Qua tám lần dự Olympic, Chusovitina giành HC vàng đồng đội 1992 - kỳ đại hội đầu tiên trong sự nghiệp, và HC bạc cá nhân 2008. Bên cạnh đó, bà từng giành 11 huy chương các loại ở giải vô địch thế giới, gồm chín huy chương ở nội dung nhảy chống sở trường.
Tại Olympic gần nhất - Tokyo 2020, Chusovitina giành số điểm trung bình khá cao là 14,166 nhưng không đủ vào vòng chung kết. Nữ VĐV này đã rơi nước mắt khi xác định đó là đại hội cuối cùng trong sự nghiệp, trước khi thay đổi quyết định và tiếp tục thi đấu.

Oksana Chusovitina thi đấu nội dung nhảy ngựa (vault) tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Reuters
Trải qua nhiều thăng trầm trong hơn ba thập kỷ thi đấu thể dục dụng cụ quốc tế, nhưng Chusovitina xem việc lỡ giải vô địch châu Á 2024 tại quê nhà Tashkent, Uzbekistan và sau đó là Olympic Paris 2024 vì chấn thương là giai đoạn khó khăn bậc nhất trong sự nghiệp.
"Tôi hy vọng một màn trình diễn tốt trước khán giả nhà Tashkent, nhưng điều đó không xảy ra và đã giết chết tinh thần của tôi", Chusovitina nói với trang chủ Olympics ngày 18/2. "Nhưng không sao. Tôi hồi phục dần dần, những gì đã xảy ra giúp tôi có thể đứng dậy và tiếp tục tiến về phía trước".
Chusovitina đánh dấu màn tái xuất khi đăng ký thi đấu nhảy ngựa (vault) và xà thăng bằng (balance beam) tại Cottbus World Cup diễn ra tại Đức từ ngày 20 đến 23/2. Bà thi đấu giải này lần đầu tiên vào năm 1989.
"Giờ tôi cảm thấy tuyệt vời", Chusovitina nói. "Những điều tồi tệ đã qua. Tôi cố gắng không làm quá sức, tiếp cận quá trình phục hồi chậm rãi và ít nhiều lấy lại phong độ. Tất nhiên, tôi chưa ở mức hoàn hảo, nhưng sẵn sàng về thể chất để thi đấu ở Cottbus".

Oksana Chusovitina qua tám lần dự Thế vận hội.
Sau World Cup ở Cottbus, Chusovitina muốn tiếp tục thi đấu giải vô địch châu Á vào tháng 5, và trở lại thi đấu trên sân nhà trong một sự kiện quan trọng. "Sẽ có giải tại Tashkent vào tháng 5, khi tôi đón sinh nhật lần thứ 50. Đó là World Challenge Cup", bà cho biết. "Tôi thực sự muốn thi đấu ở đó nên tôi đang cầu nguyện. Điều quan trọng nhất là không bị chấn thương và giữ sức khỏe".
Nhưng mục tiêu cao nhất mà Chusovitina hướng tới là lần thứ chín dự Thế vận hội, tại Los Angeles 2028 ở tuổi 53. "Mục tiêu số một của tôi là đến Los Angeles", bà nói. "Nhưng còn rất nhiều thời gian nên tôi không nghĩ xa đến thế. Tôi đi từng bước, từ cuộc thi này sang cuộc thi khác. Nếu có thể tới Los Angeles thì thật tuyệt, nếu không thì cũng chẳng sao. Nhưng tôi sẽ cố gắng và nỗ lực hết mình".
Khoảnh khắc đẹp của Chusovitina tại Olympic Tokyo 2020.
Chusovitina thuộc nhóm hai VĐV hiếm hoi dự Olympic trong hàng ngũ ba đội tuyển khác nhau. Đó là đội tuyển thống nhất năm 1992 (do Uỷ ban Olympic quốc tế IOC lập ra cho các VĐV đến từ Liên Xô cũ dự Olympic tại Barcelona sau khi nhà nước liên bang này tan rã), Uzbekistan năm 1996, 2000, 2004, 2016, 2020 và Đức năm 2008, 2012. Trước đó, Chusovitina từng khoác áo đội tuyển Liên Xô cũ.
Hiện, bà thuộc nhóm 18 VĐV, gồm sáu VĐV nữ, dự tám kỳ Thế vận hội. Afanasijs Kuzmins và Hubert Raudaschl cùng có chín lần, còn Nino Salukvadze và Ian Millar giữ kỷ lục 10 lần.
Hồng Duy