- Cháu năm nay 22 tuổi. Cháu mắc bệnh vảy nến từ năm 10 tuổi. Bệnh làm cháu mất tự tin khi giao tiếp cũng như trong sinh hoạt. Cháu cũng từng đi khám và điều trị nhiều nơi, kể cả bắn bằng tia laser trong lồng kính nhưng không khỏi. Vậy bác sĩ có thể tư vấn giúp cháu những cách điều trị hoặc là những giải pháp giúp hạn chế tác hại của bệnh không ạ?(Hồ Thị Hồng Y, 22 tuổi)
- Vảy nến là một bệnh ngoài da mạn tính, có tổn thương là mảng màu hồng, đóng nhiều lớp vảy dầy, bệnh hay tái đi tái lại nhiều lần. Nguyên nhân chưa được rõ, có thể có vai trò của yếu tố di truyền rối loạn miễn dịch.
Có nhiều cách điều trị: nhẹ có thể sử dụng thuốc bôi, ví dụ thuốc mỡ Salicylic, mỡ Daivonex, mỡ Daivobet. Trường hợp nặng hơn có thể sử dụng thuốc toàn thân theo sự thăm khám và hướng dẫn của bác sĩ da liễu.
Ngoài ra, người bệnh cần lưu ý một số điểm như: tránh để thần kinh căng thẳng, không để mất ngủ, hạn chế chất béo chất ngọt, không nên hút thuốc, không uống rượu bia nhiều và không nên sử dụng thuốc một cách bừa bãi như chích hoặc uống thuốc có chất Corticoid, mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.
- Cháu năm nay 35 tuổi bị bệnh vấy nến 25 năm, chữa trị cũng nhiều nhưng chẳng khỏi. Cháu đã có chồng và có con, nhiều lúc rất sợ phải giao tiếp gần với mọi người vì sợ mọi người nhìn thấy các điểm đóng vẩy trên đầu, người, thậm trí các móng chân gần như thối hết. Xin cầu cứu từ bác sĩ. (Nguyễn Thị Hồng, 35 tuổi)
- Như bạn đã biết, bệnh vảy nến là một bệnh ngoài da mạn tính có thể tái đi tái lại nhiều lần. Nguyên nhân chưa được hiểu rõ một cách đầy đủ. Nếu bạn bị vảy trên đầu thì bạn có thể sử dụng thuốc bôi như Xamiol dạng gel hoặc Daivonex Solution dạng nước. Nếu ở móng chân, bạn có thể bôi mỡ Daivobet mỗi ngày một lần. Những loại thuốc này có thể giúp giảm triệu chứng một cách nhanh chóng, giúp bạn tự tin hơn trong giao tiếp.
- Tôi có bầu ở tuần thứ 24, từ khi bắt đầu có thai thì bị ngứa ở 2 chân, rất ngứa, chân nổi cá mụn nước nhỏ, gãi bị dập ra và mức độ ngứa cũng như lây lan ngày càng nhiều hơn. Tôi không dám dùng thuốc bôi, đến nay gần 6 tháng, chân tôi vẫn còn rất ngứa, sẹo chằng chịt, thâm đen. Làm sao để giảm ngứa mà không ảnh hưởng đến em bé. Trước khi mang thai tôi bị chàm mãn tính, nhưng rất ít, hơi ngứa bôi pomad Diprosalic là hết, nhưng tôi thấy thuốc đó chống chỉ định cho phụ nữ mang thai nên không sử dụng. (Trần Thị Thanh, 28 tuổi)
- Trường hợp của bạn được chẩn đoán là bệnh chàm, việc bạn hạn chế hoặc tránh bôi Diprosalic là đúng. Bạn có thể chọn những thuốc bôi khác trị chàm mà không ảnh hưởng đến thai như A Derma Skincare hoặc Eucerin Omega và uống thêm thuốc chống dị ứng theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Thông thường lúc có thai việc chữa trị bệnh chàm rất khó khăn hơn người bình thường. Bạn có thể tránh một số thức ăn như đồ biển, trứng, thức ăn lên men, tránh tiếp xúc xà bông thơm...
