![]() |
Giáo hoàng John Paul II dùng máy tính. |
Trang web của Vatican được lập nên từ năm 1995. Những năm gần đây, khi sức khoẻ của Giáo hoàng yếu đi nhiều, ngài không thể phát biểu thường xuyên trước các đám đông. Vì vậy Giáo hoàng thường đưa thư, bài phát biểu, những hồi tưởng cá nhân lên mạng.
Chỉ ít tuần trước khi qua đời, Giáo hoàng đã gửi bức thư yêu cầu các linh mục và chức sắc trong Nhà thờ khai thác tiềm năng của Internet cho việc truyền đạo: “Đừng sợ công nghệ mới. Đây là một trong những điều huyền diệu mà Chúa đã gửi tới cho chúng ta”.
Một trong nhiều trang web điển hình của Nhà thờ là trang do hồng y Cormac Murphy O’Connor - tổng giám mục Westminster và trưởng giáo đoàn Công giáo ở Anh và xứ Wales - lập nên. Trang này khá buồn tẻ, với những thông tin về tiểu sử của vị hồng y, nội dung các bài giảng và bài viết gần đây.
Thật là một sự đối lập, nếu so nó với trang web của tổng giám mục Bombay (Ấn Độ) Ivan Dias. Chỉ cần điền vào một mẫu đơn trên mạng, các tín đồ có thể nhờ hồng y cầu nguyện cho họ và người thân. Ngoài ra, họ còn có thể dễ dàng lựa chọn những yêu cầu cụ thể khi xin cầu nguyện, từ “một cái chết thanh thản” cho đến giúp tìm một việc làm.
Ở Áo, hồng y Vienna Christoph Schoenborn cũng duy trì mối quan hệ gần gũi với giáo dân bằng cách thông báo cho họ về chuyến đi của ông tới Rome để dự đám tang John Paul II và cuộc họp kín bầu Giáo hoàng mới. Những bức ảnh chụp cảnh Schoenborn vẫy tay chào tạm biệt trên chuyến tàu đến Rome được kèm theo bài viết về chuyến đi của ông tới Vatican.
Ngoài ra, những trang web không chính thức do các fan lập ra để ca ngợi những hồng y mà họ yêu mến cũng có rất nhiều.
Hồng y người Đức Joseph Ratzinger, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tín, có 2 trang web như vậy. Các fan có thể qua đó để mua áo phông và mũ bày tỏ sự ủng hộ ông, trên đó in dòng chữ: “Người ngăn chặn dị giáo từ năm 1981”.
Một trang web không chính thức khác thì cổ động cho việc chọn hồng y Gofried Daneels của Bỉ làm tân Giáo hoàng: “Lần tiếp theo khói trắng toả ra từ ống khói của Vatican lên thiên đường, chúng ta hãy cùng hy vọng, dòng chữ viết trên trời cao sẽ mang tên DANNEELS”.
Vị cựu giám mục xứ Evreux ở Pháp, Jacques Gaillot, còn đi xa hơn trong thế giới mạng, khi lập ra cái mà ông gọi là “giáo khu không biên giới”. Vatcian không hài lòng về những quan điểm tự do của ông, nên chuyển Gaillot sang phụ trách giáo phận Partenia. Đây thực ra là một sư trừng phạt, biến vị giám mục thành người “hữu danh vô thực” vì Partenia từ lâu vốn không còn tồn tại. Trung tâm thương mại một thời phồn vinh ở Algeria đã biến mất dưới cát của sa mạc Sahara từ 1.500 năm trước. Đáp lại, Gaillot lập ra một trang web khác để có thể giảng đạo cho hàng triệu người.
Vatican hiện còn tìm kiếm một vị thánh bảo hộ cho Internet và máy tính. Một ứng cứ viên hàng đầu là vị tổng giám mục thế kỷ 7 Isadore (xứ Seville), tác giả cuốn “Etymologiae”, mà một số nguời coi là quyển bách khoa toàn thư đầu tiên của thế giới.
M.C. (theo BBC)