Hôm qua 30/7, Wang cùng Su Yingsha thắng đôi VĐV Triều Tiên 4-2 để giành HC vàng đôi nam nữ. Nhưng niềm vui của anh nhanh chóng chuyển thành tức giận và thất vọng khi phát hiện vợt bị gãy.
Video ghi lại sự việc cho thấy Wang để vợt ở khu vực HLV Trung Quốc ngồi. Khi anh cùng Su cầm cờ Trung Quốc để chụp ảnh, một nhiếp ảnh gia đã quá vội vàng chạy đến chụp lại khoảnh khắc và giẫm chân làm gãy vợt.
Các VĐV bóng bàn thường chỉ quen thi đấu với một chiếc vợt duy nhất trong thời gian dự giải. Việc phải dùng vợt khác có thể gây ra mất cảm giác và giảm chất lượng thi đấu. Wang thất thần, có phần nổi nóng và yêu cầu giải thích. HLV của anh đã ôm để an ủi, và cùng Su khuyên tay vợt nam giữ bình tĩnh.
"Tôi hơi mất kiểm soát cảm xúc", Wang nói với Reuters. "Tôi không hiểu sao các nhiếp ảnh gia lại làm vậy".
Nhưng sau đó, VĐV sinh năm 2000 cho rằng không ai chủ ý làm hỏng vợt trong chuyện này. Anh chấp nhận mọi thứ đã diễn ra và tin vẫn có thể chơi tốt với vợt dự phòng. "Số phận có lẽ sắp đặt như vậy", anh cho hay.
Trên mạng xã hội Weibo và X, nhiều người hâm mộ bày tỏ sự tức giận với các nhiếp ảnh gia vì sự cố của Wang. Công tác tổ chức sự kiện của chủ nhà Pháp lại ghi dấu thêm một chuyện không hay.
Nhưng cố gắng lấy lại tự tin, Wang Chuqin, với cây vợt mới, vẫn đánh dưới sức và thua VĐV Thụy Điển Truls Moregardh 2-4 ở vòng 1/16 đơn nam chiều nay 31/7. Đây là kết quả gây sốc vì Wang là hạt giống số một, còn Moregardh chỉ đứng thứ 26 thế giới. Tan trận, VĐV Thụy Điển quỳ xuống và tỏ ra không tin vào những gì đã xảy ra, trước khi đi vòng quanh nhà thi đấu cảm ơn người hâm mộ.
Wang thì thừa nhận cảm xúc tồi tệ. Anh nói thêm: "Tôi đã đi từ đỉnh cao xuống đáy vực. Cạnh tranh trong thể thao là thế. Tất cả là do tôi đã chơi không đủ tốt. Tôi sẽ quay về và suy ngẫm về thất bại hôm nay".
Ở nội dung này, Trung Quốc vẫn còn hạt giống số hai Fan Zhendong – gặp tay vợt Hong Kong Wong Chun-ting ở vòng 1/16. Fan là á quân Olympic 2020, nơi VĐV này thua đàn anh Ma Long ở chung kết.
Việc Wang thua khiến Trung Quốc không thể nối dài mạch chung kết đơn nam Olympic toàn VĐV của họ, như bốn kỳ trước. Lần gần nhất một tay vợt không phải người Trung Quốc vào chung kết Thế vận hội là từ Athens 2004, khi VĐV Hàn Quốc Ryu Seung-min thắng Wang Hao 4-2.
Wang vẫn có thể giành thêm HC vàng tại Olympic 2024, khi còn dự nội dung đồng đội nam. Trung Quốc đã giành cả bốn HC vàng ở nội dung này.
Bóng bàn lần đầu được đưa vào chương trình Olympic tại Seoul 1988. Đến nay, Trung Quốc giành sáu trong chín HC vàng đơn nam. Tính tất cả nội dung, Trung Quốc thâu tóm 32 trong tổng số 37 HC vàng, cùng 20 HC bạc và tám HC đồng. Xếp sau là Hàn Quốc (3-3-12), Nhật Bản (1-3-4).
Trung Thu