- Tôi năm nay 51 tuổi; đã bị bệnh vảy nến 15 năm nay. Bệnh có lúc bộc phát trên da đầu, bóc ra từng mảng trắng, ngứa ngáy khó chịu. Tôi xin hỏi là có cách nào để để giảm bớt, hoặc chấm dứt hẳn bệnh này (đã mãn tính); Cách phòng ngừa, chế độ ăn uống và sử dụng thuốc điều trị bệnh này? Dùng thuốc đông y nào có thể trị được bệnh này? (Lê Duy Linh, 51 tuổi)
- Bệnh vảy nến là bệnh ngoài da mạn tính, bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần điều trị gặp nhiều khó khăn. Tuy không thể chữa khỏi hẳn nhưng ta có thể kiểm soát được bệnh này. Trường hợp bạn bị vảy nến trên da đầu bạn có thể chọn thuốc bôi Xamiol dạng gel bôi mỗi ngày một lần vào buổi tối. Kết quả sẽ thấy rõ rệt trong vòng một tuần và có thể sử dụng kéo dài.
Về phòng ngừa bạn tránh những việc gây căng thẳng thần kinh, ngủ đầy đủ một ngày 6-8 tiếng, tập thể dục điều độ mỗi ngày, tránh bia rượu chất béo động vật, ăn thêm nhiều trái cây tươi, uống nước đầy đủ mỗi ngày khoảng 2 lít. Hiện tại chưa có thuốc đông y nào có hiệu quả rõ rệt đối với bệnh vảy nến.
- Bệnh vảy cá và bệnh vảy nến khác nhau nhiều không bác sĩ ? Sao nghe nhiều người bàn về bệnh vảy nến, còn bệnh vảy cá tuy không nguy hiểm nhưng cũng gây khó chịu cho người bệnh mỗi khi trời lạnh, da nứt nẻ ra. Có cách điều trị cho bệnh vảy cá không thưa bác sĩ? (Hoang Ngoc Hai, 36 tuổi)
- Vảy cá là bệnh ngoài da do yếu tố di truyền, trên da đóng một lớp vảy khô thường gặp ở vùng cẳng chân, ít hơn là ở đùi, cẳng tay vào mùa lạnh thì triệu chứng rõ hơn vào mùa nóng. Thường người bệnh không có cảm giác khó chịu nhiều. Để giảm bớt triệu chứng này, bạn có thể sử dụng thuốc bôi có chất Urea (bôi một ngày 2 lần vào sáng và chiều).
- Tôi đã nghe nói nhiều về bệnh vẩy nến, xin bác sĩ giải thích rõ hơn về bệnh vẩy nến và nguyên nhân gây bệnh ? (Trương Văn Anh Hoàng, 23 tuổi, 586/30 Ông Ích Khiêm, Đà Nẵng)
- Bệnh vảy nến là bệnh mạn tính, tái đi tái lại, không lây xảy ra do tình trạng tăng sinh của lớp tế bào thượng bì ở da. Đối với da người bình thường thời gian đổi mới của tế bào thượng bì là khoảng 4 tuần, đối với da người bị vảy nến thời gian này giảm xuống còn 4 ngày đến 1 tuần. Kết quả da người bệnh sẽ có những mảng đỏ và nhiều lớp vảy nằm trên mảng đỏ đó.
Bệnh vảy nến chiếm khoảng 2% dân số, có thể gặp ở mọi lứa tuổi thường khởi phát ở lứa tuổi 20-30, xảy ra ở mọi giống người, nam nữ có khả năng mắc bệnh như nhau. Người lớn thường bị bệnh hơn trẻ em.
Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được nghiên cứu và hiểu rõ đầy đủ. Nhiều nghiên cứu cho rằng sự bất thường về miễn dịch là nguyên nhân chính gây ra. Thêm vào đó các yếu tố như di truyền, xáo trộn sinh hóa, chấn thương tâm lý, nhiễm siêu vi, sử dụng thuốc ức chế Beta điều trị cao huyết áp... làm thúc đẩy phát sinh bệnh vảy nến.
Mặc dù có nhiều yếu tố làm phát sinh bệnh, bạn cũng không nên lo lắng nhiều để tránh làm bệnh phát triển nặng thêm. Hiện nay đã có cách điều trị giúp kiểm soát bệnh vảy nến.
