Theo điều 463 Bộ luật dân sự 2015, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự, người có hành vi vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; hoặc vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản thì có thể bị xem xét về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật Hình sự.
Đối chiếu với trường hợp của bạn, chúng tôi thấy rằng đây chỉ là hợp đồng vay tài sản thông thường, không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự của bên vay. Trên thực tế, khi người vay không trả được nợ đến hạn, ngân hàng cũng chỉ đôn đốc để thu nợ. Khi đã quá thời hạn nhất định, ngân hàng sẽ khởi kiện tại tòa án chứ không chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra.
Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, ngân hàng sẽ có đơn yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành bản án theo quy định của pháp luật (kê biên, đấu giá, phát mại tài sản... của con nợ để thu hồi tài sản).
Để giải quyết vấn đề, bạn nên làm đơn gửi ngân hàng xin gia hạn nợ gốc; miễn, giảm một phần lãi để được ngân hàng xem xét và bạn phải cam kết tiến độ trả gốc và lãi trong các kỳ tiếp theo. Kèm theo đơn là các tài liệu chứng minh hoàn cảnh khó khăn là do khách quan như thất nghiệp, tai nạn, ốm đau, bệnh tật...
Thời gian qua không ít ngân hàng đã miễn, giảm, gia hạn thời hạn trả nợ để khách hàng vượt qua khó khăn, có điều kiện tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Luật sư Đỗ Trọng Linh
Công ty Luật Bảo An Hà Nội