bộ cơ hoàn hảo, tôi và đồng nghiệp đã phải nạp khối lượng thực phẩm kha khá, hơn rất nhiều so với người bình thường. Khoa học dinh dưỡng thể thao giờ cũng phát triển ở mức cao, tạo ra các thực phẩm giàu calorie, thấp carb và rất gọn nhẹ như các thanh protein chẳng hạn.
- Sự phát triển về cơ bắp sẽ dẫn tới sự thay đổi của các nội tiết tố. Vậy Kim Loan của năm 2021 có khác gì so với Kim Loan của trước năm 2006?
- Trong quá trình "body building", sự thay đổi các nội tiết tố là đương nhiên. Để có cơ bắp, tôi cần sự gia tăng của các nội tiết tố ích lợi như Testosterone, Insulin, Cortisol, Epinephrine, Glucagon, hormone tăng trưởng (GH)... Sự thay đổi tăng giảm này là bình thường và nó có lợi cho VĐV.
Có thể nhiều người sẽ hiểu nhầm là phát triển cơ bắp sẽ khiến tôi trông mạnh mẽ như nam giới mà còn thay đổi gì gì nữa chăng? Nhưng thật sự, so với ngày xưa, tôi bây giờ là một một phụ nữ trưởng thành hoàn chỉnh, bình tĩnh hơn trong việc xử lý mọi vấn đề, luôn kiên trì theo đuổi mục tiêu. Việc lên kế hoạch cho việc sống, việc tập luyện, việc thi đấu, việc kinh doanh cũng rõ ràng và tự chủ hơn. Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi thấy mình chững chạc và trưởng thành hơn cả về cuộc sống và tâm sinh lý. Và tất nhiên cũng cũng thu hái nhiều thành công hơn năm 2006.
- Nếu lùi lại và nhìn vào bộ sưu tập huy chương hiện tại, chị cảm thấy hãnh diện nhất với danh hiệu nào?
- Tất cả những thành tích, danh hiệu đạt được, tôi luôn trân quý. Tại mỗi giải đấu, đặc biệt khi thi đấu quốc tế, tôi đều nỗ lực hết mình, dành hết tâm huyết vì khát khao khoảnh khắc thấm đẫm lòng tự hào dân tộc không thể nào quên khi quốc kỳ Việt Nam được kéo lên cao nhất nhờ thành tích thi đấu của mình.
Lần đầu tiên tôi được ngắm lá cờ đỏ sao vàng bay cao phất phới trong tiếng quốc thiều hùng tráng, là khi đoạt tấm HC vàng quốc tế đầu tiên tại Hồng Kông năm 2008 tại giải Vô địch Thể hình châu Á. Đây cũng là tấm HC vàng châu Á đầu tiên của tôi sau hai năm tham gia tập luyện thi đấu môn thể hình. Sau thời khắc đó, tôi gọi điện thoại về nhà báo tin. Ba vui mừng tột độ, nhảy lên hoan hô như một đứa trẻ. Niềm tự hào đó, nỗi sướng vui của ba đó sẽ không bao giờ phai được trong tâm trí của tôi và nó luôn là động lực lớn để tiến lên phía trước.
- Nằm trong đội tuyển thể hình Việt Nam dự SEA Game 31, chị chuẩn bị thế nào để duy trì sự tự tin ở mặt trận quan trọng này?
- SEA Games 31 sẽ tổ chức tại Việt Nam và đây chính là nguồn động lực lớn đồng thời cũng là nguồn áp lực lớn cho các VĐV. Thi đấu trên sân nhà có sự ủng hộ của khán giả nhà thì phải thi đấu thật tốt nếu không thì ê mặt lắm. Tất nhiên, theo thói quen, tôi đã nghiên cứu kỹ các đối thủ của mình.
Nói thật, tôi chỉ ngại các VĐV Thái Lan, vì ở khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Singapore đều là những nước mạnh về thể hình. Nhưng tất cả các VĐV của các bộ môn thể thao tranh tài tại SEA Games 31 đều phải kiểm tra doping trước và trong cuộc thi. Do đó, tôi hoàn toàn tự tin so tài sòng phẳng mà không sợ bị gian lận.
Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Trung Tâm huấn luyện Thể Thao Quốc Gia, các VĐV dự SEA Games 31 chỉ tập trung tập luyện, thi đấu cho mặt trận này, không phải tham dự các giải thi khác. Nhờ đó các VĐV có sự tập trung cao độ, và hiện nay, đội tuyển thể hình quốc gia thi đấu tại SEA Games 31 đã tập trung tập luyện từ ngày 1/4. Tôi tự tin mình có sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ mang lại kết quả tốt nhất.
- Ai là đồng nghiệp tốt nhất và ăn ý nhất của chị?
- Môn thể hình, cũng như tennis hay bóng bàn, ngoài nội dung thi đấu cá nhân còn có thêm nội dung đôi nam nữ. Về mặt này, tôi lại thấy mình khá may mắn khi có được người đàn anh, người đồng đội đã dìu dắt và đồng hành với tôi đến thành công là VĐV Phạm Văn Mách.