- Tôi đã bị bệnh chàm hơn hai tháng, mỗi lần tắm xà bông là bị ngứa và vết thương càng lớn dần. Khi ăn thịt bò hay tôm cũng bị ngứa. Xin bác sĩ cho biết tôi phải điều trị như thế nào? (To Thi Thu, 53 tuổi, 61/6 tran quoc tuan go vap)
- Chàm là một bệnh ngoài da do nhiều nguyên nhân, trong đó xà bông tắm, thịt bò, hay tôm cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh chàm. Do đó, để điều trị khỏi bệnh chàm, bạn cần phải tìm và loại trừ nguyên nhân gây ra bệnh. Trong trường hợp ngứa, bạn có thể sử dụng một số thuốc bôi như Fucidine H hoặc Fucicort (bôi ngày hai lần) lên ngay tại điểm ngứa.
- Tôi bị bệnh vẩy nến được 10 năm, đã dùng thuốc nhiều nơi, nhưng không đỡ. Thời gian này thấy bệnh phát triển nhiều toàn thân. Xin bác sĩ cho lời khuyên. Tôi xin chân thành cảm ơn. (Nguyễn Thị Liêm, 51 tuổi, Thành phố Hà Tĩnh)
- Trường hợp bị vảy nến toàn thân thì bạn phải tới bác sĩ da liễu để được khám và điều trị. Bạn không thể tự ý điều trị ở nhà vì tự sử dụng thuốc toàn thân tại nhà có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí thuốc có thể gây ngộ độc dẫn đến tử vong cho bạn.
- Tôi bị bênh vảy nến hơn 10 năm, đã chạy chữa khắp nơi các loại thuốc Đông - Tây y dược, nhưng bệnh vẫn không hết. Theo như đọc và tìm hiểu bệnh này là do di truyền và không chữa khỏi được, vậy những người bệnh chúng tôi phải làm sao? Tôi có bôi nhiều loại thuốc và hiện sử dụng thuốc temprosone, nhưng các loại thuốc đều ghi chú chỉ sử dụng không quá bốn tuần, nhưng tôi đã bôi rất lâu. Vậy xin hỏi bác sĩ có ảnh hưởng gì không, nhất là vấn đề con cái. Tôi đang ở độ tuổi sinh đẻ, mới lấy chồng. (Ngô Mai Trang, 25 tuổi)
- Bệnh vảy nến là bệnh có thể do yếu tố di truyền, tuy không chữa khỏi hẳn, nhưng có thể kiểm soát được bằng những thuốc bôi. Temprosone là thuốc bôi có chứa chất Corticiod không sử dụng kéo dài lâu được, bởi thuốc này có thể gây nhiều tác dụng phụ trên da như: teo da, rạn da, giãn mao mạch... Bạn có thể chọn thuốc bôi mà không có chứa chất Corticiod như: Daivonex (bôi một ngày hai lần) hoặc Daivobet (bôi chỉ một ngày một lần), hoặc mỡ Salicylic 5-10%. Ngoài ra, bạn cần lưu ý, khi bạn muốn có thai, nên tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu khi lựa chọn thuốc bôi, hoặc thuốc uống thích hợp.
- Em có một vùng da trên mặt thường bị bong vẩy. Em đoán là vảy nến. Bác sĩ cho em hỏi em có thể chữa khỏi không? Và tốt nhất em nên khám ở đâu? Liệu có khám ra đúng bệnh không? (Bùi Văn Nam, 25 tuổi, 16a/8a Vũ Ngọc Phan, P13, Q Bình Thạnh)
- Trường hợp của bạn có thể mắc một trong những bệnh sau đây: viêm da tiết bã, vảy nến, viêm da ánh nắng... Tốt nhất bạn nên đến khám tại Bệnh viện Da liễu TP HCM số 2 Nguyễn Thông Quận 3 TP HCM hoặc các phòng khám da liễu khác ở trong thành phố.
- Tôi có bé gái gần 3 tuổi. Gần đây ở trên đỉnh đầu của cháu, tôi thấy xuất hiện các vẩy trắng như gầu nhưng không thấy cháu gãi. Tôi bôi baby oil trên đầu cháu trước khi gội đầu, sau khi gội đầu xong thì hết, nhưng cách ngày sau thì lại thấy xuất hiện. Xin hỏi bác sĩ là bé bi bệnh gì, và cách điều trị như thế nào? (Nguyen Thi Le Hang, 28 tuổi)
- Trường hợp của bé được chẩn đoán là viêm da tiết bã hay dân gian gọi là cứt trâu. Trong giai đoạn này bạn cứ bôi dầu baby oil, sau đó gội đầu. Bạn cứ duy trì thường xuyên. Thông thường, tình trạng này lớn lên bé sẽ tự khỏi bệnh.
