Tại Olympic Tokyo, các VĐV trong sạch của Nga được thi đấu dưới danh nghĩa của Ủy ban Olympic Nga (ROC). Họ mặc trang phục có màu đỏ, xanh, trắng - tương đồng màu quốc kỳ Nga, nhưng không được mang cờ và nghe quốc ca Nga. Thay vào đó, 333 VĐV sử dụng lá cờ có biểu tượng Olympic và nghe bản nhạc của Tchaikovsky khi lên bục nhận huy chương.

Mariya Lasitskene - ba lần vô địch thế giới, là niềm hy vọng của ROC ở môn nhảy cao. Ảnh: AP
Ngay trước khi lên đường tới Tokyo, ROC loại hai VĐV chèo thuyền vì dương tính doping. Sử dụng chất cấm là vấn nạn với thể thao Nga trong một thập kỷ qua. Chính bê bối này khiến họ bị Tòa Trọng tài Thể thao (CAS) cấm dự các giải quốc tế trong hai năm. Tuy nhiên, số VĐV thuộc ROC tới Tokyo vẫn tăng hơn 50 người so với Olympic Rio 2016.
Các môn mạnh nhất của ROC là thể dục dụng cụ, bơi nghệ thuật, vật, đấu kiếm và judo. Điền kinh và cử tạ có hệ thống trừng phạt riêng với các vận động viên Nga. Họ cần trải qua quá trình kiểm tra đặc biệt về tiền sử xét nghiệm chất cấm trước khi được chứng nhận là "vận động viên trung lập được ủy quyền". Chỉ những người nhận chứng nhận này mới đủ tư cách đến Tokyo.
Tại Olympic 2012, Nga bị tước 15 huy chương, gồm năm vàng, tám bạc và hai đồng. Hệ thống kiểm tra doping của Nga được xác định đã bao che cho các VĐV vi phạm trong thời gian dài. Nhiều người cho rằng khi hệ thống này được làm sạch, thành tích của thể thao Nga sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Đó là điều các VĐV ROC muốn phủ nhận tại Tokyo.
Ủy ban phòng chống doping Thế giới (WADA) ban đầu cấm VĐV Nga dự các giải quốc tế trong bốn năm. Việc CAS giảm án xuống hai năm, vì thế, được xem là thắng lợi cho thể thao Nga. Tháng trước, Nga vẫn theo đuổi vụ kiện với Liên đoàn Bơi quốc tế về trường hợp bị cấm thi đấu của hai VĐV Alexander Kudashev và Veronika Andrusenko. Cả hai bị WADA tung bằng chứng sử dụng doping. Hôm 18/7, CAS quyết định họ không được dự Olympic Tokyo.
Bên cạnh ROC, Olympic Tokyo còn có đoàn thể thao đặc biệt với 29 thành viên là những người tị nạn. Họ tới từ nhiều quốc gia đang xảy ra nội chiến hoặc bất ổn chính trị như Syria, Congo, Nam Sudan, Afghanistan... Năm năm trước, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) thành lập đoàn thể thao đặc biệt này với tổng cộng 10 thành viên. IOC đã dành một số vé mời cho các VĐV này tới Tokyo tranh tài. 29 người thuộc đội tị nạn chủ yếu dự các nội dung của môn bơi và điền kinh.
Vy Anh (theo AP)