Anh Mách là đồng đội ăn ý của tôi, là sự kết hợp quá hoàn hảo cả trong thi đấu cũng như trong cuộc đời. Tôi và anh Mách là đương kim vô địch quốc gia năm 2020 ở nội dung đôi nam nữ, hạng 55kg. Anh Mách cũng là tấm gương phấn đấu của tôi bởi anh đã vô địch thế giới 5 lần, vô địch châu Á 8 lần và có hàng chục HC vàng quốc gia.
- Làm thế nào để chị duy trì được bầu nhiệt huyết sau khi đã trải qua 15 năm tập thể hình và fitness?
- Với bộ môn thể thao đã giúp mình rèn luyện để có sức khoẻ tốt, có lối sống lành mạnh, có tư duy, suy nghĩ tích cực, có được tính kiên nhẫn và sự quyết tâm, đặc biệt là đã giúp cả tôi và gia đình đổi đời, thì càng ngày tôi càng yêu thể hình và fitness.
Vì yêu mến nên tôi càng dành nhiều thời gian để tập luyện. Bình thường, tôi tập luyện mỗi ngày hai buổi, sáng là 30 phút và chiều là một tiếng rưỡi. Chưa ngày nào tôi nghỉ tập. Tôi sẽ thấy khó chịu mỗi khi mình không được đến phòng tập như mỗi ngày sống mà quên thở vậy. Còn trong giai đoạn chuẩn bị cho SEA Games 31, lịch tập luyện của tôi vào buổi sáng là từ 9h đến 11h cùng đội tuyển tại CLB Thể Hình Việt Nam (TP HCM). Còn buổi tối, từ 19h30 đến 21h30, tôi tập luyện ở Oldschool Barbelt System (TP HCM).
- Việc một cô gái tập luyện, thi đấu và đạt thành tích cao trong bộ môn thể hình là điều không dễ thấy ở Việt Nam? Chị phải đối mặt với những thách thức nào?
- Thời gian đầu mới bước chân vào "nghiệp cơ bắp", tôi đã nhận được những lời khó nghe về việc con gái tập tạ, hay con gái có cơ bắp lực lưỡng, vai u thịt bắp trông chẳng nữ tính và giống phụ nữ chút nào. Buồn chứ, buồn dữ dội là đằng khác.
Nhưng nhờ ba mẹ an ủi, động viên, dần dần tôi thấy quen với những lời chê bai, đàm tiếu và cũng không quan tâm đến nó nữa, việc mình mình làm, việc họ nói thì tai họ nghe. Không phải ai cũng hiểu và cảm thông cho phụ nữ chơi những món của đàn ông đâu, còn nhiều kỳ thị lắm.
Thật sự, tôi không thích lối tư duy truyền thống rằng phụ nữ đẹp là người phụ nữ mảnh khảnh, chân yếu tay mềm. Thế nên, suốt nhiều năm qua, tôi luôn theo đuổi sự nghiệp thể hình và không ngừng tập luyện theo đuổi đam mê cháy bỏng của mình. Đến nay, với sự phát triển của nền công nghiệp Fitness và GYM thì tôi toàn nhận được những lời khen và ngưỡng mộ. Giới chị em bước vào "nghiệp cơ bắp" cũng nhiều hơn, thậm chí chẳng kém nam giới một phân nào. Cùng với thành công đã có, tôi càng tự hào về con đường thể thao ít người đi này hồi xưa.
- Đã khi nào chị mặc cảm với hình dạng "vai u, thịt bắp, mình bôi dầu" của bản thân chưa?
- Tự hào còn chẳng hết, lấy đâu ra mặc cảm. Tôi không hề mặc cảm hay xấu hổ về ngoại hình cơ bắp của mình vì tôi là VĐV thể hình đại diện cho Việt Nam, chiến đấu vì màu cờ sắc áo ở đấu trường quốc tế, và mang vinh quang về cho Tổ quốc. Thế vậy tại sao phải mặc cảm nhỉ?
Người không hiểu muốn nhìn tôi như thế nào cũng không quan trọng, bởi với tôi, khoảnh khắc thiêng liêng nhất vẫn là khi tất cả bạn bè quốc tế phải đứng nghiêm trang, ngước nhìn lá cờ Việt Nam được kéo lên cao nhất, phải nghe quốc thiều Việt Nam đầy trang nghiêm. Đó là điều tôi quan tâm.
Nhưng nói thật, khi tôi mặc áo dài, váy đầm trong các dịp lễ hội, tiệc tùng, tết nhất cũng rất đẹp và hấp dẫn lắm nha. Tôi hoàn toàn thoải mái trong váy xống bởi chúng làm tôi đẹp kiểu khác mà. Khi nào không phải tập luyện hay thi đấu, thì cứ phố lên đèn là em lên đồ thôi (cười).