- Bố tôi năm nay 67 tuổi bị vẩy nến 4 năm nay chữa nhiều nơi nhưng chưa thấy đỡ, xin bác sỹ cho tôi biết phương pháp chữa bệnh hiệu quả nhất. Cám ơn bác sỹ nhiều! (Lê Như Ninh, 32 tuổi)
- Trường hợp nhẹ (nổi mang đỏ có vảy rải rác trên cơ thể) bác có thể sử dụng thuốc bôi mỡ Salicylic 5%, mỡ Daivonex, Daivobet. Trường hợp nặng hơn (trên 20% cơ thể) thì bạn phải đưa người nhà đến khám tại bệnh viện da liễu hoặc chuyên khoa da liễu.
- Khoảng hơn 3 năm nay tôi bị ngứa, mụn nước xuất hiện thường xuyên ở bàn tay và bàn chân rồi sau đó da bong tróc, thỉnh thoảng các nốt mẩn đỏ lan lên cổ tay. Bác sĩ bệnh viện da liễu chẩn đoán tôi bị chàm khô. Dùng thuốc thì bệnh giảm nhưng ngừng thuốc thì tái phát. Gần đây vùng bụng dưới của tôi cũng sẩn ngứa, điều trị theo đơn thuốc nhưng một thời gian sau vẫn bị lại. Bệnh của tôi ở vùng bàn tay, bàn chân và vùng bụng có liên quan với nhau không? Cách chữa trị như thế nào? (Đoàn Thị Kiều, 30 tuổi, TP HCM)
- Trường hợp của bạn được chẩn đoán là chàm. Khi xuất hiện ở bàn tay- chân gọi là chàm khô; còn ở vùng bụng cũng là chàm, nhưng có thể là chàm tiếp xúc với dây nịt hoặc nút quần jean. Hai bệnh này có liên quan với nhau về mặt cơ địa. Đối với chàm khô, bạn có thể bôi kem giữ ẩm và kem làm mềm da như Softerin, Physiogel, A Derma Skincare. Trường hợp bị ngứa ở vùng chân và bụng, bạn có thể bôi kem Fucidine H hoặc Fucicort. Lưu ý là bạn phải tìm và loại trừ nguyên nhân gây ra bệnh chàm như: những hoá chất tiếp xúc ở vùng tay chân, ở trong mội trường lạnh kéo dài, hoặc tiếp xúc với dây nịt hay nút quần jean...
- Tôi bị vẩy nến da đầu, đã khám ở nhiều nơi và được kê nhiều loại thuốc và dầu gội khác nhau nhưng tôi chưa thấy có loại thuốc nào có hiệu quả tốt, xin bác sĩ cho biết hiện nay có thuốc nào điều trị tốt nhất cho bệnh vẩy nến da đầu không? (Nguyễn Việt Anh, 39 tuổi, Hà Nam)
- Hiện nay thuốc bôi vảy nến da đầu tốt nhất là Daivonex Scalp Solution (bôi ngày hai lần), hoặc Xamiol dạng gel (bôi mỗi buổi tối một lần). Hiệu quả thuốc rõ rệt trong vòng 7 ngày, có thể dùng thuốc kéo dài nhưng cần đúng liều sử dụng.
- Cháu bị bệnh vảy nến đã hơn 10 năm nay, từ khi cháu còn là sinh viên. Cháu cũng đã chữa nhiều nơi nhưng chưa khỏi, cứ đỡ xong lại nặng lên. Hiện nay cháu đã lập gia đình có hai cháu: một trai một gái. Trong thời gian có thai, tình trạng bệnh của cháu lại bị nặng lên. Xin bác sĩ cho biết, tỷ lệ di truyền của bệnh vảy nến sang các con của cháu là bao nhiêu phần trăm và cách để hạn chế bệnh nặng thêm. Cháu nên đi chữa theo Đông hay Tây y. Cháu xin chân thành cảm ơn bác sĩ. (Hoàng Thị Hoa, 33 tuổi, Hạ Long, Quảng Ninh)
- Bệnh vảy nến là một loại bệnh có thể di truyền. Theo nghiên cứu, nếu một người vợ hoặc chồng bệnh vảy nến thì tỷ lệ con bị bệnh là 8-10%, còn nếu cả hai vợ chồng đều bị, thì tỷ lệ di truyền sang con là 40-50%.
