FIG ra phán quyết dựa trên kết quả xét nghiệm của Cơ quan Kiểm nghiệm Quốc tế (ITA) ngày 6/3. Hà Vi dương tính với các chất cấm gồm hydrochlorothiazide, chlorothiazide, amiloride và sibutramine, thuộc danh mục thuốc lợi tiểu, chất kích thích, chất che đậy của Cơ quan Phòng chống Doping Thế giới (WADA).
Mẫu xét nghiệm của Hà Vi được thu thập ngày 16/9/2023 tại giải Thể dục Vô địch châu Á 2023 ở Mông Cổ - nơi cô giành HC vàng ở nội dung cá nhân nữ. FIG xác nhận Hà Vi sẽ bị tước HC vàng tại giải và sẽ bị cấm thi đấu trong hai năm, có hiệu lực đến ngày 25/11/2025. Ngoài ra, các thành tích của Hà Vi, nếu có, tính từ ngày 16/9/2023 trở đi cũng sẽ bị huỷ.
Sau khi nhận kết quả mẫu thử đầu tiên, Hà Vi đã làm đơn giải trình gửi WADA, FIG và ITA. Vì cần thời gian đánh giá, nên đến ngày 6/3/2024, FIG mới được công bố án cấm thi đấu với VĐV này.
Theo Liên đoàn Thể dục Việt Nam, trước giải đấu, Hà Vi nói rằng cô bị viêm đường tiết niệu nên sử dụng thuốc để chữa trị mà không kiểm tra kỹ thành phần các chất. Bên cạnh đó, Hà Vi không thông báo chi tiết cho ban huấn luyện dẫn đến sự việc. Hà Vi sẽ được duy trì tập luyện, nhưng phải chấp hành án cấm thi đấu.
Hà Vi sinh năm 2002, tập aerobic từ năm 12 tuổi ở Trường Phổ thông Năng khiếu Thể dục Thể thao Hà Nội. Cô được đánh giá là tài năng lớn của thể dục Việt Nam. Năm 2016, Hà Vi giành HC vàng nội dung đơn nữ lứa tuổi 12 đến 14 ở Cup aerobic thế giới tại Nhật Bản. Sau đó, cô lần lượt giành HC bạc ở SEA Games 31 và HC vàng SEA Games 32 nội dung đơn nữ. Đến năm 2023, Hà Vi đạt thành tích ấn tượng với tấm HC vàng đơn nữ ở giải aerobic thế giới, nhưng lại dính doping.
"Bóng ma doping" tiếp tục đeo bám thể thao Việt Nam. Gần nhất tại SEA Games 31, năm VĐV điền kinh đã bị cấm thi đấu từ 16 đến 18 tháng và hủy thành tích, gồm Quách Thị Lan, Hoàng Thị Ngọc, Vũ Thị Ngọc Hà, Lê Ngọc Phúc và Khuất Phương Anh.
VĐV thể dục dụng cụ Đỗ Thị Ngân Thương cũng dương tính doping ở Olympic 2008 và bị cấm thi đấu một năm. Năm 2010, VĐV cử tạ Hoàng Anh Tuấn bị cấm thi đấu hai năm. Một đô cử khác là Trịnh Văn Vinh nhận án cấm thi đấu bốn năm và mới trở lại thi đấu quốc tế từ SEA Games 32.
Điểm chung của các trường hợp dính doping này đều là VĐV tự ý dùng thuốc mà không thông báo cho ban huấn luyện, hoặc bác sĩ đội tuyển. Thông thường, các VĐV phải giữ lại các vỏ thuốc để làm bằng chứng giải trình với WADA.
Hiếu Lương