- Nhưng khi mặc váy, chị cũng phải cố gắng để... mềm mại hơn chứ?
- Tôi may mắn có bạn thân Ngọc Quỳnh, luôn hỗ trợ tôi như một "stylist", giúp tôi có những bộ cánh phù hợp nhất. Nhưng quan trọng là tôi không cố gắng diễn hay làm cho mình mềm mại, để tự nhiên cũng đẹp và dễ thương quá trời mà. Cứ cảm thấy thoải mái là được. Với tôi, sự mềm mại phải nằm trong tâm hồn chứ không phải vẻ bề ngoài.
- Vậy chị quan niệm như thế nào về hình ảnh một người phụ nữ hiện đại?
- Đó là một khái niệm tương đối rộng nhưng có thể tóm tắt như sau: Đó là một phụ nữ độc lập, tự chủ, bản lĩnh, dám nghĩ dám làm và dám theo đuổi đam mê của mình. Cô ấy không để những luồng suy nghĩ lạc hậu làm ảnh hưởng đến định hướng tương lai. Nhưng cô ấy phải được gia đình, bạn bè tin tưởng, yêu mến và có trách nhiệm với gian đình và bản thân. Cô ấy phải có sức khỏe tốt, một vóc dáng săn chắc nhưng vẫn đủ khả năng chăm chồng, chăm con. Cá nhân tôi còn rất thích nấu ăn. Người phụ nữ muốn trở thành gì trong xã hội cũng được, nhưng phải biết nấu ăn để chí ít chăm sóc cho bản thân mình.
- Chuyện yêu đương của một nữ lực sĩ khác người thường thế nào?
- Thật lòng tôi không đặt nặng vấn đề hôn nhân, phải lấy chồng và sinh con. Bởi tôi đang sống đời độc thân vui quá trời luôn, vì tôi được tự do thoải mái làm mọi điều mình thích, kể cả điên rồ và được toàn tâm chăm sóc ba mẹ.
Tôi không hề ngại yêu, nhưng yêu đâu chỉ nói về tình yêu đôi lứa mà yêu là còn là trân trọng hết mình cho từng khoảng khắc sống, yêu công việc của mình, yêu gia đình, yêu đất nước quê hương, yêu con chó con mèo trong nhà. Khi yêu ai đó, tôi chẳng ngại gì vẻ ngoài cơ bắp của mình bởi anh ta sẽ phải là người yêu nó còn hơn cả tôi. Nhưng anh ta còn phải là người có sự đồng điệu về tâm hồn, về suy nghĩ, về phong cách sống, và cả sở thích với tôi. Tôi không thể nhắm mắt chọn bừa cho có đâu nha. Tôi luôn nhắc mình: "Đừng vì phút giây cô đơn nhất thời mà chọn sai người".
Và trước khi yêu hay trước khi kết hôn, tôi sẽ hỏi người bạn đời của mình có đồng ý với sự nghiệp tập luyện và thi đấu thể hình của tôi hay không, vì đây chính là cuộc sống của tôi và tôi sẽ không vì ai mà thay đổi cách sống của mình.
- Chị nói rằng nhờ "đời độc thân" mà toàn tâm chăm sóc cho cha mẹ? Vậy, từ khi kiếm tiền được từ thể thao, chị đã làm gì cho họ?
- Với những thành tích đạt được ngần ấy năm, tôi cũng đã giúp đời sống gia đình khấm khá hơn nhờ tiền lương và tiền thưởng ngày càng tốt hơn. Nhờ đó, tôi đã xây sửa nhà cho ba mẹ, phụ giúp ba mẹ lo cưới xin cho em trai, sắm sanh một căn hộ chung cư, một căn nhà liền kề đem cho thuê để ba mẹ có khoản thu nhập ổn định, không còn phải vất vả chạy ăn như xưa nữa.
- Sau này khi không còn phải nâng tạ, lên gồng để thi đấu nữa, chị sẽ làm gì để kiếm sống?
- Tôi có nhiều kế hoạch lắm. Dễ nhất là làm những việc liên quan đến thể hình và fitness như hướng dẫn tập luyện tại phòng Gyms hay trở thành HLV chuyên nghiệp. Hoặc tôi sẽ bước vào nghề buôn bán bởi ngay bây giờ, tôi cũng đã kinh doanh thực phẩm rồi. Tôi thích thú cưng nên đây cũng là một hướng đi tốt bởi chăm sóc thú cưng là một ngành dịch vụ đầy hứa hẹn.
Nhưng đấy là tương lai, còn hiện tại tôi rất hài lòng và biết ơn cuộc sống đã ban tặng cho mình nhiều may mắn, nhiều người thân, người thương, bạn bè, thầy cô, đồng đội. Không phải lúc nào cũng có cả thành công lẫn sự yêu mến của người thân và bạn bè. Nhiều nhà vô địch đã rất cô đơn, và may mắn thay, tôi không phải trong số đó.
Tuệ Lam