Để hạn chế bệnh nặng thêm: Bạn không được chích thuốc có chất Corticoid như một số nơi đã làm, vì thuốc này có tác dụng nhanh nhưng sau đó bộc phát rất nhanh và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm; tránh căng thẳng quá mức; tránh những tổn thương trên da vì tổn thương trên da có thể làm bệnh vảy nến phát triển ngay tại đó; tránh uống rượu, hút thuốc, ăn nhiều chất béo động vật. Ngoài ra, bạn cần tập thể dục thể thao nhẹ nhàng hàng ngày, ngủ đầy đủ ngày 6-8 tiếng, và có thể sử dụng thêm chất Omega 3...
Hiện nay, bệnh này theo Tây y thì được nhiều người lựa chọn hơn vì hiệu quả hơn và kiểm soát được liều lượng thuốc cần dùng.
- Cách đây 1 năm, tôi đi khám và được chẩn đoán bị vảy nến thể mảng thông thường, bác sĩ có kê toa cho tôi thuốc Daivobet, sau 2 tuần sử dụng tôi thấy thuốc có hiệu quả. Giờ đây tôi thấy bệnh lại tái phát, xin bác sĩ có thể cho hỏi tôi có thể dùng lại sản phẩm Daivobet hay không? (Ai Vang, 29 tuổi, Trần Bình Trọng, Q.5)
- Daivobet là thuốc bôi có hiệu quả trong điều trị bệnh vảy nến ở trên da và chỉ cần bôi một ngày một lần, không cần phải bôi nhiều lần. Nếu trường hợp bạn đã sử dụng thuốc Daivobet hiệu quả, bạn nên tiếp tục dùng mỗi ngày một lần cho đến khi hết hẳn triệu chứng.
- Chị em bị bệnh vẩy nến 10 năm nay, đã chữa nhiều nơi nhưng vẫn chưa khỏi. Chị năm nay đã 32 tuổi, nhưng vẫn không dám lấy chồng vì mặc cảm. Xin bác sĩ cho cháu biết làm thế nào? Đến đâu? Gặp ai để chữa khỏi hẳn bệnh giúp chị có thể sống như những người con gái bình thường khác. Xin cảm ơn bác sĩ! (Cao Đức, 28 tuổi, Đức Thọ - Hà Tĩnh).
- Bệnh vảy nến là bệnh tuy chưa có khả năng chữa khỏi hẳn, nhưng có thể kiểm soát và làm mất triệu chứng. Bạn có thể đến khám và điều trị tại phòng khám da liễu địa phương, bệnh viện da liễu trung ương tại Hà Nội, hay bệnh viện da liễu tại Đà Nẵng để được tư vấn miễn phí bệnh vảy nến.
- Bác ơi cho cháu hỏi, cháu hay có gàu ở đầu, mặc dù đã chữa trị nhiều nhưng mãi không khỏi, nay ở cạnh viền tai cháu cũng có hiện tượng gàu, bác cho cháu hỏi có phải như vậy là hiện tượng của vảy nến ko bác (Nguyễn Anh Tuấn, 26 tuổi, Hà Nội)
- Trường hợp của bạn có thể chẩn đoán bị viêm da tiết bã, gàu hoặc vảy nến da đầu. Bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được khám và có chẩn đoán chính xác mới có thể điều trị đúng được.
- Bác sĩ cho hỏi bệnh vảy nến thì nên ăn kiêng loại thực phẩm nào và nên kiêng loại đồ uống nào? Vì tôi đi khám, có bác sĩ nói là nên kiêng ăn thịt chó, uống các loại đồ uống có ga và có màu như bia và rượu vang? (Nguyen Th Hung, 40 tuổi, Hanoi)
- Bệnh vảy nến kiêng những thực phẩm, hạn chế chất ngọt béo có trong thịt gia súc và sản phẩm từ bơ sữa. Ngoài ra, bạn không nên uống rượu bia.
Bạn nên bổ sung acid béo có lợi như Omega 3 có trong dầu cá, hoặc có thể tắm nước trà xanh.
- Làm cách nào tôi có thể giảm nguy cơ mắc bệnh chàm qua thói quen sinh hoạt, thói quen ăn uống, quần áo… ('ngoxuandien, 30 tuổi, Nam Dinh)
- Bệnh chàm là bệnh dị ứng ngoài da do nhiều nguyên nhân trong đó có môt số thức ăn thường gây dị ứng như đồ biển, trứng, đồ lên men (rượu, bia, yaourgt, chao...), đậu phộng.... Do vậy người bệnh tránh ăn những thực phẩm này.
Người bệnh cũng không nên mặc quần áo quá chật, có nhiều nhất nhuộm màu, chất ni lông, hoặc quần áo chưa xả sạch xà phòng giặt... cũng có thể gây bệnh.
Ngoài ra nếu bị căng thẳng thần kinh, ra nhiều mồ hôi, thời tiết thay đổi cũng có thể làm bệnh chàm phát triển.
- Tôi năm nay 50 tuổi, bị vảy nến 10 năm, bác sĩ cho tôi biết phải bôi thuốc gì để khỏi bệnh, nếu chiếu tia UVA thì có hại cho sức khỏe không? Cảm ơn (Hoang Ngoc Vu, 50 tuổi, Dong da Ha noi)
- Ba loại thuốc bôi được sử dụng nhiều nhất hiện nay là thuốc mỡ Salicylic 2, 5 và 10%; thuốc mỡ Daivonex; thuốc mỡ Daivobet. Cách sử dụng theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
UVA là cách chữa bệnh vảy nến có hiệu quả, tuy nhiên nếu sử dụng lâu dài mà không được kiểm soát, da bạn có thể bị đồi mồi, da mau bị lão hoá và gây ung thư da. Do đó, muốn sử dụng chiếu tia UVA thì phải có sự thăm khám và theo dõi thường xuyên của bác sĩ điều trị.
- Cháu đi biển Cần Giờ , khi xuống nước bị con gì chích. Về nhà nó nổi cục ở chỗ chích. Cái cục đó cứng giống như mụn cóc vậy. Lâu lâu nó chảy nước trong đó ra. Không biết làm sao hết . Nó cứ khô rồi lại chảy nước. Cháu dùng nhiều thuốc rồi nhưng không hết. Mong bác sĩ giúp cháu với. Cháu cảm ơn nhiều ạ! (Pe Nho, 19 tuổi, TPHCM)
- Bạn có thể bị sẩn ngứa do côn trùng. Vì vậy bạn có thể bôi thuốc chống dị ứng như Fucicort hoặc Fucidine H mỗi ngày hai lần và uống thêm thuốc kháng dị ứng. Nếu sử dụng trong vòng một tuần không thấy hiệu quả bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được khám và chữa trị.
- Bố em năm nay 54 tuổi, đã bị bệnh vảy nến thể mảng 15 năm nay, ngoài ra bố em còn bị cao huyết áp. Trong thời gian đầu khi mới bị bệnh, vảy nến chỉ xuất hiện ít ở khu vực da đầu, nhưng nhiều năm trở lại đây thì vảy nến xuất hiện ở toàn thân, bác sĩ có thể tư vấn là hiện giờ thuốc gì chữa vảy nến là tốt nhất, và cách giữ gìn như thế nào để giảm thiểu việc tái phát bệnh trở lại? (Nguyễn Thị Thùy Linh, 25 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội)
- Trường hợp bố của bạn bị nến toàn thân, bạn nên đưa ông đến khám và điều trị tại bệnh viện da liễu trung ương Hà Nội để được tư vấn miễn phí bệnh vảy nến.
- Tôi bị bệnh vảy nến đã đi chữa bệnh rất nhiều nơi nhưng đến nay vẫn chưa khỏi, tôi đã đi bệnh viện da liễu Hà Nội, Tp.HCM, bệnh viện Quy Nhơn. Hiện nay, trên cơ thể bị rất nhiều: đầu, thân thể. Đặc biệt là 2 bên hông bị nhiều vết lở. Vậy bác sĩ có thể tư vấn giúp tôi những cách điều trị hoặc là những giải pháp để chữa khỏi bệnh? (Phan Văn Nhã, 60 tuổi, 138 Trường Chinh - thành phố Pleiku - tỉnh Gia Lai)
- Tốt nhất bạn nên chọn một trong ba bệnh viện da liễu nói trên và xin nhập viện để được theo dõi và điều trị tích cực lâu dài, không nên tự điều trị ở nhà sẽ càng làm bệnh trầm trọng thêm.
- Tôi năm nay 35 tuổi , nhưng trong thời gian qua bàn chân, bàn tay tôi thường lên những mụn nước gây ngứa. Nhất là trong dịp giao mùa hoặc đi tất. Hiện tôi chưa có biện pháp chữa trị. Kính mong bác sĩ tư vấn giúp. (Nguyễn Quốc Cường, 35 tuổi, Hà Giang)
- Trường hợp của bạn được chẩn đoán là bệnh tổ đỉa. Triệu chứng thường gặp là có những mụn nước, xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân hoặc ngón tay, ngón chân gây ngứa. Nguyên nhân thường là do tiếp xúc với những hoá chất như xà bông, chất tẩy rửa, xăng dầu... hoặc do thay đổi môi trường. Bạn có thể chữa trị bằng cách tìm và loại trừ nguyên nhân này. Bạn có thể bôi thuốc chống viêm ngứa như Fucicort, uống thuốc chống dị ứng.
- Tôi bị chàm bìu hơn 3 năm nay, đã nhiều lần đến khám và điều trị ở BV Da Liễu. Mỗi đợt thuốc từ 1 tuần đến 2 tuần, tình trạng ngứa giảm hẳn, đôi lúc da trở lại như bình thường. Nhưng khi ngưng thuốc khoảng 2 tuần thì tình tình trở lại như cũ. Nghe nói bệnh này dễ tái phát, vậy xin hỏi bác sĩ tôi có cách nào để trị dứt bệnh này không? (Hùng Lân, 40 tuổi, Q12, TP HCM)
- Chàm bìu là bệnh dị ứng chỉ xảy ra ở bìu, thường hay bị ngứa về ban đêm lúc ngủ. Ngứa rất dữ dội làm mất ngủ và vùng da bìu sẽ dày lên sau một thời gian. Nguyên nhân gây bệnh có thể do bia rượu, ăn đồ biển, tiếp xúc với xà bông thơm...
Bệnh thường gây mất ngủ nên bệnh nhân sức khỏe sẽ bị sút giảm rõ rệt. Tuy nhiên bệnh không gây hại ảnh hưởng về vấn đề sức khỏe sinh sản và tình dục. Cần tìm và loại trừ nguyên nhân gây bệnh nhất là phải tránh những loại xà bông thơm, bôi thuốc chống dị ứng ngắn hạn Fucidine H, Momate, uống thêm thuốc chống dị ứng như Chlorpheniramin, Hydroxyzine vào buổi tối.
- Thưa bác sĩ, tôi có bé trai 17 tháng tuổi bé hay bị ngứa ở tay, chân, cổ, sau gáy. Đi khám thì bác sĩ nói cháu bị chàm không được ăn uống những thứ liên quan tới bò. Vậy xin bác sĩ cho tôi biết cháu cần ăn những gì để đủ chất dinh dưỡng trong giai đoạn phát triển? Xin cảm ơn. (Nguyễn Thị Tuyết, 35 tuổi, Củ Chi)
- Trường hợp nếu ăn thịt bò vào, bạn thấy bệnh chàm tái phát thì nên đổi những món ăn khác cần cho sự phát triển cho bé như: cá, thịt heo, trái cây và rau tươi...
- Chào bác sĩ, tôi bị vảy nến khoảng 6 tháng nay. Bác sĩ cho hỏi bệnh có lây không ạ? Nếu lây thì phòng tránh ra sao? Cảm ơn bác sĩ! (Gt Long, 32 tuổi, Hà Nội)
- Bệnh vảy nến do nhiều nguyên nhân như di truyền, rối loạn miễn dịch... Tuy bệnh gây mất thẩm mỹ trên da nhưng hoàn toàn không lây cho người khác. Đây là bệnh mạn tính nhưng lành tính, kiểm soát được. Bệnh thường không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng gây tác động xấu về mặt thẩm mỹ của bệnh nhân.
Nếu bạn muốn tư vấn kỹ về bệnh, hãy đến các phòng tư vấn miễn phí tại: bệnh viện Da liễu Trung ương Hà Nội, bệnh viện Da liễu Đà Nẵng và bệnh viện Da liễu TP HCM.
- Trên mặt của tôi có triệu chứng của bệnh chàm (hình như là chàm đồng xu, vết tròn không lớn, cũng xuất hiện mụn nước rất ngứa và mất thẩm mĩ), tôi có thể mua thuốc bôi Corticoid tự điều trị được không? Rất mong bác sĩ cho tôi lời khuyên. Chân thành cảm ơn! (Nguyễn Thanh Hằng, 28 tuổi, Hà Giang)
- Bạn có thể bị nấm da mặt, bạn không nên tự ý bôi Corticoid. Bạn nên đến khám tại phòng khám chuyên khoa da liễu để được xét nghiệm tìm nấm ở vùng mặt, sau đó bác sĩ cho có cách điều trị tốt hơn.
- Kính chào bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng. Cho tôi hỏi bệnh chàm và mề đay có liên quan với nhau không? Vợ tôi khi mang thai bị chàm rất nặng. Sau khi sinh xong hay bị nổi mề đay khi trời tối. Vậy có phải bệnh chàm làm cô ấy nổi mề đay không? Cám ơn bác sĩ! (Huỳnh Ngọc Huy, 33 tuổi, Q8, TP.HCM)
- Bệnh chàm và mề đay có thể có cùng nguyên nhân, nhưng cơ chế sinh ra bệnh và triệu chứng cũng khác nhau. Nguyên nhân mề đay không phải do bệnh chàm gây ra. Nguyên nhân gây ra mề đay cũng như bệnh chàm rất phức tạp, không dễ dàng tìm ra nguyên nhân. Điều trị bệnh mề đay dễ hơn bệnh chàm, bệnh mề đay có thể chữa trị khỏi hẳn, nhưng bệnh chàm thì khó hơn. Bạn có thể đến khám và điều trị tại bệnh viện da liễu TP HCM.
- Tôi đã bị vẩy nến 12 năm. Tôi đã tìm hiểu về bệnh và được điều trị nhiều thứ thuốc. Hiện nay tình trạng bệnh cũng ổn định và tôi chấp nhận sống chung với nó, nhưng tôi muốn hỏi bác sĩ. Trên thế giới hiện nay có thuốc hoặc liệu pháp nào mới hay không? Ở VN hiện nay đã có chưa và nơi nào có thể tiếp cận điều trị được? (Xuân Nhật, 29 tuổi, Đông Hồ, 3/2, HCM)
- Hiện nay trên thế giới, đối với trường hợp vảy nến nặng, hoặc kéo dài lâu thì người ta dùng thuốc sinh học. Đây là những loại thuốc chích, chích một lần có thể giảm được trong nhiều tháng, nhưng thuốc rất đắt tiền. Tuy nhiên, sau khi ngừng thuốc thì bệnh vẫn tái phát. Ở Singapore, Malaysia, Thái Lan... đã có sử dụng những thuốc này. Ở Việt Nam, hiện nay chưa có.
Nói chung, vảy nến là một bệnh mạn tính, nhưng lành tính, không lây lan từ người người này sang người khác. Tuy bệnh không thể điều trị hết hẳn, nhưng có thể kiểm soát được, giúp cho bệnh nhân có thể hòa nhập với cuộc sống bình thường. Bệnh này không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nhưng gây tác động đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Ngoài ra, biến chứng có thể gặp là: đỏ da toàn thân, biến dạng khớp xương, chàm hoá, bôi nhiễm... Nếu bạn có dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh vảy nến, nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám và điều trị đúng cách. Bên cạnh đó, để phòng ngừa biến chứng cũng như điều trị không đúng cách có thể xảy ra của bệnh vảy nến, bạn có thể đến các phòng tư vấn bệnh vảy nến miễn phí tại: bệnh viện da liễu trung ương Hà Nội, bệnh viện da liễu Đà Nẵng và bệnh viện da liễu TP HCM.
Nếu bạn bị bệnh vảy nến hoặc quan tâm đến căn bệnh này, có thể đến "Phòng tư vấn bệnh vảy nến miễn phí" tại các bệnh viện sau: - Bệnh viện Da liễu trung ương: Khoa khám bệnh, phòng số 11. Địa chỉ 15A Phương Mai, Hà Nội. Thời gian: chiều thứ 6 hàng tuần, 14h-16h30. - Bệnh viện Da liễu TP HCM: Khoa khám bệnh, phòng 10. Số 2 Nguyễn Thông, Phường 6, Quận 3, TP HCM. Thời gian: sáng thứ 4 và 6 hàng tuần, từ 7h30-11h. - Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng: Khoa khám bệnh, phòng khám chuyên đề vảy nến. Địa chỉ 91 Dũng Sĩ, Thanh Khê, Đà Nẵng. Thời gian: sáng thứ 3 và thứ 5 hàng tuần, từ 7h30 đến 11h. |
Nhóm phóng viên